Liên Thành
Các tin tặc do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, gọi là APT 31, gần đây bị nghi ngờ thực hiện một chiến dịch lừa đảo trực tuyến chống lại một chính trị gia nổi tiếng của Bỉ, người từng nhắm mục tiêu vào Trung Quốc vì các hành vi vi phạm nhân quyền của nước này.
Hình thức lừa đảo đó gọi là “Spear Phishing”. Spear phishing là một hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó kẻ tấn công dùng e-mail, văn bản hoặc tweet để nhử người dùng click chuột vào, hoặc tải về máy một liên kết hay tệp độc hại. Mục đích của nó nhằm thu thập các thông tin bí mật về tài chính, thương mại hoặc quân sự.
Như tờ Financial Times đã đưa tin, Trung tâm An ninh mạng Bỉ đã chỉ đích danh nhóm tin tặc với khả năng là kẻ tấn công đằng sau vụ lừa đảo liên lạc điện tử, chống lại thành viên quốc hội Bỉ Samuel Cogolati.
Trung tâm An ninh mạng Bỉ viết: “Chúng tôi có lý do để tin rằng loạt email này đến từ APT 31, một kẻ đe dọa có liên quan đến Trung Quốc và đã thể hiện sự quan tâm đến những người chỉ trích các hành động của ĐCSTQ.”
Cơ quan nói với ấn phẩm rằng, họ đã xác định được APT 31 thông qua một nguồn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đưa ra được kết luận chắc chắn.
Thành viên Hạ viện Bỉ Samuel Cogolati nổi tiếng với lập trường kiên quyết chống lại sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Vào năm 2021, Bắc Kinh đã trừng phạt ông vì đã thông qua nghị quyết xác nhận tội ác diệt chủng của ĐCSTQ.
Ông Cogolati đã nhận được email từ một hãng tin giả trong khi làm việc về kiến nghị. Hãng tin lừa đảo cho biết họ có thông tin về việc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Vị chính trị gia đã không biết về mối đe dọa tiềm ẩn từ việc này, cho đến khi Trung tâm An ninh mạng Bỉ thông báo cho ông về chúng.
Bên cạnh đó, một cuộc tấn công mạng quy mô lớn cũng đã ngăn chặn một phiên họp quốc hội Bỉ, với các nạn nhân là người Duy Ngô Nhĩ vào tháng 5 năm 2021, buộc phiên họp phải dời lại. Vào thời điểm đó, các chính trị gia Bỉ đang chuẩn bị nghe một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ kể chi tiết trải nghiệm của cô trong các trại cải tạo của Trung Quốc.
Rất hiếm khi một quốc gia châu Âu như Bỉ công khai cáo buộc Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng.
Ông Christopher Ahlberg, đồng sáng lập công ty tình báo mạng Recorded Future, nhận xét: “Đối với một quốc gia nhỏ như Bỉ, điều đó thật táo bạo. Việc các nước châu Âu quy kết các cuộc tấn công do Trung Quốc cách đây 4-5 năm là điều không hề có. Hiện tại, các khiếu nại đã trở nên quá nhiều để Trung Quốc có thể lờ đi.”