Tin thế giới trưa thứ Tư: Phố Wall đỏ lửa – Chỉ dấu tới một cuộc khủng hoảng cận kề

Phố Wall đỏ lửa, lợi suất TPCP Mỹ cao kỷ lục kể từ 2007: Chỉ dấu tới một cuộc khủng hoảng cận kề

Một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có – Mẹ của các cuộc khủng hoảng – đã được cảnh báo là đã xuất hiện. (Ảnh: Adobe stock)

Phố Wall đỏ lửa khi phiên giao dịch ngày 7/3/2023 kết thúc. Lý do được cho Phố Wall “nản lòng” trước tuyên bố tăng lãi suất điều hành kiểu diều hâu của Fed. Đi kèm theo đó, đồng bạc xanh của Mỹ tăng giá cao nhất trong 3 tháng vừa qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 6 tháng trên thị trường thứ cấp đang chỉ dấu tới một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/3/2023, chỉ số Dow Jones đóng cửa mất 574 điểm, còn 32,856.46 điểm, thấp hơn 1,7% so với phiên giao dịch trước đó vào thứ Ba. Các chỉ số như S&P 500 và Nasdaq 100 cũng lần lượt giảm 1,5% và 1,2%.

Phố Wall lo ngại đợt tăng lãi suất mạnh hơn và cao hơn sau phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Dữ liệu lạm phát đáng thất vọng vào tháng 1/2023 của Hoa Kỳ trong khi các yếu tố vĩ mô có xu hướng ổn định hơn các thúc đẩy Fed hướng tới mức lãi suất điều hành cao hơn dự kiến trước kia, tốc độ tăng lãi suất mỗi lần cũng có thể cao hơn.

Trong phiên điều trần thường niên trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện Hoa Kỳ, Chủ tịch Fed (còn được gọi là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ), ông Jerome Powell tuyên bố rằng Fed sẵn sàng tăng tốc lãi suất và hướng tới mức lãi suất cao hơn mức đã công bố nếu các dữ liệu vĩ mô chỉ ra rằng việc thắt chặt tiền tệ nhanh hơn vẫn tạo ra các bất ổn.

Ông Powell khẳng định: “Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần phải thắt chặt [chính sách tiền tệ] nhanh hơn, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất điều hành”.

Lợi suất Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 6 tháng (trên thị trường sơ cấp) đạt mức cao kỷ lục 5,2%, mức chưa từng thấy kể từ năm 2007; thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng. Lợi suất TPCP Hoa Kỳ kỳ hạn 6 tháng đã đạt mức trước khủng hoảng 2008 là 5,2%/năm (Nguồn: St.louis Fed)

Biểu đồ trên của St. Louis Fed cho thấy mỗi khi lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh, đi kèm sau đó là cuộc khủng hoảng (biểu diễn bằng cột mầu xám). Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 6 tháng đã dự báo đúng 9 cuộc khủng hoảng kể từ thập kỷ 60 thế kỷ trước cho tới nay.

Số liệu này dường như chỉ dấu tới một cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính tồi tệ đang rình rập nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Bên cạnh đó, chỉ số giá đồng USD là DXY tăng vượt mức 105 điểm, mức cao nhất trong 3 tháng qua.

Quang Nhật

Hàn Quốc: Giới trẻ thờ ơ với kết hôn và sinh con

(Ảnh minh họa: Par yochika photographer/ Shutterstock)

Các chương trình hẹn hò thực tế trên truyền hình của Hàn Quốc đã rất thịnh hành trong thời gian qua và thu hút lượng người xem đáng kể, tuy nhiên, trên thực tế, sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới trẻ tại quốc gia này với tình cảm lãng mạn lại khá ảm đạm, theo hãng tin Reuters.

Được biết, chỉ tính riêng năm 2022, có khoảng 20 chương trình hẹn hò thực tế được trình chiếu qua các kênh truyền hình cáp tại Hàn Quốc cũng như nền tảng phát video trực tiếp, gấp 3 lần năm 2021.

Trong khi chương trình về hẹn hò và các mối quan hệ tăng mạnh tại Hàn Quốc thì mức độ phổ biến của hôn nhân và háo hức đối với việc làm cha mẹ đã lao dốc. Mất cân bằng giới tính và chi phí nuôi con cái tăng vọt là những nguyên nhân chính.

Sự thờ ơ của giới trẻ Hàn Quốc với việc kết hôn và sinh con được thể hiện rõ qua các số liệu thống kê. Trong 5 năm qua, số cặp đôi mới kết hôn tại nước này giảm 23%. Bên cạnh đó, ngày 22/2, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố số liệu cho thấy có tổng cộng 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với mức ghi nhận năm 2021. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc năm 2022 – số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời – là 0,78. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi KOSTAT bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan.

Trong khi các chương trình thực tế lãng mạn có thể đang thịnh hành, một số lượng đáng kể người Hàn Quốc lại đang tránh xa các mối quan hệ. Hiệp hội Dân số, Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc đã thực hiện khảo sát trong năm 2022 với 1.000 người tham gia, có đến 2/3 người độc thân trong độ tuổi từ 19 – 34 cho biết họ không trong một mối quan hệ. Trong đó, 61% nữ giới và 48% nam giới cho biết họ không có mong muốn tìm bạn gái hoặc bạn trai trong tương lai.

Giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook (Hàn Quốc) Lim Myung-ho nhận định rằng các đối thoại trong chương trình hẹn hò là tốt đối với nước này. Ông cho hay: “Chính phủ và xã hội cần có nỗ lực trong thúc đẩy thái độ tích cực hơn đối với hẹn hò, hôn nhân và những chương trình thực tế có thể hỗ trợ điều này”.

Phan Anh

Bạo động ở Gruzia vì dự luật “đặc vụ nước ngoài”

Cảnh sát vũ trang đã phải vào cuộc hôm 7/3 để đối phó với bạo động của hàng nghìn người biểu tình ở Cộng hòa Gruzia (Georgia) khi quốc hội đang thảo luận về dự luật tạm gọi là “đặc vụ nước ngoài”.

Video về bạo động ở Gruzia (Georgia)

Cảnh sát vũ trang đã phải dùng tới hơi cay, vòi phun nước, đạn cao su để giải tán đám bạo động bởi hàng nghìn người biểu tình ở quốc gia chỉ có không đầy 4 triệu dân này.

Như tin đã đưa, dự luật mà tạm gọi tắt là dự luật về “đặc vụ nước ngoài” (foreign agent, đặc vụ nước ngoài, đại lý nước ngoài) yêu cầu tổ chức nào mà ít nhất 1/5 quỹ kinh phí là từ nước ngoài, thì phải chịu kiểm soát của luật này như một cơ quan đặc vụ của nước ngoài. Đã có xô xát ở quốc hội vì vụ việc này.

Trước khi xảy ra bạo động, cùng này hôm đó các nhà lập pháp Gruzia đã bỏ phiếu 76-13 thông qua dự luật, thuận theo quan điểm của đảng cầm quyền. Tuy nhiên đảng đối lập đã phản đối và khẳng định luật này là “luật Nga” vì nó lặp lại theo bộ luật tương tự của Liên Bang Nga, và sẽ làm xói mòn tự do dân chủ của Gruzia, và gọi ngày hôm đó là “ngày đen tối của nền dân chủ.”

Trưởng đại diện của EU, Josep Borrell, tuyên bố dự luật này đi ngược lại các giá trị của EU, và ông kêu gọi người dân Gruzia hãy đứng lên để ủng hộ “dân chủ, pháp trị và nhân quyền.”

Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili, người hiện đang trong chuyến công du ở Hoa Kỳ, đã lên tiếng ủng hộ nhóm bạo động và nói sẽ phủ quyết dự luật này nếu nó vẫn được thông qua vào bước tiếp theo.

“Luật này không cần thiết cho bất kỳ ai và nó không đến từ bất kỳ đâu, nếu không phải theo lệnh của Moscow,” bà nói trong một bài phát biểu qua video từ New York. “Tôi không quan tâm đến cuộc thảo luận từng bài báo của nó, sự tương đồng của nó với luật cũ của Mỹ, mà chúng tôi biết rõ là phục vụ một mục đích hoàn toàn khác.”

Tờ báo của Nga RT cho rằng việc lôi Nga vào làm lý do mâu thuẫn là không thích đáng. Vì bản thân bộ luật đó của Nga chính là học theo bộ luật FARA của Hoa Kỳ có từ năm 1938, trong đó yêu cầu các tổ chức như vậy phải khai báo và báo cáo hoạt động.

FARA không phải là luật cũ đã vô hiệu của Hoa Kỳ. Nó là bộ luật đang hiện hành. Gần đây The Guardian đã từng đăng một bài mà trong đó các nhà vận động hành lang ở Hoa Kỳ phải đăng ký và báo cáo hoạt động của mình theo FARA vì họ vận động tăng viện trợ cho chiến trường Ukraine, và họ nhận hàng triệu đô la từ các hãng sản xuất vũ khí. ‘Ngành’ vận động hành lang này đã bùng phát trong năm qua, với số tổ chức vận động hành lang đăng ký cho FARA tăng từ 11 đến 25 tổ chức.

Nhật Tân (T/h)

Liên Hợp Quốc: Thiệt hại do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt quá 100 tỷ USD

Một quan chức của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, thiệt hại do trận động đất kinh hoàng vào tháng trước ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt quá 100 tỷ USD.

“Rõ ràng từ các tính toán được thực hiện cho đến nay, con số thiệt hại do chính phủ đưa ra và được hỗ trợ bởi… các đối tác quốc tế sẽ vượt quá 100 tỷ đô la,” bà Louisa Vinton của UNDP cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Ba qua liên kết video từ Gaziantep, một thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại nặng nề trong trận động đất.

Hơn 52.000 người đã thiệt mạng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria bởi trận động đất ngày 6 tháng 2. Nhiều người bị chôn vùi khi họ đang ngủ.

Con số thiệt hại tạm thời, mà bà Vinton cho biết chỉ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang được sử dụng làm điểm cơ sở cho hội nghị các nhà tài trợ vào ngày 16 tháng 3 tại Brussels để quyên góp tiền cho những người sống sót và tái thiết.

Ngân hàng Thế giới trước đây ước tính thiệt hại trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ là 34,2 tỷ USD, nhưng cho biết chi phí phục hồi và tái thiết sẽ cao hơn nhiều và tổn thất đối với tổng sản phẩm quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến sự gián đoạn kinh tế do động đất gây ra cũng sẽ làm tăng thêm chi phí.

Bà Vinton mô tả cảnh tượng ở tỉnh Hatay bị tàn phá nặng nề nhất của Thổ Nhĩ Kỳ giống như “ngày tận thế”, nói rằng hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy.

Theo số liệu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 2 triệu người sống sót đã được đưa vào nơi ở tạm thời hoặc sơ tán khỏi khu vực bị động đất tàn phá.

Khoảng 1,5 triệu người đang sống trong lều trong khi 46.000 người khác đã được chuyển đến nhà container, những người khác đang sống trong ký túc xá và nhà khách, chính phủ cho biết.

Nhật Minh

Related posts