Trung Quốc khai triển dự án ‘GW’ để chống lại Starlink của ông Elon Musk

Tác giả Terri Wu và Terri Wu

Trung Quốc khai triển dự án ‘GW’ để chống lại Starlink của ông Elon Musk
Người sáng lập SpaceX kiêm Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, đang nói chuyện trên một màn hình trong sự kiện Đại hội Thế giới Di động (MWC) ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 29/06/2021. (Ảnh: Nacho Doce/Reuters)

Starlink – một mạng lưới vệ tinh do SpaceX điều hành đã và đang có sức ảnh hưởng rất lớn trong chiến tranh Nga-Ukraine – đang gây ra một nỗi sợ ngày càng lớn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đã tiết lộ các kế hoạch chống lại Starlink thông qua một dự án có mã hiệu là “GW.” Tuy nhiên, liệu Trung Quốc thực sự có khả năng cạnh tranh với Starlink của ông Elon Musk dưới bất kỳ phương thức, hình dạng, hay hình thức nào hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ.

Mới đây, viện nghiên cứu quân sự hàng đầu của ĐCSTQ đã đăng một bài báo nói rằng gần 42,000 vệ tinh quỹ đạo thấp của Starlink có khả năng cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao và có tiềm năng quân sự to lớn, và điều này gây ra mối đe dọa rất lớn đối với chương trình không gian của ĐCSTQ. Bài báo này chỉ ra rằng Trung Quốc cần phải tìm một cách nào đó để chống lại Starlink.

ĐCSTQ tìm cách vượt qua Starlink

Theo các nhà nghiên cứu của ĐCSTQ, công ty vệ tinh Trung Quốc “China Satellite Network Group Co.” (Công ty Tập đoàn Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc) có thể xây dựng mạng lưới vệ tinh quỹ đạo thấp của Trung Quốc. Mạng lưới này được đặt mã hiệu là GW. Tập đoàn Mạng lưới Vệ tinh Trung Quốc được thành lập vào ngày 28/04/2021, do Quốc Vụ viện của ĐCSTQ trực tiếp điều phối việc khai triển và vận hành thông tin vệ tinh. Thông tin được tiết lộ rằng công ty này dự kiến ​​sẽ phóng gần 13,000 vệ tinh quỹ đạo thấp.

Hôm 03/03, ông James Andrew Lewis, phó chủ tịch cao cấp kiêm giám đốc Chương trình Công nghệ và Chính sách Công tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với The Epoch Times rằng do Trung Quốc tụt hậu so với các nước khác trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh, nên họ không thể chiếm lĩnh tất cả các quỹ đạo thấp và thay thế Starlink được, đồng thời việc phóng vệ tinh cần phải trải qua một quy trình chấp thuận của Liên Hiệp Quốc.

Vệ tinh của Trung Quốc kém hiệu quả hơn nhiều

Trước đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng từ năm 2023 đến 2030 ĐCSTQ dự kiến phóng trung bình hơn 180 vệ tinh mỗi năm, và từ năm 2033 đến 2035 phóng hơn 1,700 vệ tinh mỗi năm để thiết lập mạng lưới vệ tinh của họ.

Mặt khác, hồi tháng 08/2021 SpaceX đã đề xướng với Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) về việc phóng 30,000 vệ tinh Starlink 2.0 để thay thế hệ thống vệ tinh Starlink 1.0 hiện tại với băng thông thấp hơn. FCC đã phê chuẩn tổng cộng 12,000 vệ tinh Starlink để SpaceX phóng và có thể phê chuẩn kế hoạch phóng 30,000 vệ tinh của SpaceX trong tương lai. Ngoài ra, ông Musk dự kiến sẽ phóng Starlink 2.0 bằng phi thuyền Starship (hỏa tiễn đẩy siêu nặng), vốn có thể tái sử dụng và có khả năng đưa người lên vũ trụ.

Hôm 02/03, ông Hạ Lạc Sơn (Xia Luoshan), người dẫn chương trình “Tin tức Quân sự” (Military Focus), nói với The Epoch Times rằng kế hoạch của ĐCSTQ liên quan đến hai mục tiêu chính: một là xây dựng hệ thống vệ tinh tương tự Starlink của riêng Trung Quốc để cạnh tranh với Hoa Kỳ, và hai là có thể tiến hành tấn công vào các vệ tinh của Hoa Kỳ. “Cả hai điều này đều không dễ dàng gì,” ông nói. “Việc đưa hàng chục ngàn vệ tinh vào quỹ đạo chỉ có thể thực hiện được sau khi SpaceX phóng các hệ thống có khả năng tái sử dụng. Hiện tại tôi không thấy ĐCSTQ có khả năng tương tự như vậy.”

Cố gắng tấn công vào vệ tinh của Hoa Kỳ

Bài báo của nhà nghiên cứu ĐCSTQ nói trên cũng tuyên bố rằng các vệ tinh của Trung Quốc phải ngăn chặn Starlink bằng cách khai triển vũ khí “sát thương” trên đó để phá hủy khả năng bay và do thám của hệ thống vệ tinh này. Bởi vì ĐCSTQ nhận thấy được giá trị quân sự của Starlink và vai trò của hệ thống này trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nên họ xem Starlink là một mối đe dọa và đang tìm cách để có thể tiêu diệt hệ thống này thông qua chiến tranh điện tử và các công nghệ can thiệp điện từ.

Hôm 07/10/2022, ông Musk tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không chấp thuận việc ông sử dụng Starlink để trợ giúp quân đội Ukraine trong cuộc chiến này và đã yêu cầu ông phải bảo đảm là không được cung cấp các dịch vụ của Starlink tại Trung Quốc. Hồi năm 2015, ông Musk cũng đã nói về khả năng ĐCSTQ sẽ cho nổ tung mạng vệ tinh Starlink của ông nếu ông cung cấp một dịch vụ Internet nào mà không có sự kiểm duyệt của ĐCSTQ.

Trật tự quốc tế hiện nay quy định rằng không có vũ khí nào được đặt trong không gian, nhưng nghị trình đầy tham vọng của ĐCSTQ lại có thể thay đổi điều đó.

Sử dụng các công ty tư nhân để phát triển vệ tinh quân sự

ĐCSTQ đã công khai kết hợp các mạng vệ tinh vào cơ sở hạ tầng mạng truyền thông mới của mình, trong đó có 5G, AI, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, và chuỗi khối (blockchain), cho phép các vệ tinh có quỹ đạo thấp thúc đẩy những phát triển công nghệ này. Đồng thời, chính quyền này áp dụng một biện pháp “kết hợp quân sự-dân sự” trong việc điều hành sự phát triển quân sự của họ.

Một bản tin hồi tháng 04/2022 trên báo An ninh Quốc phòng Hai tuần Một số (National Defense and Security Fortnightly) của Đài Loan đã đưa tin về một sự gia tăng số lượng của các công ty vệ tinh thương mại “tư nhân” mới ghi danh ở Trung Quốc, trong đó số lượng ghi danh trong năm 2020 nhiều hơn gấp sáu lần so với năm 2010. Các công ty này bề mặt là những doanh nghiệp tư nhân, nhưng về căn bản là nhận được tài trợ của ĐCSTQ phía sau hậu trường.

Ví dụ, Commsat, bề mặt là một công ty tư nhân ở Bắc Kinh, đã nhận được hàng trăm triệu dollar đầu tư từ Quỹ đầu tư Internet Trung Quốc thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc và từ một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Bản tin đó cũng nói rằng Tập đoàn Công nghiệp Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đã phóng sáu vệ tinh liên lạc quỹ đạo thấp bằng hỏa tiễn không thể tái sử dụng hồi tháng Ba năm ngoái (2022) như một phần của một trong bốn hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp được ĐCSTQ đề xướng. Tuy nhiên, chương trình này không có bước đột phá nào kể từ đó.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts