Lê Học Lãnh Vân
Theo VietNamNet, ngày 13/3/2023, “ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội), cho biết: “Việc lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến toàn dân. Trẻ em cũng là một công dân và cũng cần được lấy ý kiến””.
Bài viết này xin thảo luận từng điểm trong quan điểm nói trên của ông Hà Đình Bốn về việc lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai.
I – Việc ấy hoàn toàn đúng quy định pháp luật?
Trái với khẳng định của ông Bốn rằng việc ấy hoàn toàn đúng pháp luật, bài viết này cho rằng Pháp luật Việt Nam quy định:
Ai cũng có quyền đứng tên sổ đỏ, sổ hồng, đứa bé lên ba cũng có quyền đó. Tuy nhiên dưới 18 tuổi thì việc giao dịch tài sản đó phải có sự đồng ý của của người đại diện.
Điều này chứng tỏ pháp luật Việt Nam không coi công dân dưới mười tám tuổi là đủ mức độ trưởng thành để giao dịch tài sản đó. Do vậy, lấy ý kiến trẻ em dưới 18 tuổi về Dự thảo Luật Đất đai là không hợp pháp luật.
II – Việc ấy phù hợp với ý Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến toàn dân?
Khác với lập luận của ông Bốn, bài viết này cho rằng việc ấy không phù hợp với Nghị quyết. Hai câu nói của dưới đây của ông Bốn không đúng và mang đầy tính ngụy biện.
“Trẻ em cũng là một công dân và cũng cần được lấy ý kiến”, và câu
“Luật quy định lấy ý kiến toàn dân, tức là không loại trừ đối tượng nào”
Lấy ý kiến toàn dân nghĩa là ý kiến những công dân được luật pháp xác định đủ tuổi trưởng thành, đủ điều kiện để có ý kiến chớ không phải “không loại trừ đối tượng nào”!
Nói theo ông Bốn, người ta có thể lấy ý kiến của trẻ học mẫu giáo hay sao? Người ta có thể lấy ý kiến người đang chữa bệnh tâm thần trong bệnh viện hay sao?
III – Không hỏi ý kiến trẻ em là chưa thực hiện đúng luật?
Bài viết này cho rằng trái lại, trong trường hợp này hỏi ý kiến trẻ em là làm trật!
Trẻ em là thành phần công dân đặc biệt, được hưởng những ưu đãi đặc biệt của xã hội, không có những nghĩa vụ, trách nhiệm của người trưởng thành. Do đó, trẻ em không cần phải nghe, đọc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để góp ý. Tổ chức cho trẻ em làm điều đó là trật, là lấy đi thì giờ, sức khỏe, tâm trí của trẻ em thay vì để chúng vui chơi, học tập. Điều này cũng coi là xâm phạm những quyền trẻ em được hưởng.
Tất nhiên, có những em thiên bẩm, xuất sắc, quan tâm tới đề tài ngoài tầm của trẻ em, những em đó muốn tham gia thì nên tạo điều kiện cho những trường hợp đặc biệt đó. Còn tổ chức lấy ý kiến trẻ em như đã làm là bắt trẻ em làm điều không phù hợp với lứa tuổi. Bài viết này cho rằng lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc làm sai trái, có thể bị cha mẹ học sinh kiện ra tòa!
VI – Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam muốn bảo vệ quyền trẻ em thì nên bảo vệ quyền gì?
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan“
Vận nước đã hết gian nan, Việt Nam đã hòa bình, thống nhất gần năm mươi năm rồi, trẻ em phải được chiều chuộng, nâng niu. Người lớn phải lo cho trẻ em được ăn đủ chất, được sống trong điều kiện thuận lợi để vui chơi, học hành hầu mai sau trở thành công dân có kiến thức, có năng lực, có đạo đức…
Công nhân viên chức phải sống được bằng lương để họ có đồng tiền lương thiện nuôi con. Giáo dục miễn phí phải được áp dụng, áp dụng thật lòng, trung thực để cha mẹ không phải đóng tiền học cho con thơ, có tiền bạc, thì giờ với con.
Nơi làng xa xóm vắng cũng phải lo cho trẻ em có bữa cơm tới trường, lo đường đi an toàn tiện lợi. Trường ốc rộng rãi, hợp vệ sinh, an toàn cho con trẻ.
Chương trình học phải phù hợp tâm sinh lý trẻ em và vì lợi ích của học sinh. Phải cung cấp kiến thức toàn diện và đa chiều cho trẻ em. Tạo môi trường công chức liêm chính, đạo đức đễ các em được sống trong xã hội nhân ái, trung thực.
Trẻ em phải được bảo vệ khỏi sự lạm dụng, bạo hành…
Bảo vệ quyền trẻ em là bảo vệ những điều như trên. Đừng lôi trẻ em vào những trò của người lớn…
Ngày 11 tháng 3 năm 2023