Ben Zhao và Lynn Xu
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada (Phải) nói chuyện với các sĩ quan thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (Trái) tại Bộ Quốc phòng ở Tokyo vào ngày 28/01/2009. (Ảnh: AFP/AFP qua Getty Images)
Quốc phòng Nhật Bản đang chuyển sang chế độ phản công để nhắm đến các mối đe dọa quân sự từ ĐCSTQ, Bắc Hàn, và Nga
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng khoảng 130 kho lưu trữ đạn dược trên khắp đất nước trong 10 năm tới, hướng tới việc tăng cường khả năng chiến đấu liên tục để ngăn chặn cuộc khủng hoảng trên Eo biển Đài Loan.
Hôm 02/03, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu cho biết tại ủy ban ngân sách Thượng viện, bốn kho đạn đầu tiên dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2023 tại hai tỉnh có các cơ sở của Lực lượng Phòng về là Aomori và Oita, sau đó đến năm 2027 sẽ nhân rộng ra ở các khu vực khác, tổng cộng khoảng 70 kho, và đến năm 2033 xây thêm 60 kho.
Ông Hamada nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm khả năng chiến đấu liên tục đầy đủ của Lực lượng Phòng vệ, bao gồm cả việc cung cấp đủ đạn dược ngay lập tức.
Hành động này là một phần trong những nỗ lực của Nhật Bản nhằm chống lại mối đe dọa quân sự từ nước láng giềng cộng sản Trung Quốc. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái (2022), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chọn đứng về phía Nga, và các hành động khiêu khích quân sự của nước này đối với Đài Loan đã và đang leo thang.
Tháng Mười Hai năm ngoái, chính phủ Nhật Bản xem xét lại các chiến lược quốc phòng của mình để nâng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP vào năm 2027, từ mức 1% trước đó hoặc ít hơn trong nhiều thập niên.
Chuẩn bị tinh thần chiến tranh trước cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan
Trước đó vào ngày 06/09/2022, ông Hamada cho biết Nhật Bản đang xem xét mở rộng các cơ sở lưu trữ nhiên liệu và đạn dược ở quần đảo Okinawa phía tây nam để đối phó với cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan.
Vào thời điểm đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không thể đưa ra phản ứng hiệu quả nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan vì kho dự trữ đạn dược của họ chỉ đủ dùng trong hai tháng. Khoảng 70% số đạn dược được cất giữ ở Hokkaido, cách Đài Loan 2,000 km (1,243 dặm), và chỉ 10% được cất giữ ở Kyushu và Okinawa, phía tây nam gần Đài Loan.
“Để bảo vệ Nhật Bản, điều quan trọng đối với chúng ta là không chỉ trang bị phần cương liệu như phi cơ và tàu mà còn phải có đủ đạn dược cho những thiết bị này,” ông Hamada nói với Nikkei News.
Ông Kawano Katutoshi, cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ, đã kêu gọi tăng cường các khả năng phòng thủ của Nhật Bản tại một hội nghị hôm 09/02 ở Fukuoka, viện dẫn rằng nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan, thì cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ sẽ lan rộng đến Philippines và Nhật Bản. Quần đảo phía tây nam của Nhật Bản sẽ là một khu vực tranh chấp quan trọng.
Ông Kawano cho biết Nhật Bản đã khai triển lực lượng hỏa tiễn tới đảo Amami Oshima, đảo Ishigaki, và đảo Miyako. Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cũng đã lập một chương trình chiến lược quân sự để ngăn chặn lực lượng hải quân của ĐCSTQ trên các đảo này.
Từ phòng thủ bị động chuyển sang phản công
Ngày 16/12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia và ba văn kiện an ninh liên quan, tuyên bố rằng họ sẽ nâng cao năng lực phản công, trong đó có tấn công các căn cứ phóng hỏa tiễn của đối phương.
Hãng thông tấn Nhật Bản The Mainichi cho biết đây là một sự thay đổi quan trọng về quốc phòng; biến chuyển này về căn bản đã thay đổi chính sách an ninh trước đây của nước này là “không sở hữu khả năng phản công.”
Ngày 10/12/2022, Kyodo News dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết ngoài khả năng phản công, Nhật Bản sẽ tăng cường sản xuất hỏa tiễn tầm xa nội địa và mua hỏa tiễn của ngoại quốc, cũng như hợp tác với Hoa Kỳ, vốn là điều quan trọng đối với hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan.
Sự thay đổi như vậy có thể liên quan đến áp lực quân sự đang gia tăng từ phía ĐCSTQ, Nga, và Bắc Hàn.
ĐCSTQ là mối đe dọa lớn hơn cả Bắc Hàn, điều mà các nhà lập pháp đã đi đến một đồng thuận tại Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2018, ông Kitaoka Shinichi, giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo và phó đại diện thường trực của Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc, cho biết hôm 06/09/2022, trên nippon.com.
Ông Kitaoka nói tiếp rằng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng biện pháp phòng thủ nghiêm ngặt đã lỗi thời và lực lượng phản công là cần thiết để áp đảo lực lượng tấn công của đối phương.
Ở Bắc Hàn, chế độ của ông Kim Jong Un đang liên tục khiêu khích những nước khác bằng vũ khí hạt nhân, nhắm vào không chỉ Nam Hàn mà còn cả Nhật Bản và Hoa Kỳ như một mối đe dọa trực tiếp.
Hôm 18/02, Bắc Hàn đã phóng một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, và bay được quãng đường khoảng 900 km (559 dặm). Ông Hamada cho biết dựa trên đường bay, hỏa tiễn này có phạm vi bay tối đa hơn 14,000 km (8,699 dặm), và có thể vươn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Trục ĐCSTQ, Nga, và Bắc Hàn
Hôm 28/02, ông Muto Masatoshi, cựu đại sứ Nhật Bản tại Nam Hàn, đã viết một bài xã luận trên JBpress Politics rằng cộng đồng quốc tế đã trở nên chia rẽ hơn sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga và rằng môi trường để Bắc Hàn phóng hỏa tiễn đã trở nên dễ dàng hơn dưới sự bảo vệ của Trung Quốc và Nga.
“Sau khi Nga xâm lược Ukraine, liên minh giữa Trung Quốc, Nga, và Bắc Hàn đã trở nên mạnh mẽ hơn, tạo thành một trục chống lại áp lực quốc tế,” ông Muto nói.
Mặt khác, bốn ngày sau khi Bắc Hàn phóng ICBM, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đã nhanh chóng đáp trả, tổ chức diễn tập phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo ở vùng biển phía đông Bán đảo Triều Tiên hôm 22/02.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết: “Cuộc tập trận này tăng cường khả năng tác chiến chung giữa các lực lượng liên hợp của chúng ta và thể hiện sức mạnh của mối liên hệ ba bên với hai đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn của chúng ta.”
Hôm 31/01, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thực hiện chuyến thăm tới Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida.
Trong cuộc hội đàm, ông Kishida đã công bố kế hoạch mở văn phòng đại diện của Nhật Bản tại NATO. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm, ông Kishida cho biết ông hoan nghênh sự chú ý và tham gia ngày càng tăng của NATO vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên cũng khẳng định thúc đẩy cơ chế liên lạc và phối hợp chặt chẽ, chẳng hạn như chấp nhận việc Nhật Bản thường xuyên tham gia các cuộc họp của Hội đồng NATO và các cuộc họp của các Tổng Tham mưu trưởng.
Trong tuyên bố chung, ông Kishida và ông Stoltenberg lưu ý rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức leo thang từ các hành động đe dọa của ĐCSTQ và hành vi khiêu khích của Bắc Hàn. Ngoài ra, tuyên bố nói rằng cuộc xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine không chỉ là một cuộc khủng hoảng đối với Âu Châu mà còn là một thách thức đối với trật tự toàn cầu. Cả hai bên đều nêu lên mối lo ngại trước mắt về vấn đề an ninh trong khu vực Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, và Úc đã tăng cường duy trì an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Cẩm An biên dịch