Tòa Bạch Ốc loan báo, cuối tháng này, Phó Tổng thống Kamala Harris và Đệ nhị Phu quân Douglas Emhoff sẽ tới Ghana, Tanzania, và Zambia để tiếp nối Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Phi Châu được tổ chức hồi tháng Mười Hai.
“Chuyến đi sẽ củng cố các liên kết đối tác của Hoa Kỳ trên khắp châu Phi và thúc đẩy những nỗ lực chung của chúng ta về an ninh và thịnh vượng kinh tế,” theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc.
Trong suốt chuyến đi, phó tổng thống sẽ làm việc với các chính phủ Phi Châu và khu vực tư nhân để thúc đẩy các nỗ lực “mở rộng khả năng tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số, trợ giúp thích ứng và phục hồi khí hậu, đồng thời tăng cường liên kết kinh doanh và đầu tư, trong đó có việc thông qua đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, và trao quyền làm kinh tế cho phụ nữ,” tuyên bố nêu rõ.
Những mục tiêu này sẽ được thực hiện đến cùng nhằm mở rộng cơ hội kinh tế trên khắp châu Phi.
Phó tổng thống Hoa Kỳ sẽ gặp Tổng thống Nana Akufo-Addo của Ghana, Tổng thống Samia Hassan của Tanzania, và Tổng thống Hakainde Hichilema của Zambia để thảo luận về các ưu tiên khu vực và toàn cầu.
Một số chủ đề trong đó sẽ được thảo luận bao gồm cam kết chung của các quốc gia này đối với nền dân chủ, tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, an ninh lương thực, và tác động của cuộc chiến giữa Nga với Ukraine.
Phó tổng thống sẽ làm việc để tăng cường sự trao đổi giữa người dân hai nước và tiếp xúc với xã hội dân sự, đặc biệt là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, các thành viên của cộng đồng người Phi Châu, các đại diện công ty và doanh nhân, theo tuyên bố nói trên.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày, được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn từ ngày 13/12 đến ngày 15/12, là cuộc họp đầu tiên thuộc loại này được tổ chức tại Hoa Kỳ kể từ năm 2014, dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Obama.
Tổng thống Joe Biden, diễn thuyết vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh, đã trình bày chi tiết một loạt các sáng kiến sẽ được thực hiện để cải thiện mối bang giao của Hoa Kỳ với lục địa này mà có thể sẽ tiêu tốn hàng tỷ dollar.
“Hoa Kỳ đang chú tâm vào tương lai của châu Phi,” ông Biden nói trong bài diễn thuyết. “Và công việc chúng tôi đã thực hiện trong hai năm qua — dựa trên hàng chục năm các khoản đầu tư quan trọng được thực hiện dưới thời các tổng thống Mỹ tiền nhiệm — đã giúp cho việc thực hiện các bước quan trọng mà tôi sắp công bố.”
Các đại điện từ 49 quốc gia và Liên minh Phi Châu, cũng như 45 nhà lãnh đạo quốc gia từ các quốc gia Phi Châu khác nhau đã tham dự hội nghị thượng đỉnh này.
Cẩm An biên dịch