Liên Thành
Chính phủ Việt Nam vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có đề xuất về “thời hạn sở hữu chung cư”. Theo đó, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất, tức “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”. Dự kiến ngày 17/3, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Lý giải đề xuất trên, tờ trình Chính phủ cho biết, luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn.
Theo tờ trình của Chính phủ thì “cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư”.
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận.
Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.
Tại các hội thảo góp ý trước đó, các chuyên gia đều phản đối quy định này do cho rằng can thiệp tới quyền sở hữu tài sản của người dân.
Trên tờ Vneconomy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói, đa số người dân có tâm lý coi nhà ở, trong đó có căn hộ chung cư vừa là “tiêu sản” (dùng để ở, thụ hưởng) vừa là “tích sản” (tích lũy tài sản, làm của cải để dành). Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển, có thể còn mất nhiều năm nữa mới đạt mức GDP 7.000 USD/người, nên giá trị bất động sản, nhà đất, nhất là đất, thường có xu thế tăng giá theo thời gian.
Còn theo Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đối với rất nhiều người, căn hộ chung cư là một tài sản rất lớn, tích cóp cả đời. Sau một thời gian, cho dù là sau 80 năm, họ không còn được sở hữu nữa và con cháu họ cũng không được thừa kế là điều rất khó được chấp nhận. Trong khi đó, tại sao một chiếc xe máy, một chiếc ô tô hết hạn sử dụng người ta vẫn được quyền sở hữu, còn một căn hộ thì không?
Vấn đề đặt ra là nếu hạn chế thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tạo ra khuyến khích mua nhà trệt, vì quyền sở hữu đối với nhà trên đất là vô thời hạn. Điều này không chỉ làm méo mó thị trường mà còn trái với xu thế đô thị hóa.