Bộ trưởng Đức đầu tiên thăm Đài Loan sau 26 năm
Bộ trưởng Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger sẽ tới Đài Loan vào tuần tới, Berlin cho biết hôm thứ Sáu (17/3). Bà sẽ là thành viên nội các đầu tiên đến thăm Đài Loan sau 26 năm, một động thái có thể châm ngòi cho căng thẳng với Trung Quốc.
“Bộ trưởng sẽ thực hiện chuyến thăm hai ngày tới Đài Loan,” một phát ngôn viên của bộ nói với các phóng viên, theo AFP.
“Mục đích của chuyến thăm là tăng cường và mở rộng hợp tác với Đài Loan về khoa học, nghiên cứu và giáo dục,” ông nói, xét đến thế mạnh của quốc gia châu Á này trong sản xuất công nghệ cao.
Chuyến thăm diễn ra hai tháng sau khi một phái đoàn cấp cao của Quốc hội Đức tới hòn đảo này, một động thái bị Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và đã thề một ngày nào đó sẽ chiếm lấy hòn đảo này.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã tăng cường áp lực quân sự, kinh tế và ngoại giao đối với Đài Loan. Chính phủ được bầu hiện tại của Đài Loan coi hòn đảo là một quốc gia đã có chủ quyền và không phải là một phần của “Một Trung Quốc”.
Các đại biểu trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng 1 đến từ Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – một đối tác cấp dưới trong chính phủ liên minh của Đức mà bà Stark-Watzinger cũng là thành viên.
Các nghị sĩ đã mô tả việc họ ở tới Đài Loan là “dấu hiệu của sự đoàn kết” với một nền dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ.
Trung Quốc thường xuyên phản đối các hoạt động trao đổi chính thức với Đài Loan, và đã phản ứng với sự tức giận ngày càng tăng đối với một loạt các chuyến thăm của các chính trị gia phương Tây.
Năm ngoái, căng thẳng gia tăng khi Bắc Kinh gia tăng áp lực quân sự và phát động cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi vào tháng 8.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu nhấn mạnh rằng Berlin duy trì chính sách “Một Trung Quốc” đồng thời duy trì “mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với Đài Loan”.
“Đài Loan là một nền dân chủ và là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Đức, đó là lý do tại sao việc trao đổi thường xuyên và các chuyến thăm lẫn nhau của các bộ trưởng là hoàn toàn bình thường”, ông nói.
Ngân Hà (theo AFP)
Mỹ nối lại hoạt động của máy bay không người lái trên Biển Đen sau khi bị Nga chặn
Hai quan chức Mỹ ngày 17/3 cho biết Mỹ đã nối lại hoạt động của máy bay không người lái giám sát khu vực Biển Đen, sau vụ đánh chặn của Nga hôm thứ Ba (ngày 14/3), dẫn đến việc một máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ.
Theo các quan chức, một chiếc RQ-4 Global Hawk đã thực hiện một nhiệm vụ tới khu vực Biển Đen hôm 17/3.
The US Air Force Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk #FORTE12 UAV is leaving Ukraine airspace.#FORTE11 left a couple of hours ago.https://t.co/IRSyCdtrma pic.twitter.com/M5izbSC78b
— Flightradar24 (@flightradar24) February 24, 2022
CNN ngày 17/3 cũng dẫn nguồn FlightRadar24 cho biết máy bay RQ-4 Global Hawk được phát hiện bay ở độ cao 15.800m trên khu vực phía Nam Biển Đen. Đường bay cho thấy máy bay tiến vào không phận quốc tế trên Biển Đen từ Romania và di chuyển từ hướng Tây sang hướng Đông. Máy bay hoạt động trong không phận quốc tế ở phía đông nam Crimea và phía tây thành phố ven biển Sochi của Nga.
Một quan chức lưu ý, đây là chuyến bay không người lái đầu tiên được thực hiện kể từ sự cố hôm thứ Ba. Các quan chức Lầu Năm Góc đã nhiều lần nhấn mạnh trong tuần này rằng vụ việc sẽ không ngăn được Washington thực hiện các nhiệm vụ như vậy.
Trên thực tế, vụ bắn rơi máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ hôm thứ Ba là sự cố đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Moscow khi cả hai nước công khai đổ lỗi cho nhau.
Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng hai máy bay chiến đấu Su-24 của họ đã hành động liều lĩnh xung quanh máy bay không người lái của Mỹ. Thay vào đó, Nga đổ lỗi cho “sự điều động sắc bén” của máy bay không người lái đã gây ra vụ tai nạn.
Tuy nhiên, ngày 16/3, Lầu Năm Góc đã công bố một đoạn video cho thấy một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga tiến rất gần máy bay không người lái và đổ nhiên liệu gần nó. Các quan chức Mỹ nhận định đây là một động thái cố ý làm hỏng máy bay Mỹ khi nó đang bay.
Ở lần tiếp cận thứ hai, chính chiếc máy bay đó hoặc một máy bay chiến đấu khác của Nga đang theo dõi chiếc MQ-9 đã va vào cánh quạt của UAV này, làm hỏng một phần. Điều đó khiến máy bay không thể hoạt động và lao xuống vùng nước sâu.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 17/3, Bộ Quốc phòng Nga đã vinh danh các phi công điều khiển hai máy bay chiến đấu Su-27 sau vụ va chạm với máy bay không người lái của Mỹ.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu “đã trao giải thưởng cấp nhà nước” cho các phi công lái máy bay Su-27 vì đã ngăn chặn UAV MQ-9 của Mỹ “vi phạm vùng hạn chế bay do Moscow thiết lập do bối cảnh xung đột ở Ukraine”.
Nhật Minh (Theo Reuters)
TQ giảm tỷ lệ dự trữ ngân hàng do áp lực trong nước và rủi ro nước ngoài
Truyền thông Trung Quốc cho biết ngân hàng trung ương hôm Thứ Sáu (17/3) đã giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ, và “kịp thời” bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, nhằm đối phó áp lực ngày càng tăng ở trong nước và rủi ro tài chính đang diễn ra nước ngoài, Reuters đưa tin.
Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc —ngân hàng trung ương của quốc gia này— được xem là diễn ra sớm hơn dự đoán của thị trường tài chính. Sự việc nằm trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đặt nhiều kỳ vọng vào việc phục hồi kinh tế sau cao trào của đại dịch.
Nhật báo Kinh tế cho biết trong một bài báo trên trang nhất rằng động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm bớt căng thẳng sau khi nhu cầu về tiền tăng đáng kể trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Việc giải phóng thanh khoản sớm cũng sẽ giúp chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng nhu cầu tiếp theo.
“Hiện tại rủi ro trong ngành ngân hàng ở nước ngoài đang gia tăng và môi trường bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp,” tờ báo viết.
“Với áp lực chi phí trả nợ của ngành ngân hàng trong nước và biên độ lãi ròng tiếp tục thu hẹp xuống mức thấp nhất trong lịch sử, ngân hàng trung ương đã kịp thời có động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng thanh khoản dài hạn cho hệ thống tài chính.”
Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo lá cải do nhà nước kiểm soát, trích dẫn các chuyên gia nói rằng việc cắt giảm phản ánh “trách nhiệm đối với thế giới”. Đây là nó về sự sụp đổ của ngân hàng SVB mà nguyên nhân chủ yếu là do Mỹ tăng lãi suất, và Trung Quốc đã sáng suốt, không theo cách làm của Mỹ, mà tuân thủ chính sách tiền tệ độc lập.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế đang dần hồi phục sau sự suy thoái sau mấy năm đại dịch.
Nhật Tân