Triều Tiên tuyên bố rằng khoảng 800.000 công dân của nước này đã tình nguyện tham gia quân đội hoặc tái nhập ngũ để chiến đấu chống lại Mỹ. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên liên tục có những diễn biến căng thẳng.
Ngày 18/3, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin: chỉ trong vòng một ngày trước đó, khoảng 800.000 sinh viên, công nhân trên toàn quốc đã bày tỏ mong muốn gia nhập hoặc tái nhập ngũ để chống lại Mỹ. “Những người trẻ đồng loạt xung phong tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và tiêu diệt kẻ thù”, theo bài báo.
Những bức ảnh được tờ báo công bố cho thấy thanh niên xếp hàng chờ ký tài liệu nhập ngũ tại loạt mít tinh do nhà nước tổ chức ở các nhà hát, công trường xây dựng. Số người làm đơn xin nhập ngũ “đang không ngừng tăng”, Rodong Sinmun cho biết.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Triều Tiên hôm 16/3 phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 để đáp trả cuộc tập trận quân sự Mỹ – Hàn đang diễn ra.
Triều Tiên đã phóng ICBM ra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản hôm 16/3, vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc bay tới Tokyo để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhật – Hàn thảo luận về các cách đối phó với việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và vụ phóng đã bị các chính phủ ở Seoul, Washington và Tokyo lên án.
Lực lượng Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày, được đặt tên là “Lá chắn Tự do 23”, vào hôm 13/3. Đây là cuộc tập trận được tổ chức với quy mô chưa từng thấy kể từ năm 2017 nhằm chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc cố tình gia tăng căng thẳng bằng các cuộc tập trận quân sự, liên tục đe dọa quân sự “một cách thiếu trách nhiệm và liều lĩnh”. Ông Kim cho rằng Bình Nhưỡng cần nâng cao năng lực răn đe chiến tranh hạt nhân để “đánh vào nỗi sợ của kẻ thù”.
Triều Tiên thường đáp trả những gì họ coi là động thái “khiêu khích” của Mỹ bằng cách đưa ra những lời đe dọa hiếu chiến. Các chuyên gia cho rằng, ngoài các cuộc tập trận quân sự chung và cuộc gặp trong tuần này giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và nhà lãnh đạo Nhật Bản Fumio Kishida, kế hoạch đón tiếp ông Yoon và phu nhân tại Nhà Trắng vào tháng 4 tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bị phía Triều Tiên lên án kịch liệt.
Đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của một nguyên thủ nước ngoài tới Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Nó nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt trong tình trạng căng thẳng với Triều Tiên như lúc này. Ông Yoon và chính quyền theo phe bảo thủ của mình đã coi việc củng cố liên minh Mỹ – Hàn là ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại.
Tương tự, Tổng thống Biden cũng đang tìm cách nuôi dưỡng mối quan hệ, bao gồm cả chuyến đi mang tính biểu tượng của ông tới Seoul vào tháng 5 năm 2022. Đó chính là điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á với tư cách là Tổng thống.
Giáo sư Leif-Eric Easley của Đại học Ewha Womans ở Seoul nói với CNN rằng, để đáp lại các cuộc tập trận và hội nghị thượng đỉnh, Bình Nhưỡng có thể “ra lệnh bắn tên lửa tầm xa hơn, thử phóng vệ tinh gián điệp, trình diễn động cơ nhiên liệu rắn, và thậm chí có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân”.
Viên Minh (Tổng hợp)