Bộ trưởng Tư pháp Đức tuyên bố, Putin sẽ bị bắt nếu tới Đức
Liên Thành
Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann tuyên bố nước này sẽ thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu vị nguyên thủ này đặt chân lên đất Đức.
Theo vị bộ trưởng này, trong trường hợp ông Putin đến Đức, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sẽ nhanh chóng liên lạc với Interpol và các quốc gia thành viên để yêu cầu thi hành lệnh bắt giữ này.
Sau đó, Đức sẽ có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Putin nếu ông ấy vào lãnh thổ Đức và giao ông ấy cho ICC.
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh quyết định của ICC và cho rằng lệnh bắt giữ ông Putin cho thấy không ai có thể đứng trên luật pháp.
Hôm 17/03, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin và bà Maria Olekseevna Lvova-Belova, Ủy viên về các vấn đề trẻ em của Nga.
Putin kêu gọi các tỷ phú Nga đặt lòng yêu nước lên trên lợi ích
Liên Thành
Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi các doanh nhân Nga hãy đầu tư trong nước để củng cố nền kinh tế nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo Reuters, Putin đã có cuộc gặp cấp cao với giới doanh nhân ưu tú của Nga lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược tại Ukraina tháng 2/2022. Ông nói rằng vai trò của họ không chỉ là kiếm tiền mà còn phải hỗ trợ xã hội.
Ông Putin nói rằng, một doanh nhân không giấu tài sản ở nước ngoài mới là một công dân thực sự của Nga, họ sẽ đăng ký công ty ở trong nước và không phụ thuộc vào chính quyền nước khác.
Ông Putin cho biết, muốn lắng nghe quan điểm của các tỷ phú về cách xây dựng một nền kinh tế năng động hơn để dẫn đến “sự cải thiện về chất lượng sống của người dân trên cả nước một cách rõ rệt”.
Được biết, nhiều doanh nhân thành đạt người Nga đã bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt sau cuộc xâm lược của Nga tại Ukraina.
300.000 quân NATO chuẩn bị áp sát biên giới Nga
Viên Minh
NATO đang thảo luận kế hoạch củng cố sườn phía đông giáp biên giới Nga bằng cách tập trung thiết bị và quân số lên tới 300.000 binh sĩ, điều này được cho là sẽ ngăn Nga mở rộng chiến tranh ra ngoài Ukraine.
Tờ Politico đưa tin, NATO đang bàn kế hoạch ngăn chặn Nga leo thang chiến tranh ra ngoài biên giới Ukraine. Bởi vậy, Liên minh này đang thảo luận phương án tăng cường sườn phía đông với 300.000 binh sĩ.
Những kế hoạch như vậy đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực rất lớn từ 30 quốc gia thành viên trong việc cung cấp lực lượng, cơ sở huấn luyện cùng với một lượng lớn khí tài, đạn dược.
Tuy nhiên, Politico nhấn mạnh rằng sự phối hợp có thể là một thách thức bởi nhiều đồng minh đã lo ngại về việc họ đang cạn kiệt đạn dược dự trữ sau một thời gian dài viện trợ Ukraine, việc bù đắp đòi hỏi thời gian và tiền bạc.
Các nhà lãnh đạo quân sự NATO sẽ phải đệ trình kế hoạch cập nhật phòng thủ khu vực. Các quan chức của liên minh đang đưa ra ý tưởng rằng biên giới của họ với Nga nên được bảo vệ bởi tối đa 300.000 binh sĩ, hãng tin đưa tin.
Trong đó, đợt đầu tiên sẽ bao gồm khoảng 100.000 binh sĩ và sẵn sàng triển khai trong vòng 10 ngày. Lực lượng này có thể bao gồm binh sĩ từ Ba Lan, Na Uy, Estonia, Latvia, Lithuania. Đợt thứ hai sẽ hỗ trợ đợt đầu tiên và sẵn sàng triển khai trong khoảng 10 – 30 ngày từ các nước như Đức.
Mỹ và các đồng minh NATO liên tục hỗ trợ Ukraine kể từ khi Nga tấn công Ukraine cách đây hơn một năm trước. Cuộc chiến này đã tiêu hao một lượng lớn khí tài dự trữ của phương Tây, buộc họ phải tính đến việc tăng cường sản xuất quốc phòng và tiến đến thỏa thuận mua chung đạn dược cho Kiev. Một số nước bày tỏ lo ngại về hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia khi kho dự trữ quốc phòng cạn kiệt.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội Ukraine đang sử dụng hơn 90.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi tháng. Để đảm bảo Ukraine có đủ đạn cho giai đoạn tiếp theo của chiến sự, Mỹ đã tìm cách tăng cường sản xuất trong nước, nhưng đó là một quá trình mất nhiều thời gian vì cần chuẩn bị và thuê nhân công cho các dây chuyền nhà máy.
Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, Mỹ có thể sản xuất khoảng 13.000 quả đạn 155 mm mỗi tháng. Con số đó đã tăng lên khoảng 20.000 quả đạn trong năm nay và Mỹ hy vọng sẽ tăng lên 50.000 quả đạn vào năm tới.
Quân đội Mỹ còn đang rút kho đạn của mình ở một số địa điểm như Israel, Hàn Quốc, Đức và Kuwait để chuyển cho Ukraine. Đây vốn là những kho dự trữ mà Mỹ lưu giữ mọi thứ, từ xe tải đến băng cứu thương, để hỗ trợ lực lượng của họ trên khắp thế giới.
Các quan chức Mỹ cũng hối thúc Ukraine tiết kiệm đạn pháo và chọn lọc mục tiêu khai hỏa kỹ lưỡng hơn. Họ đặc biệt quan tâm đến những điều này tại Bakhmut, nơi cả lực lượng Ukraine và Nga đang nhanh chóng tăng cường độ pháo kích đối phương.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/3 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo “Ukraine không còn thời gian để lãng phí”.
“Chúng ta phải thực hiện nhanh chóng và đầy đủ cam kết đã đưa ra, trong đó có cung cấp tăng thiết giáp, đảm bảo đào tạo cho binh sĩ Ukraine, cung cấp phụ tùng và hỗ trợ bảo trì càng sớm càng tốt”, ông Austin nói.
Viên Minh (Tổng hợp)