Guermantes Lailari
Ông Mã Anh Cửu, cựu Tổng thống Đài Loan và cựu Chủ tịch Quốc dân đảng, dự định dẫn đầu một phái đoàn Quốc dân đảng và dẫn theo một nhóm sinh viên Đài Loan đến Trung Quốc để “cúng bái tổ tiên”. Tuy nhiên, việc ông Mã nổi tiếng về những lần quỵ lụy Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến dư luận phải đặt câu hỏi về mục đích của chuyến đi.
Trong chuyến đi kéo dài 12 ngày (bắt đầu từ ngày 27/03), ông Mã sẽ đến thăm 5 thành phố: Nam Kinh, Vũ Hán, Trường Sa, Trùng Khánh và Thượng Hải. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1949 một cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đặt chân đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Nam Kinh và Tôn Trung Sơn
Đối với ông Mã, việc đến thăm Nam Kinh rất có ý nghĩa, vì lăng mộ Tôn Trung Sơn nằm ngay bên ngoài thành phố. Năm 2014, ông Mã đã cử ông Wang Yu-chi – khi đó là Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục của chính phủ Đài Loan – đến thăm khu lăng mộ này, lấy đó làm bước đệm để khởi xướng các hoạt động trao đổi “giữa chính phủ với chính phủ”. Lần này, ông Mã tiếp tục sử dụng chuyến thăm lăng mộ cho các mục đích chính trị, bởi vì Tôn Trung Sơn được cả người Trung Quốc đại lục và người Đài Loan coi là Quốc phụ của nước Trung Quốc hiện đại (sau sự sụp đổ của nhà Thanh).
Năm 2015, sáu tháng trước khi rời nhiệm sở, ông Mã đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại Singapore. Đây là chuyến đi được lên kế hoạch trong hơn 2 năm. Dù không có tuyên bố chính thức nào được thống nhất đưa ra, nhưng các nhà lãnh đạo đã gặp mặt và thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm. Nhiều người Đài Loan và những người ủng hộ dân chủ đã tỏ ra nghi ngờ về cuộc gặp mặt, tự hỏi nó có ý nghĩa gì đối với Đài Loan, bởi vì ĐCSTQ luôn muốn nắm quyền kiểm soát hòn đảo này – dù là theo cách thức hòa bình hay phải sử dụng chiến tranh.
Ông Hạ Lập Ngôn (Andrew Hsia) – Phó chủ tịch Quốc dân đảng – đã đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) ngay sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi mùa hè năm ngoái. Đó cũng là lúc Trung Quốc đang bắn thử nhiều quả tên lửa bay qua và bay xung quanh Đài Loan. Có thể thấy, Quốc dân đảng tiếp tục chứng tỏ rằng họ không thay đổi tầm nhìn về việc “thống nhất” với CHND Trung Hoa.
Mất công nhận ngoại giao mỗi khi đảng Dân tiến cầm quyền
Sau khi được bầu làm Tổng thống vào năm 2008 và tái đắc cử vào năm 2012, ông Mã và đảng của ông đã làm suy yếu vị thế của Đài Loan tại các quốc gia công nhận Đài Bắc. Một số phân tích thậm chí còn chỉ ra rằng Tổng thống Mã không muốn cạnh tranh với CHND Trung Hoa, cũng không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Một số hãng thông tấn đưa tin ông Mã đã có một “thỏa thuận đình chiến ngoại giao” với ĐCSTQ. Theo thỏa thuận, ĐCSTQ sẽ không lôi kéo các quốc gia khác rời bỏ Đài Loan chừng nào ông Mã còn thể hiện thái độ khuất phục ĐCSTQ về vấn đề “thống nhất”.
Thông tin này được củng cố bởi thực tế là chỉ có một quốc gia hủy bỏ việc công nhận Đài Loan dưới thời chính quyền của ông Mã (2008-2016). Quốc gia duy nhất đó là Gambia ở châu Phi; họ đã chuyển sang ủng hộ CHND Trung Hoa vào năm 2013.
Trước khi ông Mã cầm quyền, tức là dưới thời ông Trần Thủy Biển (2000-2008) – Chủ tịch đảng Dân tiến, 9 quốc gia đã từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang CHND Trung Hoa, gồm: Bắc Macedonia (2001), Liberia (2003), Vanuatu (2004), Dominica (2004) , Senegal (2005), Grenada (2005), Chad (2006), Costa Rica (2007) và Malawi (2008).
Dưới thời Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn (2016-2024) (bà Thái thuộc đảng Dân tiến), thêm 9 quốc gia nữa chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa, gồm: São Tomé và Príncipe (2016), Panama (2017), Cộng hòa Dominica (2018), El Salvador (2018), Burkina Faso (2018), Kiribati (2019), Quần đảo Solomon (2019), Nicaragua (2021) và Honduras (2023).
ĐCSTQ luôn sử dụng chiến tranh chính trị để đạt được các chiến thắng ngoại giao trong thời Quốc dân đảng không cầm quyền ở Đài Loan, đặc biệt là ngay trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử quốc gia khi đảng Dân tiến nắm quyền. Hành động của ĐCSTQ cung cấp cho Quốc dân đảng cơ sở để chứng minh rằng ĐCSTQ thích Quốc dân đảng hơn, và rằng Quốc dân đảng có thể duy trì mối quan hệ “yên ổn” với Trung Quốc. Điều này giống như việc tên đồ tể cố gắng trấn an một con vật trước khi giết thịt nó.
Quốc dân đảng khúm núm
Cuối năm ngoái, tôi đã đăng một bài trên The Epoch Times về việc Phó chủ tịch Quốc dân đảng Hạ Lập Ngôn đến thăm Trung Quốc giữa lúc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của ĐCSTQ tập trận quân sự – giả định một cuộc xâm lược, tấn công chiến lược và phong tỏa Đài Loan. Đây là những gì tôi đã viết:
“Ngày 10/08, Phó chủ tịch Quốc dân đảng Hạ Lập Ngôn đến thăm CHND Trung Hoa. Chuyến đi này được thực hiện ngay sau chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi và vào giữa lúc PLA tập trận quân sự xung quanh Đài Loan – bao gồm việc phóng tên lửa qua đảo Đài Loan và thủ đô Đài Bắc. Ông Hạ tuyên bố rằng mục đích của chuyến đi là gặp gỡ các doanh nhân Đài Loan và không mang tính chính trị. Tuy nhiên, ông Hạ và phái đoàn của ông đã gặp gỡ một số quan chức ĐCSTQ, bao gồm ông Trương Chí Quân (Zhang Zhijun) – Chủ tịch Hiệp hội vì Mối quan hệ Xuyên eo biển Đài Loan, và ông Trần Nguyên Phong – Phó giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của CHND Trung Hoa.
Hội đồng Các vấn đề Đại lục của chính phủ Đài Loan đã chỉ trích nặng nề chuyến thăm của ông Hạ, đặc biệt là khi PLA đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự thể hiện ý định sử dụng bạo lực để thay đổi hiện trạng chính trị ở Đài Loan. Hội đồng Các vấn đề Đại lục tuyên bố: ‘Chúng tôi tin rằng chuyến đi của Quốc dân đảng đến Trung Quốc đại lục gây ra nhiều bất ổn cho xã hội Đài Loan, chia rẽ ý chí đoàn kết trong nước và gửi đi những tín hiệu sai lầm khiến cộng đồng quốc tế hiểu lầm, từ đó gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của quốc gia’”.
Tháng 02/2023, ông Hạ Lập Ngôn lại thực hiện một chuyến công du khác kéo dài 10 ngày đến CHND Trung Hoa. Ông Hạ đã gặp ông Tống Đào (Song Tao) – Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ – tại Bắc Kinh vào ngày 09/02/2023 để thúc đẩy “Đồng thuận năm 1992” (992 consensus) – một chính sách đặt Đài Loan dưới sự cai trị của ĐCSTQ.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về việc một nhà lãnh đạo Quốc dân đảng khúm núm như thế nào trước ĐCSTQ.
Khi ông Mã tới Trung Quốc
Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến việc ông Mã và phái đoàn Quốc dân đảng đến Trung Quốc:
- Khi tới Trung Quốc, ông Mã có giới thiệu bản thân là cựu Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) không?
- Tại sao ông Mã và ông Hạ Lập Ngôn lại bay trên Air China, hãng hàng không quốc gia của CHND Trung Hoa, thay vì China Airline của Đài Loan?
- Ông Mã sinh ra ở Hong Kong, lớn lên ở Đài Loan và chưa bao giờ đến Trung Quốc. Làm thế nào ông ấy có thể tìm thấy tổ tiên ở Trung Quốc để cúng bái?
- Đây có phải là mánh lới giúp thúc đẩy ý tưởng rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc không?
Ông Mã có thể sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của ĐCSTQ (có thể là một cuộc gặp tình cờ với người bạn cũ của ông ấy: ông Tập – người mà ông Mã đã gặp ở Singapore hồi năm 2015) và tận dụng tối đa lợi thế chính trị của các cuộc gặp gỡ ấy. Hành động của ông Mã mang nguy hiểm đến với người Đài Loan, cũng như với tự do và dân chủ của Đài Loan.
Người dân Đài Loan, hãy cẩn thận!
Một số đồng nghiệp của tôi suy đoán rằng chuyến đi của ông Mã tới Trung Quốc sẽ đặt tiền đề cho việc ông trở thành Chủ tịch tỉnh Đài Loan của CHND Trung Hoa sau khi PLA kiểm soát Đài Loan, hoặc cho việc ông trở thành Cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch Tập Cận Bình về các vấn đề Đài Loan, hoặc tệ hơn là trở thành lãnh đạo của phong trào Cách mạng Văn hóa tại Đài Loan. Bông hoa hướng dương làm bằng bìa carton đặt bên ngoài tòa nhà quốc hội Đài Loan, khi các nhà hoạt động tập hợp tại đây để ủng hộ những sinh viên biểu tình chiếm tòa nhà quốc hội vào ngày 21/03/2014. (Ảnh: Mandy Cheng/AFP/Getty Images)
Người Đài Loan, đặc biệt là những người trẻ tuổi và trung niên, đang tỏ ra cảnh giác với ông Mã và những hành động phản quốc mà ông ấy có thể sẽ thực hiện. Hẳn nhiên là người Đài Loan đều nhớ rằng vào năm 2014, sinh viên và nhiều người dân khác đã lo sợ như thế nào về mức độ kiểm soát mà ĐCSTQ có thể áp đặt lên nền kinh tế Đài Loan; họ đã xuống đường để phản đối một thỏa thuận thương mại mà ông Mã đề xuất với Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình trong “Phong trào Hoa hướng dương” (Sunflower Movement) đã thu hút hơn 200.000 người và đã chiếm đóng quốc hội Đài Loan trong 24 ngày cho đến khi ông Mã phải nhượng bộ.
Thế giới từng chứng kiến quá trình Hong Kong đánh mất nền dân chủ và tự do, và đã làm rất ít để ngăn chặn điều đó. Nhưng trái tim của người Đài Loan đã hân hoan khi phương Tây và nhiều quốc gia khác giúp đỡ Ukraine khi quốc gia này bị Nga xâm lược.
Nếu Đài Loan nằm dưới ách cai trị của ĐCSTQ, thì tương lai đất nước này sẽ đâu đó giống với Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng hiện nay. Nếu Đài Loan sụp đổ, thì xã hội Đài Loan sẽ trở nên nguy hiểm và tàn bạo như ở Tân Cương – nơi con người bị coi như một món hàng, bị mổ cướp nội tạng vì mục đích thương mại và công nghiệp, bị bắt làm lao động nô lệ, nơi phụ nữ buộc phải kết hôn với đàn ông Trung Quốc đại lục.
Hy vọng
Tôi hy vọng các quốc gia trên thế giới sẽ nỗ lực hỗ trợ nền tự do và dân chủ của Đài Loan và sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn ĐCSTQ – giống như họ đã làm với Ukraine; và nếu cần, sẽ kháng cự lại kế hoạch chiếm đóng Đài Loan của ĐCSTQ. Tôi biết rằng người Đài Loan cũng sẽ làm như vậy.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch