Viên Minh
Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy (25/3) công bố kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus, một lời cảnh báo đối với phương Tây khi các nước này đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Putin cho biết động thái này được kích hoạt bởi quyết định của Anh trong tuần trước về việc cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Đây là lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật ra ngoài lãnh thổ kể từ năm 1996.
Tổng thống Putin cho biết động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus “không có gì bất thường”. “Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các đồng minh”, ông Putin nói, đồng thời lưu ý rằng Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga khẳng định ông đã nói chuyện với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và hai bên đã đồng ý với nhau về động thái mới.
Mỹ, một siêu cường hạt nhân khác của thế giới, có phản ứng thận trọng. Một quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng Nga và Belarus đã nói về thỏa thuận này trong năm qua và không có dấu hiệu cho thấy Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có tầm bắn ngắn và năng suất thấp so với các đầu đạn hạt nhân mạnh hơn nhiều vốn được trang bị cho các tên lửa tầm xa. Nga có kế hoạch duy trì quyền kiểm soát đối với những vũ khí mà họ gửi đến Belarus và việc xây dựng các cơ sở lưu trữ cho chúng sẽ được hoàn thành trước ngày 1/7, ông Putin cho biết.
Nhà lãnh đạo Nga cũng không cho biết số lượng vũ khí hạt nhân được đặt ở ở Belarus. Giới chức Mỹ tin rằng Nga đang có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, bao gồm bom có thể mang trên máy bay chiến thuật, đầu đạn cho tên lửa tầm ngắn và đạn pháo.
Các chuyên gia nhận định động thái mới của Nga rất quan trọng, vì Nga luôn tự hào rằng khác với Mỹ, họ không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moscow, ngày 17/2/2023. (Ảnh: VLADIMIR ASTAPKOVICH/SPUTNIK/AFP via Getty Images)
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở 4 quốc gia mới độc lập là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Vào tháng 5/1992, 4 quốc gia đã đồng ý rằng tất cả vũ khí phải được đặt tại Nga và việc chuyển giao đầu đạn từ Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã hoàn thành vào năm 1996.
Tổng thống Nga Putin trước đây đã đề cập ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine nếu Nga bị đe dọa, làm sống lại những lo ngại thời Chiến tranh lạnh. Một số nhà bình luận diều hâu ở Nga từ lâu cũng đã thúc giục Điện Kremlin đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật gần kho vũ khí để gửi tín hiệu cảnh báo tới phương Tây.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tập thể của liên minh NATO”.
Ông Putin cho biết Tổng thống Lukashenko từ lâu đã yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus để đối phó với NATO. Belarus có chung biên giới với 3 thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Ngày 24/2/2022, Belarus cũng để Nga đã sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi tập kết quân đội trước khi đánh vào Ukraine.
Ông Putin lưu ý rằng Nga cũng giúp Belarus hiện đại hóa máy bay quân sự giúp chúng có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân. Ông cho biết 10 chiếc máy bay như vậy đã sẵn sàng hoạt động. Vũ khí hạt nhân cũng có thể được phóng bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander mà Nga cung cấp cho Belarus năm ngoái, theo Tổng thống Nga.
Lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya, người đang sống lưu vong, cho biết thỏa thuận chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus “nhấn mạnh mối đe dọa đối với an ninh khu vực” từ chế độ của Lukashenko.
Tsikhanouskaya viết bằng tiếng Anh trên Twitter: “Châu Âu sẽ không an toàn cho đến khi nhà độc tài Belarus bị lật đổ và đưa ra trước tòa án để đối mặt với công lý vì những tội ác chống lại đất nước chúng ta và Ukraine”.
Việc ông Lukashenko ủng hộ cuộc chiến của Nga đã bị quốc tế chỉ trích và trừng phạt. Nhưng ông này vẫn công khai đứng về phía Nga, quốc gia đã bơm hàng tỷ đô la để hỗ trợ nền kinh tế do nhà nước kiểm soát theo kiểu Liên Xô của ông Lukashenko bằng năng lượng giá rẻ và các khoản vay.
Tổng thống Putin ban đầu đã phản đối các loại đạn uranium nghèo mà Anh hứa sẽ chuyển đến Ukraine, thậm chí đưa ra tuyên bố sai lệch rằng chúng có chứa các thành phần hạt nhân.
Sau đó, ông Putin đã giảm bớt giọng điệu của mình, nhưng vẫn khẳng định rằng loại đạn này gây thêm nguy hiểm cho cả quân đội và dân thường ở Ukraine bằng cách để lại dấu vết phóng xạ và làm ô nhiễm đất nông nghiệp.
“Không hề phóng đại, chúng tôi có hàng trăm ngàn quả đạn như vậy. Chúng tôi vẫn chưa sử dụng chúng”, ông Putin nói, đồng thời tiết lộ loại vũ khí này “có thể được xếp vào loại độc hại và nguy hiểm nhất đối với con người… và cả đối với môi trường”.
Uranium nghèo là sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cần thiết để tạo ra vũ khí hạt nhân. Các viên đạn chứa uranium nghèo không thể tạo ra phản ứng hạt nhân nhưng chúng vẫn phát ra mức độ phóng xạ thấp. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi phơi nhiễm uranium nghèo.
Những loại đạn như vậy được Mỹ phát triển trong Chiến tranh Lạnh để tiêu diệt xe tăng Liên Xô, bao gồm cả xe tăng T-72 mà Ukraine hiện đang phải đối mặt trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc ở mặt trận miền đông Donbas.
Tháng 1 năm nay, Nga và Belarus đã tăng cường huấn luyện quân sự chung, động thái khiến các chuyên gia quân sự cho rằng ông Lukashenko chuẩn bị đánh Ukraine giúp ông Putin.
Kyiv cho rằng không thể loại trừ một cuộc tấn công được phát động từ phía Belarus – đồng minh chí thiết của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko nhiều lần tuyên bố rằng muốn quân đội của mình đứng ngoài cuộc chiến, bất chấp áp lực từ Moscow.
Viên Minh (Tổng hợp)