Tạ Linh
Gần đây, một bài báo đã xuất hiện trên một trang web của Trung Quốc với tiêu đề “Họ lại ép địa phương một lần nữa, ép cán bộ cơ sở phải làm ruộng, ép quần chúng chặt cây chè, núi sâu rừng già bị khai hoang để nuôi lợn rừng…”. Tác giả của bài viết là Lã Đức Văn (Lu Dewen – 吕德文), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quản trị nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán (Wuhan). Đây là một bài viết hiếm hoi nói lên tình huống chân thật ở xã hội Trung Quốc.
Bài báo viết: “Gần đây, khắp mọi miền đất nước đang chấn chỉnh vấn đề ‘cân đối thu chi’, diện tích đất canh tác phi lương thực hóa mấy năm qua bị chiếm dụng, các địa phương đều phải tìm cách bù đắp theo tỉ lệ 1:1”. Chính sách này chủ yếu là để duy trì cái gọi là ranh giới đỏ 1,8 tỷ mẫu đất canh tác và duy trì “an ninh lương thực”.
Bài báo giới thiệu, những sự việc khiến các cán bộ thôn cấp cơ sở khó hiểu còn quá nhiều.
Chẳng hạn “Chuyển đổi đất nông nghiệp sang lâm nghiệp hơn 20 năm rồi… Đất đồi núi không thích hợp làm ruộng chút nào, không tiện cho việc cơ giới hóa, heo rừng tràn lan, có bóng râm nhiều và không đủ ánh sáng, hiện tại lực lượng lao động già hóa nghiêm trọng, chỉ có thể bỏ đất hoang,…Kết quả, cấp trên đột nhiên cấp bản đồ, vẽ một vòng tròn, nhất định yêu cầu cán bộ cấp cơ sở đi trồng trọt.”
Kết quả là “Cán bộ cấp cơ sở chế giễu là trước đây trả đất ruộng cho rừng, bây giờ lại trả rừng cho đất ruộng”.
Bài báo còn cho biết, “Năm ngoái có một thôn ở phía nam (Trung Quốc) được cấp trên yêu cầu khai khẩn đất hoang, lúc đó trong thôn chỉ có thể bỏ ra vài chục nghìn nhân dân tệ để khai khẩn đất hoang, không ngờ năm nay lại có nhiều nhiệm vụ hơn. Các cán bộ thôn nói rằng, nếu điều này tiếp tục, cả thôn sẽ bị phá sản mất.”
“Mấu chốt là sau khi khai hoang xong, nông dân không thể gieo trồng, do đó cán bộ thôn đành phải gieo trồng. Tiền đề để cán bộ gieo trồng là thôn ủy nhất định phải có trợ cấp, cấp miễn phí hạt giống,….”
Cán bộ thôn đương nhiên không mong sẽ thu hoạch được gì, dù sao cuối cùng cũng phải cho lợn rừng ăn, chỉ cần cấp trên thông qua kiểm tra xác minh là được.
Điều khiến bách tính không hiểu là, ở nhiều nơi, đất trồng hoa màu phải bỏ hoang. Một số địa phương miền núi do di dân nên đất đai hoang vu nhiều năm nay, nay chính quyền địa phương lại khuyến khích nông dân phát triển vườn cây ăn trái. Các bộ trồng trọt cũng đầu tư tài sản của gia đình họ vào đó. Kết quả là không dễ mà thu hoạch được, bây giờ lại muốn mọi người chặt cây!
Tác giả tức giận hỏi: “Đây là đạo lý gì?”
Và “ở phía tây, cây trà là ‘nền kinh tế hưu trí’ ở nhiều địa phương. Nhưng bây giờ, người dân phải chặt cây trà, điều này thực sự cắt đứt đường sống của người già!”
Thậm chí, có nơi “dựa vào mệnh lệnh hành chính và áp lực chính trị yêu cầu cán bộ thôn phải làm, nhưng không đưa ra chính sách hỗ trợ liên quan nào, cán bộ thôn chỉ biết cắn răng chịu đựng”.
Bài báo cho biết: “Các bộ phận liên quan luôn sử dụng ‘lằn ranh đỏ’ và ‘đường giới hạn’ để gây sức ép. Nếu cán bộ thôn không giải quyết được yêu cầu của cấp trên, thì các chính sách liên quan đến yếu tố phát triển địa phương không thể được thực thi.”
Vì yêu cầu của ‘nhiệm vụ chính trị’ và yêu cầu của lợi ích thiết thực, cấp cơ sở chỉ có thể cắn răng chịu đựng.
Bài báo này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi giữa cư dân mạng. Có cư dân mạng dùng từ “khổ không thể tả” để miêu tả về tình hình địa phương. Những người khác khen ngợi rằng đây là một bài báo hay hiếm có.