Matxcova đẩy mạnh tấn công mạng các nước châu Âu
Liên Thành
Theo các nhà phân tích Mỹ và Pháp, cuộc tấn công mạng của Nga đối với Ukraine phần lớn đã thất bại và Matxcova đang nhắm mục tiêu vào các đồng minh của Kyiv ở châu Âu.
Công ty quốc phòng Pháp Thales cho biết trong một báo cáo hôm thứ Tư rằng Nga đang tấn công mạng vào Ba Lan, các nước Bắc Âu và Baltic nhằm gieo rắc sự chia rẽ và thúc đẩy các thông điệp phản chiến.
Tập đoàn Microsoft trong một đánh giá về mối đe dọa hồi đầu tháng này đã cho biết các tác nhân Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tại ít nhất 17 quốc gia châu Âu trong sáu tuần đầu năm nay.
Thales và Microsoft cho biết cuộc xâm lược của Nga đi kèm với các cuộc tấn công mạng lan rộng ở Ukraine, nhưng họ đã bị đẩy lùi. Cả hai công ty đều nhận định Nga đã chuyển trọng tâm sang các nước châu Âu khác vào cuối năm ngoái.
Pierre-Yves Jolivet, phó chủ tịch phụ trách các giải pháp mạng của Thales cho biết: Vào quý 3 năm 2022, châu Âu đã bị kéo vào một cuộc chiến tranh mạng hỗn hợp cường độ cao ở một bước ngoặt của cuộc xung đột.
Theo Jolivet, các cuộc tấn công này được thực hiện bởi các nhóm hacker có quan hệ với Điện Kremlin nhằm gieo rắc hỗn loạn hơn là phá hủy cơ sở hạ tầng.
Báo cáo của Thales cho biết Ba Lan, Latvia và Thụy Điển nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khi đó Microsoft cho biết các cuộc tấn công mạng của Nga ở châu Âu trong năm nay chủ yếu nhằm vào các cơ quan chính phủ vì mục đích gián điệp.
Hoa Kỳ ủng hộ thành lập tòa án đặc biệt truy tố tội ác xâm lược của Nga
Liên Thành
Hoa Kỳ đã tuyên bố ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố tội ác xâm lược của Nga— một diễn biến quan trọng trong nỗ lực buộc các quan chức hàng đầu của điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraina.
“Vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử, tôi vui mừng thông báo rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc thành lập một tòa án quốc tế chuyên truy tố tội ác xâm lược Ukraina”. Tuyên bố này được Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tư pháp Hình sự Toàn cầu Beth Van Schaack đưa ra hôm thứ Hai (27/3).
Tuyên bố nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ thành lập một cơ quan như vậy “dưới hình thức một tòa án quốc tế bắt nguồn từ hệ thống tư pháp của Ukraina, với các yếu tố quốc tế”.
Mặc dù có một số cơ quan khác nhau như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể truy tố tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, nhưng họ không có khả năng truy tố tội ác xâm lược.
Do đó, Đại sứ lưu động Ukraina Anton Korynevych vào tháng 12 đã lập luận rằng các cơ chế hiện có này không đủ để bảo đảm những người ra quyết định ở Matxcova phải đối mặt với sự trừng phạt vì cuộc xâm lược Ukraina.
Đại sứ Korynevych nói với CNN tại Washington, DC vào thời điểm đó: “Chúng ta có một kẽ hở, một lỗ hổng trong trách nhiệm giải trình, khi chúng ta nói về trách nhiệm giải trình đối với tội ác xâm lược Ukraina”.
Ông giải thích: “Về mặt pháp lý, hiện tại, không có cơ chế quốc tế nào có thể điều tra và truy tố tội ác xâm lược Ukraina”.
Tiểu bang Mỹ thông qua dự luật cấm công dân Trung Quốc mua đất
Liên Thành
Thượng viện tiểu bang Nam Carolina của Hoa Kỳ đã thông qua dự luật ngăn chặn “quyền sở hữu đất đai của người nước ngoài” vào thứ Năm tuần trước.
Được thông qua với tỷ lệ 31 phiếu thuận và 5 phiếu chống, dự luật sẽ ngăn cản công dân của các “đối thủ nước ngoài” mua bất động sản trong tiểu bang. Theo định nghĩa của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các quốc gia đối thủ nước ngoài bao gồm Trung Quốc, Nga, Cuba, Iran và Bắc Triều Tiên.
Dự luật nhằm mục đích ngăn chặn “các công ty do đối thủ nước ngoài kiểm soát” mua bất động sản, và “giảm số lượng bất động sản mà người nước ngoài hoặc công ty có thể có được”.
Dự luật dự kiến sẽ tác động đến các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc, ngay cả khi chỉ sở hữu một phần. Những người có quốc tịch “đối thủ” có thể mở các doanh nghiệp địa phương, nhưng họ sẽ không thể sở hữu đất đai cần thiết cho hoạt động. Công dân Trung Quốc cũng sẽ bị cấm mua bất kỳ bất động sản mới nào.
Các trường hợp ngoại lệ đối với dự luật bao gồm công dân Hoa Kỳ, thường trú nhân hợp pháp của Hoa Kỳ và công dân nước ngoài mua đất dưới 5 mẫu Anh cho mục đích để ở.
Theo tờ AP News, nhà tài trợ hàng đầu của dự luật, Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Shane Massey, đã được thúc giục giới thiệu dự luật vào cuối tháng 2 để ngăn chặn thương vụ mua 500 mẫu Anh của một công ty y sinh Trung Quốc, trị giá 28 triệu USD trong bang.
Dự luật này là một trong nhiều biện pháp tương tự mà các bang khác của Hoa Kỳ đã thực hiện trong những tháng gần đây.Với sự lo ngại về rủi ro an ninh của vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc, có ít nhất 11 quốc gia khác đã bắt đầu xem xét luật hạn chế hoặc cấm quyền sở hữu đất đai của các “đối thủ nước ngoài”.
Tài liệu rò rỉ: Ông Putin muốn xây trại tập trung để ‘làm trong sạch toàn diện’ Ukraina
Liên Thành
Chiến tranh Ukraina-Nga đã kéo dài hơn một năm vẫn chưa có hồi kết, mọi giai tầng xã hội đang chú ý đến diễn biến mới nhất của cuộc chiến này. Và một email gần đây tiết lộ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch thực hiện một cuộc “thanh trừng toàn diện” Ukraina để chế ngự người dân nước này.
Một email từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga tiết lộ rằng, ông Putin đã lên kế hoạch, thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố từng nhà” vào Ukraina và sau đó đưa dân thường đến các trại tập trung để “làm trong sạch toàn diện” Ukraina.
Theo tờ “The Sun”, thông tin đã bị rò rỉ cho nhà hoạt động nhân quyền người Nga Vladimir Osechkin từ nội bộ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, ông đã thành lập trang web “Gulagu.net” để đấu tranh chống tham nhũng và tra tấn trong hệ thống nhà tù Nga và bảo vệ quyền của các tù nhân trong nhà tù.
Vụ rò rỉ email diễn ra một tuần sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế buộc tội ông Putin tội ác chiến tranh liên quan đến kế hoạch trục xuất trẻ em Ukraina sang Nga.
Tổng thống Ukraina – Volodymyr Zelensky cũng chỉ ra rằng Nga đã cưỡng chế trục xuất hơn 16.000 người Ukraina.
Hàn Quốc sắp diễn tập phòng không dân sự toàn quốc
Liên Thành
Ngày 28/3, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo thông báo chính phủ nước này sẽ tổ chức các cuộc diễn tập phòng không dân sự trên toàn quốc vào tháng 5 và tháng 8 nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, theo Yonhap.
Theo Văn phòng Thủ tướng, các cuộc diễn tập phòng không dân sự, chưa từng được tổ chức trên quy mô toàn quốc kể từ năm 2017, sẽ diễn ra vào ngày 16/5 và ngày 23/8.
Trong thời gian diễn tập kéo dài 15 phút, người đi bộ được yêu cầu di chuyển vào các cơ sở trú ẩn dưới lòng đất gần đó, trong khi ôtô cũng phải ngừng di chuyển trên đường phố.
Trước đó, Thủ tướng Han Duck-soo đã được báo cáo về các biện pháp tăng cường phòng thủ dân sự của đất nước, chẳng hạn như sử dụng tin nhắn điện thoại di động để gửi cảnh báo về các vụ không kích.
Thượng viện Mỹ nghe điều trần về các vụ sụp đổ của một số ngân hàng
Phan Anh
Hôm 28/3, Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ đã nghe điều trần về các vụ sụp đổ của ngân hàng Sillicon Valley Bank và Signature Bank, theo tờ NBC News.
Cụ thể, tham gia điều trần có Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) Martin Gruenberg, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Michael Barr, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách Tài chính trong nước Nellie Liang.
Cả FDIC và FED đều đang điều tra nguyên nhân sự sụp đổ của các ngân hàng trên và sẽ công bố vào ngày 1/5. Fed đề xuất sẽ kiểm tra các ngân hàng theo các tình huống đa dạng để phát hiện các đường hướng có thể gây sự sụp đổ lây lan; đưa ra yêu cầu về các khoản nợ dài hạn đối với các ngân hàng lớn để họ có thể có các nguồn lực giảm thiểu thua lỗ.
FDIC sẽ đưa ra các khả năng để nâng giới hạn bảo hiểm tiền gửi lên trên mức 250.000 USD hiện nay. Các quan chức FED, FDIC và Bộ Tài chính đều cho rằng cần quan tâm nghiêm túc đến các ngân hàng có tổng tài sản trên 100 tỷ USD.
Trong bản điều trần trước quốc hội ngày 28/3, ông Michael Barr đã chỉ trích mô hình kinh doanh tập trung của ngân hàng. Ông cũng đề xuất khả năng thắt chặt các quy định về ngân hàng để tránh những vụ việc tương tự trong tương lai, đồng thời cho biết các cơ quan quản lý của Mỹ sẵn sàng can thiệp trở lại nếu cần thiết.
FED đã phải đối mặt với những ý kiến phàn nàn cho rằng họ đã không đủ nhanh để phát hiện ra các lỗ hổng tại SVB.
Ông Michael Barr nhận định rằng thất bại của SVB cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục công việc giám sát để cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.
WHO thay đổi khuyến nghị đối với vắc-xin COVID-19
Phan Anh
Hôm 28/3 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế (WHO) đã thay đổi các khuyến nghị đối với vắc-xin COVID-19, trong đó đề xuất những người có nguy cơ cao nên tiêm một liều bổ sung sau 12 tháng kể từ lần tiêm mũi bổ sung gần nhất, theo hãng tin Reuters.
WHO đã xác định nhóm dân số có nguy cơ cao là người lớn tuổi, cũng như những người trẻ tuổi có các yếu tố rủi ro đáng kể khác. Đối với nhóm này, cơ quan này khuyến nghị tiêm bổ sung vắc-xin sau 6 hoặc 12 tháng kể từ lần tiêm gần nhất, dựa trên các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, WHO cũng xác định trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là là nhóm “ưu tiên thấp” và kêu gọi các quốc gia xem xét các yếu tố, như gánh nặng bệnh tật, trước khi khuyến nghị tiêm chủng cho nhóm này.
Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đáng áp dụng các cách tiếp cận khác nhau đối với vắc-xin COVID-19 cho người dân. Một số quốc gia có thu nhập cao, chẳng hạn Vương quốc Anh và Canada, đã cung cấp mũi vắc-xin tăng cường cho những người có nguy cơ cao vào mùa xuân này, 6 tháng sau mũi gần nhất.
Theo WHO, khuyến nghị của tổ chức này nên được coi là lựa chọn cho một nhóm nhỏ những người có nguy cơ đặc biệt, song các khuyến nghị này nhằm mục đích hướng dẫn tiêm chủng tốt nhất trên toàn cầu.
Ủy ban chuyên gia của WHO đã nói rằng mũi vắc-xin COVID-19 tăng cường – gồm hai mũi bắt buộc và một mũi bổ sung – không còn được khuyến nghị thường xuyên cho những người “có nguy cơ trung bình”.
Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại một số quốc gia châu Á đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Truyền thông Trung Quốc phản ứng dự luật hủy bỏ vĩnh viễn quy chế tối huệ quốc, cho thấy chính quyền luống cuống?
Liên Thành
Thượng nghị sĩ Mỹ – Josh Hawley vừa đề xuất dự luật hủy bỏ thương mại bình thường với Trung Quốc. Một khi dự luật này được thông qua có nghĩa là tất cả các sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều có thể bị tăng thuế. Điều này sẽ làm chấn động giới kinh tế cả Trung Quốc và Mỹ, hơn nữa còn dẫn đến phản ứng dây chuyền ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này khiến ĐCSTQ cảm thấy áp lực cực lớn trong thời kỳ nền kinh tế xuống dốc sau đại dịch.
Các phương tiện truyền thông hạng hai và hạng ba của Trung Quốc nào là chỉ trích, hạ thấp, đe dọa, nói rằng, điều đó sẽ gây ra thiệt hại lớn cho Mỹ, gây bất lợi cho nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông hạng hai lại đổi gió muốn cùng Mỹ tăng cường quan hệ và hợp tác, hai bên cùng có lợi.
Tờ The Paper của Trung Quốc đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao (Trung Quốc) Uông Văn Bân (Wāng Wénbīn -汪文斌) nói rằng, Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể uốn nắn những lời nói và hành động phản hòa bình như trút thêm dầu vào lửa, đùn đẩy trách nhiệm,..”
Trong khi tờ NetEase của Trung Quốc thì phát hành bài báo có tiêu đề “Quyền tài phán dài tay” của Mỹ gây tổn hại quan hệ quốc tế”. Bài báo nhận định rằng, “quyền tài phán dài tay” là việc Mỹ lạm dụng quyền lực chính trị quá mức, nhằm thể hiện sự tập trung quyền bá chủ toàn cầu, điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến quá trình dân chủ hóa các quan hệ quốc tế và hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm.
Đối xử tối huệ quốc” của Mỹ ngoài việc làm rõ phạm vi của hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ, thì Trung Quốc cũng có thể được hưởng các lợi ích như chuyển giao công nghệ, cải cách cơ cấu ngoại thương, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường của Mỹ.
Đối xử tối huệ quốc bắt đầu từ những năm 1980. Vào thời điểm đó, chính phủ Mỹ xem xét và phê duyệt “một số lợi ích” hàng năm. Đến giữa những năm 1990, nó được xác định là vĩnh viễn. Năm 2000, nó được chuyển thành mối quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn. Mỹ và Trung Quốc đã dần trở thành đối tác thương mại và chính quyền TQ thực sự đã thu được những lợi ích kinh tế và công nghệ to lớn từ Mỹ. Đến năm 2020, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước là gần 560 tỷ USD.
Dưới thời chính quyền Trump, về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, các quan chức chính phủ cấp cao cho rằng Mỹ đang bị lợi dụng và nêu bật thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Khoản thâm hụt này vượt quá 285 tỷ USD vào năm 2020.
Đầu năm nay, một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đưa ra Đạo luật Quan hệ Thương mại Trung Quốc nhằm tước bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc. Nhưng dự luật của Thượng nghị sĩ Josh Hawley lại cho phép Mỹ áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, và cho phép Tổng thống Mỹ áp thuế cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu, mức thuế này là mang tính vĩnh viễn và nghiêm ngặt hơn.
Vision Times cho rằng, trong những năm gần đây, một số quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ và các thành viên cấp cao của “quốc hội lưỡng viện” ngày càng nhìn rõ bộ mặt dối trá của ĐCSTQ. Những hành vi lừa đảo này bao gồm cướp công khai, xâm nhập, trả thù, hối lộ, đe dọa, v.v. Do đó, những tiếng nói về việc tách rời, ngừng cung cấp chíp, lệnh trừng phạt, danh sách đen, phong tỏa công nghệ và bảo vệ công nghệ,… đối với Trung Quốc lần lượt vang lên. Dưới thời chính quyền Trump cũng đã xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, khiến ĐCSTQ đã rất lo lắng và cử các phái đoàn cấp cao đến Mỹ để đàm phán hết lần này đến lần khác. Trong quá trình đó, họ phải nhượng bộ một số điều kiện và đáp ứng nhiều điều kiện do Mỹ đề xuất.
Khi đó, Báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia do chính phủ Mỹ công bố vào cuối năm 2017, đã chỉ trích các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc trên nhiều phương diện, gọi Trung Quốc và một số nước khác là đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nói rằng Trung Quốc hy vọng rằng Mỹ sẽ tuân thủ các cam kết liên quan, việc duy trì quan hệ Trung-Mỹ phát triển ổn định là sự lựa chọn đúng đắn, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và nhân dân thế giới.
Tại sao ĐCSTQ cảm thấy áp lực rất lớn từ việc này? Bởi vì việc thu hồi quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn của Trung Quốc có nghĩa là các sản phẩm từ Trung Quốc không thể được hưởng quan hệ thương mại bình thường; Trung Quốc không thể tham gia vào các kế hoạch đầu tư tài chính của Mỹ; tổng thống Mỹ không thể ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc. Hơn nữa, tổng thống Mỹ có quyền quyết định đãi ngộ này có được gia hạn hay không. Ngay cả khi tổng thống đồng ý gia hạn, Quốc hội vẫn có quyền lật ngược quyết định của tổng thống. Điều này có nghĩa là về cơ bản Trung Quốc không thể được “đối xử tối huệ quốc” một lần nào nữa.
Những ngày này, NetEase, Sohu và các phương tiện truyền thông không phải là cơ quan ngôn luận của chính phủ TQ đang cẩn thận đưa tin, hy vọng rằng Mỹ sẽ nương tay với một số thương mại và dịch vụ quan trọng, đồng thời kêu gọi quốc gia giữ lý trí và bình tĩnh, phù hợp với mục đích quan hệ thương mại song phương cùng có lợi, tăng cường giao tiếp và hợp tác.