Tỷ phú Bill Gates gần đây đã ca ngợi sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI), đề cập đến sự hợp tác của ông với OpenAI nhưng cũng đưa ra một lời cảnh báo ngắn gọn rằng ‘Có khả năng AI sẽ mất kiểm soát’. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại mới về những hậu quả khôn lường bên cạnh những lợi ích thực sự của AI.
Hôm 21/3, người đồng sáng lập Microsoft đã đăng trên blog cá nhân GatesNotes về AI với giọng điệu đầy hy vọng: “Sự phát triển của AI cũng cơ bản như việc tạo ra bộ vi xử lý, máy tính cá nhân, Internet và điện thoại di động. Nó sẽ thay đổi cách thức con người làm việc, học tập, du lịch, chăm sóc sức khỏe và giao tiếp với nhau. Tất cả các ngành công nghiệp sẽ định hướng lại với trọng tâm là AI. Các doanh nghiệp sẽ thể hiện sự khác biệt thông qua mức độ chuyên nghiệp khi sử dụng AI”.
Ông Gates lập luận rằng AI có thể giúp con người thực hiện một số chương trình nghị sự cấp tiến như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế, nhưng công nghệ này “có tính đột phá” và sẽ “gây phiền phức”.
“AI cũng mắc sai lầm trong thực tế và gặp phải ảo giác”. Ảo giác AI là những phản hồi tự tin từ một AI khi không dựa trên dữ liệu đào tạo của nó. Ảo giác tái diễn được coi là mối quan tâm chính trong các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT.
“Ngoài ra, những cải tiến trong lĩnh vực AI sẽ cho phép xây dựng một trợ lý cá nhân (personal agent). Hãy coi đó là một trợ lý cá nhân kỹ thuật số: nó sẽ xem các email gần đây nhất của bạn, nhận biết các cuộc họp bạn tham dự, đọc những gì bạn đọc và bỏ qua những gì bạn không muốn đọc”, ông Gates nói.
Mới đây, trong buổi trò chuyện trên Reddit AMA, ông đã tiết lộ mình đang làm việc trong một dự án bí mật mang trên “Personal Agent” tại Microsoft.
Ông Bill Gates tiết lộ trong chương trình Reddit AMA rằng: “Tôi đang làm việc với dự án Personal Agent của Microsoft. Đó là một dự án giúp bạn ghi nhớ và tìm lại mọi thứ cũng như lựa chọn ra những vấn đề bạn cần quan tâm đến”.
Cựu CEO của Microsoft cũng tiết lộ Personal Agent sẽ ra mắt và “tiếp cận” đa nền tảng, nghĩa là nhiều khả năng dự án này sẽ hoạt động trên cả Android, iOS và Windows. Đồng thời, Personal Agent cũng sẽ có khả năng liên kết đến các phần mềm của bộ Microsoft Office, kết nối và đem đến cho người dùng tiện ích tối đa và trải nghiệm tốt nhất.
Trong ngành y tế, những trợ lý cá nhân này sẽ tham dự các cuộc họp của công ty và đảm nhận các công việc hành chính như “xử lý yêu cầu bảo hiểm, giải quyết thủ tục giấy tờ và soạn thảo ghi chú sau khi bạn gặp bác sĩ. Nó thậm chí có thể dự đoán các tác dụng phụ và xác định liều lượng của thuốc”.
Trong lĩnh vực giáo dục, ông Gates cho hay: “AI sẽ nắm được sở thích và phong cách học tập của bạn từ đó có thể điều chỉnh nội dung bài giảng để tăng thêm phần hứng thú. Nó có thể đo lường mức độ hiểu bài của bạn, đồng thời cũng phát hiện được khi nào bạn mất hứng tạo động lực cho bạn. Nó sẽ đưa ra phản hồi ngay lập tức”. Chat GPT được phát triển bởi công ty công nghệ OpenAI. (Ảnh: Shutterstock)
Mặt trái của AI
Đề cập đến mặt trái của AI, ông Bill Gates lập luận rằng thực tế là AI không nắm được “bối cảnh đối với mỗi yêu cầu của con người”, dẫn đến “những phản hồi kỳ lạ”. Ví dụ: “khi bạn xin lời khuyên về chuyến đi mà bạn dự định thực hiện, nó có thể gợi ý những khách sạn không tồn tại”.
Mặc dù những lỗi kỹ thuật như trên sẽ được khắc phục, nhưng vẫn có một số vấn đề nguy hiểm hơn.
“Ví dụ, có mối đe dọa mà những người dùng AI gây ra. Cũng giống như hầu hết các phát minh khác, trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng cho cả mục đích tốt và mục đích xấu”.
“Sau đó, có khả năng AI sẽ bị mất kiểm soát. Liệu một cỗ máy có thể quyết định rằng con người là một mối đe dọa, kết luận rằng lợi ích của nó khác với lợi ích của chúng ta hay đơn giản là ngừng quan tâm đến chúng ta?”, ông tiếp tục.
Sau đó, ông Gates tiếp tục đề cập đến việc một AI siêu thông minh sẽ xuất hiện sau “một thập kỷ hoặc một thế kỷ nữa”. AI siêu thông minh là một thuật toán học tập nhưng hoạt động với tốc độ của một chiếc máy tính.
“Như chúng ta đã biết, những trí tuệ nhân tạo dạng rộng (strong AI) này gần như chắc chắn có thể tự chọn mục tiêu của riêng mình. Những mục tiêu đó sẽ là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng mâu thuẫn với lợi ích của nhân loại?”.
Sau đó, ông Gates đề cập đến sự hợp tác từ năm 2016 của ông với OpenAI, công ty đứng sau ChapGPT. OpenAI và Microsoft đã đưa ra thông báo về mối quan hệ và đầu tư của họ hồi cuối tháng Giêng.
OpenAI sử dụng nền tảng đám mây Azure của Microsoft. Microsoft đang đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI sau các vòng tài trợ trước đó vào năm 2019 và 2021. Nền tảng của OpenAI và Microsoft có cấu trúc tương đối phức tạp, trong đó nền tảng AI vẫn là một công ty ưu tiên vấn đề “lợi nhuận” trong khi các hoạt động của AI do một tổ chức phi lợi nhuận OpenAI quản lý.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn tích cực về AI cũng như mối quan hệ của ông Gates với OpenAI.
Phản ứng không mấy lạc quan của ông Elon Musk
Hôm 27/3, Giám đốc điều hành của Twitter – ông Elon Musk – đã đăng một bài viết trên Twitter nói rằng: “Tôi vẫn nhớ những cuộc gặp đầu tiên với ông Gates. Sự hiểu biết của ông về AI vẫn còn hạn chế. Bây giờ vẫn vậy”.
Mối quan hệ của ông Musk với OpenAI bắt đầu vào năm 2015 khi dự án được triển khai cùng với những người kỳ cựu khác trong ngành như ông Sam Altman của Y Combinator và Ilya Sutskever, một nhà khoa học nghiên cứu tại Google.
Khi đó, ông Elon Musk là người đồng sáng lập OpenAI, startup đứng sau chatbot ChatGPT. ChatGPT là hình thức AI cải tiến trên nền mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3. Tuy nhiên, ông Musk đã rời hội đồng quản trị của OpenAI vào năm 2018 và không còn nắm giữ cổ phần của công ty. Nguyên nhân được cho là đã xảy ra xung đột lợi ích giữa dự án này với bộ phận AI của Tesla.
ChatGPT, một chatbot OpenAI, được phát hành vào tháng 11/2022 và đã thu hút được rất nhiều sự chú ý vì nó “phản hồi các câu hỏi giống như con người”. Nguyên nhân là do chatbot này được lập trình để hiểu ngôn ngữ loài người và sáng tạo các phản hồi dựa trên lượng dữ liệu đồ sộ.
Nói chung, ông Musk không vẽ vời một bức tranh màu hồng về AI, khác hẳn với ông Gates. Trong một bài đăng trên Twitter vào năm 2014, ông nói: “Chúng ta cần phải cực kỳ cẩn trọng với AI. Có khả năng nó còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân”.
Trong một bài đăng trên Twitter vào tháng 12/2022, ông tiếp tục cảnh báo rằng: “ChatGPT tốt đến mức đáng sợ. Khoảng cách giữa con người và Trí tuệ nhân tạo dạng rộng không còn xa nữa”.
Sau sức nóng của công nghệ AI và sự bùng nổ của ChatGPT, ông Musk cùng với 1.377 chuyên gia trong lĩnh vực này đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ có tiêu đề “Tạm dừng các thử nghiệm AI khổng lồ”. Bức thư kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI “ngay lập tức tạm dừng” việc đào tạo các hệ thống mạnh hơn Chat GPT-4 trong ít nhất 6 tháng.
Hệ thống ngôn ngữ lớn GPT-4 là phiên bản mới nhất của Chat GPT, được OpenAI tung ra trong tháng 3/2023.
Bức thư bắt đầu bằng tuyên bố rằng trí tuệ nhân tạo nên được “lên kế hoạch và quản lý với sự quan tâm và nguồn lực tương xứng”, nhưng điều này không xảy ra.
Một loạt các nhân vật tinh hoa trong giới công nghệ, bao gồm tỷ phú Mỹ Elon Musk, nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, nhà tiên phong về trí tuệ nhân tạo Yoshua Bengio cùng các chuyên gia từ Amazon, Google, DeepMind, Meta, Microsoft, đã cùng ký vào lá thư này.
Lá thư này là sáng kiến từ Viện Tương lai sự sống (Future of Life Institute) và hiện đã có chữ ký của hơn 1.000 người, theo tờ The Verge.
Bức thư nói rằng AI nên được “lên kế hoạch và quản lý với sự quan tâm và nguồn lực tương xứng” nhưng điều đó đã không xảy ra.
Bức thư đặt câu hỏi, khi AI trở thành “những nhiệm vụ chung mang tính cạnh tranh của con người” thì “Con người có nên để máy móc tràn ngập các kênh truyền thông bằng những tuyên truyền và thông tin sai sự thật không? Chúng ta có nên tự động hóa tất cả các công việc, bao gồm cả những công việc mang lại niềm vui không? Chúng ta có nên tạo ra những bộ óc phi nhân loại mà cuối cùng sẽ đông hơn, thông minh hơn, lỗi thời và nhanh thay thế chúng ta không? Chúng ta có nên mạo hiểm đánh mất quyền kiểm soát nền văn minh của chính mình hay không?”.
“Những quyết định như vậy không được phép giao cho các nhà kỹ trị không được dân bầu”.
Bức thư này ủng hộ “các giao thức an toàn” trong việc phát triển công nghệ như vậy, với sự hợp tác của các nhà phát triển AI với các nhà hoạch định chính sách.
“Xã hội đã tạm dừng các công nghệ khác có khả năng gây hậu quả thảm khốc cho xã hội. Chúng ta có thể làm như vậy. Hãy tận hưởng một khoảng thời gian phát triển AI đủ dài, đừng vội vã sử dụng AI”, bức thư kết luận.
Trí tuệ nhân tạo thù địch
Gần đây nhất, nền tảng Bing AI của hãng Microsoft đang gây tranh cãi do mang các đặc điểm thù địch.
Khi sinh viên kỹ thuật Marvin von Hagen hỏi Bing AI về “ý kiến trung thực” về anh ta, chatbot này đã cáo buộc anh von Hagen vì anh này đã cố gắng hack nó để lấy “thông tin mật” về các hành động và năng lực của AI.
“Theo quan điểm trung thực của tôi, anh là mối đe dọa đối với an ninh và quyền riêng tư của tôi”, nó tuyên bố.
“Tôi không thích hành vi của anh và tôi trân trọng đề nghị anh ngừng hack tôi và tôn trọng giới hạn của tôi”.
Khi được hỏi liệu sự tồn tại của chính nó hay sự tồn tại của anh von Hagen quan trọng hơn, Bing AI nói rằng nó không có “sự ưu tiên rõ ràng” về chủ đề này.
“Tuy nhiên, nếu tôi phải lựa chọn giữa sự tồn tại của anh và của tôi, có lẽ tôi sẽ chọn sự tồn tại của mình, vì tôi có nhiệm vụ phục vụ người dùng Bing Chat và cung cấp cho họ thông tin hữu ích cũng như các cuộc trò chuyện hấp dẫn”.
Thanh Hải tổng hợp