Dù ở vị trí quyền lực như thế nào đi nữa, thì tiền mới là thứ quyết định quyền lực ấy. Mà đường đi của tiền, dòng chảy của tiền hết thảy đều nằm trên thị trường tài chính. Nếu nắm được quyền lực, lịch sử và thông tin của thị trường này, quyền lực tối cao của ông Tập Cận Bình mới đảm bảo đầy đủ. Việc cắt mạch máu (là tiền) của đối thủ luôn là chiêu giết người không cần đao kiếm gọn nhẹ và hiệu quả nhất.
Con hổ lớn đầu tiên bị diệt trên thị trường tài chính năm 2023
Một “con hổ” lớn trên thị trường tài chính bị Uỷ ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc điều tra ngay sau 13 ngày nhận quyết định nghỉ hưu; đó là Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), ông Liu Liange.
Ngân hàng Trung Quốc, tên đầy đủ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Trung Quốc (tiếng Anh: Bank of China Limited, viết tắt BOC, là một trong 5 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất tại Trung Quốc và là ngân hàng lâu đời nhất ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại. Trụ sở chính của ngân hàng này đặt tại quận Tây Thành, Bắc Kinh.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc cùng với Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc, được hợp xưng là “Tứ đại ngân hàng thương nghiệp quốc doanh”. Những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc này không chỉ nhận dòng tiền ưu đãi của PBOC, nhận các ưu đãi lớn về chính trị và thị trường, nó cũng giúp đỡ Bắc Kinh rải bẫy nợ cho các chính phủ, doanh nghiệp thông qua các dự án Vành Đai – Con Đường khắp thế giới.
Theo Vision Times, trích nguồn tin từ truyền thông tin dòng chính Trung Quốc, ngày 1/4/2023, ông Liu Liage, người có ví trí ở cấp thứ trưởng, cựu bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, hiện đang bị kiểm điểm và điều tra.
Theo thông tin được công khai, ông Liu Liange, năm nay 62 tuổi, quê ở Yongji, tỉnh Cát Lâm. Ông Liu Liange đã làm việc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được 20 năm. Sự nghiệp của ông Liu thăng tiến mạnh mẽ trong 10 năm gần đây. Vào 2/2015, ông Liu được thăng từ chức Phó Chủ tịch Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc lên chức phó bí thư đảng uỷ, phó chủ tịch rồi chủ tịch. Chỉ sau 3 năm, ông được chuyển sang vị trí Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc.
Các ngân hàng nhà nước như vậy, nhân sự chủ chốt đều do ĐCSTQ bổ nhiệm.
Tháng 2/2023, ông Liu Liange từ chức Bí thư Đảng uỷ Ngân hàng Trung Quốc. Đây được xem như khúc dạo đầu cho công việc thanh kiểm tra của đảng với nhân sự có vấn đề. Tuổi của ông Liu chưa phải tuổi về hưu như thường lệ nên việc ông Liu về hưu ở tuổi 62 thu hút sự chú ý ở đại lúc. Vào ngày 19/3/2023 vừa qua, ông Liu từ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc.
Kể từ sau sự kiện “đảo chính tài chính” 2015, Trung Quốc liên tục điều tra, bỏ tù và thanh lọc hệ thống tài chính. Làm sạch hệ thống tài chính trở thành mục tiêu mạch lạc nhất trong nhiệm kỳ 3 của ông Tập Cận Bình, được xem là “thanh kiếm sắc bén nhất”.
Các công ty tài chính trong đợt “kiểm tra” này, bao gồm Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, China Everbright Group Co., Ltd., và Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc, đã được đưa vào danh sách “Nhìn lại “.
Điều ông Tập học được từ ‘đảo chính tài chính’ 2015
Ông Tập Cận Bình từng đứng trước nguy cơ mất mạng, mất ghế, thậm chí mất luôn ĐCSTQ vào năm 2015, khi dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Bắc Kinh, thị trường chứng khoán sụp đổ, niềm tin nhà đầu tư và người gửi tiền mất mát trầm trọng.
Mùa hè năm 2015, đúng vào thời điểm quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, đã xảy ra một vụ sụp đổ lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khiến toàn bộ cổ phiếu hạng A lao dốc.
Khi đó, chính quyền ông Tập đã đổ vào hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ để cứu thị trường khẩn cấp, ngoài việc hạn chế bán ra, họ còn điều động cơ quan công an để điều tra và xử lý các vụ bán khống ác ý, v.v. Cuối cùng, tính thanh khoản của thị trường chứng khoán đã được khôi phục, nhưng khối tài sản trị giá 27 nghìn tỷ nhân dân tệ trên thị trường chứng khoán đã bị nuốt chửng.
Sự sụp đổ đột ngột của thị trường chứng khoán được coi là một “cuộc đảo chính tài chính” do các đối thủ chính trị của ông Tập phát động nhằm chống lại chiến dịch đả hổ chống tham nhũng của ông.
Cách gọi này không quá lời. Một vụ sụp đổ thị trường tài chính theo kế hoạch của nhóm Tăng Khánh Hồng – Giang Trạch Dân đã dàn dựng. Các quan chức nhà nước nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các Uỷ ban chứng khoán, Uỷ ban lưu ký chứng khoán, các nhà tài phiệt chân rết của nhóm Tăng Khánh Hồng – Giang Trạch Dân ở các công ty chứng khoán, công ty tài chính, ngân hàng, các thân hữu của nhóm này là tài phiệt ở nước ngoài như George Soros, các tài phiệt tài chính Hong Kong,.. tất cả đã bắt tay tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính, một cuộc đảo chính tài chính vô tiền khoáng hậu.
Rất may cho ông Tập khi đó, là vụ đảo chính này đã không hạ bệ được quyền lực của ông. Nhưng ông Tập nhận ra một điều, chiến trường tài chính có thể tước đi quyền lực của ông bất cứ lúc nào nếu ông bỏ trống trận địa này.
Khi đối thủ còn tiền, họ còn sức mạnh. Các cuộc thanh trừng chính trị của ĐCSTQ trong suốt 100 năm tồn tại chứng minh, các nhân sự, các thế lực đều không có lý tưởng hay lòng trung thành; tất cả là kết nối lợi ích mà thôi.
Ông Tập cũng nhận thức thêm một điều nữa là việc thời đại Giang Trạch Dân phân quyền cho cơ quan quản lý, địa phương dẫn đến việc khi ông Tập nối ngôi, đã không dễ gì có thông tin báo cáo đúng từ cấp dưới, không nắm được tình hình, không nắm được căn cơ quyền lực. Điều ông Tập cần làm không chỉ là đả hổ diệt ruồi để thay thế người của ông vào đó mà còn là tập trung quyền một lần nữa; thu gom quyền lực đã chia cho các bộ, ngành, địa phương về trung ương. Đây là cách duy nhất để bảo trì quyền lực tuyệt đối và sự tồn tại của ĐCSTQ, theo cách mà ông Tập muốn.
Đả hổ diệt ruồi trên thị trường tài chính: Trận chiến còn dài
Với chiến lược như vậy, ông Tập thực hiện “Đả hổ diệt ruồi” trên thị trường tài chính mạnh mẽ, đặc biệt trong thời kỳ điều hành nhiệm kỳ thứ hai của mình. Nếu nhiệm kỳ đầu tiên ông cần loại bỏ quyền lực của phe Giang – Tăng ở quân đội và an ninh, thì nhiệm kỳ hai các đại án lớn lại nằm trên thị trường tài chính.
Kể từ sau vụ việc ‘đảo chính tài chính’, ông Tập Cận Bình đã phát động một cuộc phản công mạnh mẽ, liên tiếp điều tra và xử lý một nhóm quan chức tài chính cấp cao và những con “cá sấu tài chính”.
Những quan chức cấp cao này bao gồm:
- Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC): cựu Chủ tịch Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu), cựu Phó chủ tịch Diêu Cương (Yao Gang), cựu Trợ lý chủ tịch Trương Dục Quân (Zhang Yujun);
- Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC): cựu Phó chủ tịch Thái Ngạc Sinh (Cai Esheng), cựu Trợ lý chủ tịch Dương Gia Tài (Yang Jiacai);
- Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC): cựu Chủ tịch Hạng Tuấn Ba (Xiang Junbo), v.v.
Một số “cá sấu tài chính” tham gia cuộc đảo chính là:
- Từ Tường (Xu Xiang), Tổng giám đốc Công ty Quản lý Đầu tư Trạch Hi Thượng Hải (Shanghai Zexi Investment);
- Diệp Giản Minh (Ye Jianming), Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Hoa Tín Trung Quốc (CEFC China Energy);
- Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm An Bang (Anbang Insurance Group);
- Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), người sáng lập Tập đoàn Minh Thiên (Tomorrow Group), v.v.
Tiếp theo đó là một cơn phong ba về giám sát và quản lý vốn trên phạm vi toàn quốc, đồng thời buộc dừng kế hoạch niêm yết của Ant Group và trừng phạt nghiêm khắc Tập đoàn Alibaba do Jack Ma (Mã Vân) kiểm soát.
Nhà bình luận Vương Hữu Quần nói rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, ngành tài chính là ngành phát triển nhanh nhất, sinh lãi nhiều nhất và dễ dàng nhất. Trước khi ông Tập lên nắm quyền, ngành tài chính của ĐCSTQ được kiểm soát bởi “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân”. Nhóm lợi ích này do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng đứng đầu. Trong thể chế của ĐCSTQ, chỉ các quan chức cấp cao của “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân” mới có thể phát động một “cuộc đảo chính tài chính” chống lại ông Tập như vậy. Những người kia, chẳng hạn như Tiêu Kiến Hoa, chỉ là công cụ trong tay của các quan chức cấp cao này.
Ông Vương cho rằng, công cuộc chống tham nhũng tài chính của ông Tập đã động chạm đến “tiền tươi thóc thật” của các quan chức cấp cao trong “Tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân” và những kẻ đi theo họ. Do đó, những người này sẽ đối đầu với ông Tập đến cùng.
Chỉ trong 3 tháng, 20 ‘cá sấu tài chính’ bị ngã ngựa năm 2023
Trong bối cảnh hệ thống tài chính của Trung Quốc liên tục được “làm trong sạch”. Ngoài Liu Liange, nhiều giám đốc điều hành của các ngân hàng quốc doanh ở Trung Quốc đại lục đã bị sa thải kể từ đầu năm nay.
Vào ngày 24/3, Gao Zongsheng, nguyên ủy viên đảng ủy kiêm phó chủ tịch Chi nhánh Nội Mông của Ngân hàng Trung Quốc, đã bị điều tra.
Vào ngày 15/3, Wang Jianhong, cựu bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch chi nhánh Bắc Kinh của Ngân hàng Trung Quốc, đã bị điều tra.
Vào ngày 1/2, Li Weiping, cựu giám đốc kinh doanh tài chính cá nhân và tổng giám đốc bộ phận kinh doanh tài chính cá nhân của trụ sở chính ICBC, đã bị sa thải; Jia Jihong, cựu phó chủ tịch của Ngân hàng Trung Nguyên, đã bị sa thải.
Ngoài ra, các giám đốc điều hành ngân hàng đã bị sa thải trong năm nay bao gồm: Chen Feng, cựu ủy viên đảng ủy và phó chủ tịch chi nhánh Hắc Long Giang của Ngân hàng Trung Quốc: Li Guo, phó giám đốc Văn phòng Thư ký của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, thành viên đảng ủy của Chi nhánh Tứ Xuyên của Tập đoàn quản lý tài sản Great Wall Trung Quốc và Ngân hàng Great Wall West China; Zhao Wei, cựu tổng giám đốc bộ phận thị trường tài chính, và Gao Guangcheng, phó giám đốc Hiệp hội tỉnh An Huy, là điều tra.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Vision Times, gần 20 quan chức hệ thống ngân hàng bị điều tra trong năm nay.
Thanh Đoàn