3 triệu tờ Nhân dân Nhật báo bị tiêu huỷ vì bản in thiếu ba chữ ‘Tập Cận Bình’
Quang Nhật
Khoảng 3 triệu bản in tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất ngờ bị thu hồi và huỷ, chi phí cho lần tiêu huỷ này lên tới 1 triệu nhân dân tệ. Lý do bị tiêu huỷ chỉ vì thiếu 3 chữ “Tập Cận Bình” trong tiêu đề một bài báo quan trọng.
Vào ngày 30 tháng 3, một số cư dân mạng đã tiết lộ trên mạng xã hội trực tuyến rằng họ đã nhận được thông báo từ Nhân dân Nhật báo rằng số báo ngày hôm đó bị yêu cầu niêm phong và tiêu huỷ tại chỗ. Cũng trong ngày hôm đó, tờ Nhân dân Nhật báo được in lại và phát hành cùng ngày.
Một thông báo rò rỉ trên mạng xã hội có vẻ như từ nhóm phân phối báo. Thông báo không chỉ yêu cầu niêm phong và tiêu huỷ tại chỗ, mà còn yêu cầu nhóm phân phối báo không được phán tán thông tin này ra ngoài xã hội và không được công khai việc tiêu huỷ 3 triệu tờ báo này.
Vào này 31/3, một số cư dân mạng cho biết lý do mà tờ Nhân dân Nhật báo tiêu huỷ 3 triệu bản in là vì trang thứ năm tờ báo ngày 30/3 có một bài báo với tiêu đề: “Đoàn kết và đấu tranh là cách duy nhất để nhân dân Trung Quốc tạo nên lịch sử vĩ đại”.
Theo “bằng chứng” mà dân cư mạng chia sẻ, có vẻ như trong bài báo đó, có một câu được gạch chân bằng bút đỏ “Trung ương Đảng với các đồng chí cốt cán đánh giá tình hình”, câu này thiếu 3 chữ quan trọng là “Tập Cận Bình”.
Không chỉ thông tin từ dân cư mạng, một nguồn tin nội bộ nói với Đài Châu Á Tự do rằng vụ việc huỷ 3 triệu bản in của Nhân dân Nhật báo thực sự là do họ đã bỏ sót 3 từ “Tập Cận Bình” trong một bài báo.
Được biết, với số lượng bản in, kích thước báo và số trang như vậy, chi phí cho lần thu hồi này tiêu tốn ít nhất là 1 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tuyên truyền, chi phí với ĐCSTQ chưa bao giờ là yếu tố quan trọng. Với các Tổng biên tập của các tờ báo truyền tải tiếng nói của đảng, chính quyền như Nhân dân Nhật báo, rủi ro chính trị mới là vấn đề cần phải cẩn trọng nhất. Một khi rủi ro chính trị đã xảy ra, ít nhất sự nghiệp sẽ tiêu tán chỉ trong một sớm chiều.
Hiện chưa biết thái độ của người trong cuộc, của các lãnh đạo đảng với sự kiện này. Không một hãng tin nào ở nước ngoài có thể lấy được phản hồi của Nhân dân Nhật báo để xác nhận sự việc này.
Tuy nhiên, hiện tại Nhân dân Nhật bảo trải qua sự im lặng hiếm hoi. Theo Secret China, không thể gọi tới hai số điện thoại của tờ báo này, điện thoại của trưởng ban thường trực và điện thoại của ban bình luận. Thậm chí, điện thoại của một số chi nhánh khác như Tứ Xuyên, Giang Tô, Sơn Tây, Trùng Khánh cũng mất liên lạc.
Điều đáng nói nhất là việc yêu cầu “giữ bí mật” về việc thu hồi Nhân dân Nhật báo. Việc một bản tin có lỗi, phải thu hồi và tiêu huỷ không phải là sự kiện hiếm hoi hay quá đặc biệt. Nó giống như một tai nạn nghề nghiệp trong nghề làm báo.
Nhưng việc thu hồi trong bí mật đã đẩy giá tờ báo yêu cầu bị tiêu huỷ và thu hồi này lên tới hàng trăm nhân dân tệ cho mỗi tờ.
Kể từ khi thành lập ĐCSTQ, các biện pháp kiểm soát tư tưởng nghiêm ngặt đã được áp đặt đối với dư luận. Trong số đó, báo chí đưa tin chính thống có quy định chặt chẽ về họ tên, chức vụ, cấp bậc, chức vụ của cán bộ. Việc đưa tin về các vị lãnh đạo quốc gia lại càng được coi là nhiệm vụ chính trị, nếu nhầm họ tên, chức vụ thì coi như là một tai nạn chính trị. Trong thời đại Mao, họ thậm chí sẽ bị trừng dán nhãn “tội phản cách mạng”, một tội có thể dẫn đến án tử hình.
Dĩ nhiên, sau thời đại của Mao, sự cực đoan và tàn nhẫn này đã giảm bớt. Một tờ báo từng in sai tên thủ tướng Ôn Gia Bảo. Phản ứng của thủ tướng chỉ đơn giản là gọi điện và nhắc nhở; không có bất cứ sự trừng phạt nào.
Theo Secret China
Quang Nhật biên tập
Tạ Linh
Nhà báo Nga đoạt giải Nobel Hòa bình: Gershkovich không phải gián điệp
Nhà báo Nga Dmitry Muratov, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình ở Nga, cho biết ông không tin phóng viên tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich là gián điệp. Ông Muratov hy vọng, Gershkovich sẽ được thả tự do càng sớm càng tốt thông qua biện pháp ngoại giao giữa Mỹ và Nga.
Ông Muratov nói với Reuters rằng, vụ kiện chống lại phóng viên Gershkovich cho thấy báo chí đã trở thành một nghề nguy hiểm ở Nga.
Ông Dmitry Muratov cho biết: “Tôi biết Gershkovich. Tôi đã gặp anh ấy hai hoặc ba lần vào năm ngoái. Tôi biết có thông lệ sử dụng các nhà báo làm gián điệp hay nhân viên tình báo, nhưng Gershkovic không nằm trong trường hợp đó”.
Ông Muratov đã phát biểu vào hôm thứ Sáu 31/3 tại một phiên tòa kín ở Matxcova về vụ án Vladimir Kara-Murza, nơi chính trị gia đối lập phải đối mặt với tội phản quốc và lan truyền tin đồn sai lệch về lực lượng vũ trang.
Ông Muratov nêu rõ: “Tôi thực sự không hiểu, với xu hướng này và sự thiếu cạnh tranh của các phương tiện truyền thông, làm sao mọi người có thể tổ chức cuộc bầu cử năm 2024 mà Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo”.
Phóng viên Evan Gershkovich bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ tại Yekaterinburg và bị buộc tội cố gắng thu thập thông tin mật liên quan tới một nhà máy quân sự. Đây là lần đầu tiên một nhà báo Mỹ bị bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga không nêu rõ thời điểm bắt giữ Gershkovich. Phóng viên tờ Wall Street Journal có thể phải đối mặt với bản án 20 năm trong tù nếu bị kết tội.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/3 kêu gọi Nga thả nhà báo Evan Gershkovich. Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kaine Jean-Pierre hôm 30/3 bác bỏ cáo buộc gián điệp mà Nga đưa ra đối với phóng viên Gershkovich. Bà nói đó là những cáo buộc “nực cười” và việc chính phủ Nga nhắm vào công dân Mỹ như vậy là “không thể chấp nhận”.
Quan chức Tòa Bạch Ốc: Hoa Kỳ sẽ ưu tiên các đối tác khu vực ở châu Á thay vì liên lạc với Trung Quốc
Liên Thành
Một quan chức chính phủ cho biết, chính phủ Tổng thống Biden đang tìm cách bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở châu Á bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực thay vì ưu tiên liên lạc với Trung Quốc.
Theo điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Kurt Campbell, Hoa Kỳ sẽ làm việc với các đối tác để định hình môi trường hoạt động của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Giờ đây, chúng ta nhận ra rằng các bước quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện phải liên quan đến hệ thống điều hành, và cách chúng ta làm việc với các đồng minh và đối tác,” ông Campbell nói trong cuộc thảo luận hôm 30/03 với một tổ chức tư vấn có tên là Trung tâm An ninh Mỹ Mới.
Theo ông Campbell: “Ý tưởng ở đây không phải là thách thức Trung Quốc, hay bao vây Trung Quốc theo bất kỳ cách nào, mà là để bảo vệ lợi ích của chúng ta và để bảo đảm rằng thông qua nỗ lực chung chúng ta có thể ổn định và củng cố các yếu tố của hệ thống mà chúng ta nghĩ là mang lại lợi ích cho tất cả này”.
Ông Campbell cũng cho biết một thuyết chiếm ưu thế từ lâu trong chính sách ngoại giao liên quan đến Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ nên liên lạc trực tiếp với nhà cầm quyền ở Bắc Kinh để tạo ra sự biến đổi khắp châu Á.
Ông Campbell nói, thuyết đó đã được chứng minh là sai, và Hoa Kỳ thay vào đó sẽ tìm cách định hình quá trình ra quyết định của chế độ này bằng cách định hình môi trường xung quanh họ.
Ông nói thêm rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm trực tiếp thuyết phục Trung Quốc áp dụng các chính sách và thông lệ thân thiện hoặc tự do hơn đã thất bại. Ông cho biết như vậy, giờ đây Hoa Kỳ sẽ tìm cách xoay xở với chế độ này hơn là “đánh giá quá cao” khả năng của chính mình trong việc thuyết phục Trung Quốc từ bỏ các đường lối độc đoán của họ.
Cuối cùng, ông Campbell nói rằng chế độ cộng sản ở Bắc Kinh đã khước từ phần lớn các nỗ lực nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở của Hoa Kỳ, và thay vào đó đã chọn cách làm trầm trọng thêm căng thẳng bằng việc từ chối liên lạc trong những thời điểm khủng hoảng.
NATO chính thức ra lệnh cấm TikTok
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức cấm nhân viên sử dụng mạng xã hội TikTok trong thiết bị NATO cung cấp do lo ngại về an ninh, theo hãng tin CNN.
Theo hai quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết hôm 31/3, NATO đã chính thức cấm nhân viên tải ứng dụng mạng xã hội TikTok xuống các thiết bị do khối này cung cấp với lý do lo ngại về an ninh.
Các quan chức NATO cho hay rằng mặc dù lệnh cấm mới được thông báo chính thức vào sáng ngày 31/3 nhưng trước đây, các nhân viên cũng không thực sự sử dụng được TikTok vì các hạn chế công nghệ nội bộ.
“An ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của NATO. Chúng tôi có các yêu cầu cụ thể và cứng rắn để xác định những ứng dụng có thể sử dụng được trong nội bộ. Theo đó, TikTok là ứng dụng không thể truy cập được trên các thiết bị của NATO”, một quan chức cấp cao của NATO cho hay.
NATO là cơ quan chính phủ mới nhất cấm ứng dụng này. Trước đó, Nghị viện châu Âu, Mỹ, Anh, Na Uy và nhiều quốc gia khác cũng đã ban lệnh cấm vì lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng ở các quốc gia này thông qua ByteDance – công ty mẹ của TikTok.
Giám đốc điều hành của TikTok, ông Châu Thụ Tư, đã khẳng định với các nhà lập pháp Mỹ vào đầu tháng 3 rằng công ty hoàn toàn độc lập với Bắc Kinh và cam kết chuyển dữ liệu của TikTok sang Mỹ dưới sự kiểm soát bởi công ty Oracle của Mỹ.
Dẫu vậy, các chính phủ phương Tây vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi.
Trong phiên điều trần của ông Châu trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ ngày 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát biểu: “TikTok nên bị ‘kết liễu’ bằng cách này hay cách khác. Rõ ràng, chúng tôi và những người khác đã thấy được những thách thức mà TikTok đặt ra và đang hành động để giải quyết nó”.
Phan Anh