VỀ CÂU KẾT 2 BÀI THƠ ”THĂM BẠN” và “ĐỒNG VỌNG” CỦA NHÀ THƠ ĐỒNG THỊ CHÚC

HomeTin mớiVNTB

VNTB – Về câu kết 2 bài thơ Thăm Bạn và Đồng Vọng của nhà thơ Đồng Thị Chúc

Đặng Xuân Xuyến

Khi đọc cảm nhận của tôi về bài thơ “Thăm Bạn” của nhà thơ Đồng Thị Chúc, nhà thơ Khang Minh có chút băn khoăn về câu kết bài thơ: “Phải chi nữ sĩ Đồng Thị Chúc cho thêm hai câu kết nữa thì hay quá Đặng Xuân Xuyến, vì đọc tới câu “Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua” có cảm giác thiêu thiếu cái gì đó, bài thơ chưa thể khép lại ở câu này được! Tiêng tiếc là!”. Tôi lại nghĩ khác anh, câu kết bài thơ như thế là hợp lý, tròn trĩnh mà còn gợi rất nhiều sau khi đã đọc bài thơ. Nếu nhà thơ Đồng Thị Chúc thêm một vài câu thơ nữa sẽ làm bài thơ kém duyên, mất hay.

Chuyện về một câu thơ, thậm chí cả bài thơ có những cảm nhận trái ngược là lẽ thường. Người này bảo hay, người kia bảo bình thường, hoặc người này hiểu thế này, người kia hiểu thế kia cũng là “chuyện thường ở huyện“. Thơ mà! Thế nên dân gian mới gắn cho thơ, cho nhà thơ những cặp từ: “thơ thẩn”, “lẩn thẩn”,…

Trở lại chuyện câu kết bài thơ “Thăm Bạn” của nhà thơ Đồng Thị Chúc.

Bài thơ thật ngắn, chỉ có 6 câu nhưng chứa đựng nhiều nỗi niềm:

THĂM BẠN

Ghé nhà cửa đóng then cài

Đầy sân lá rụng thềm ngoài rêu phong

Dạo quanh trong khoảng thinh không

Mắt đưa tìm bóng, nào trông bóng người

Đành lòng quay gót trở lui

Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua.

*.

ĐỒNG THỊ CHÚC

Nhất là câu kết: “Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua” gợi nhiều cảm xúc với tâm trạng hụt hẫng, chán chường xen lẫn chút hờn tủi, cộng thêm chút hoang mang, lo lắng khi nhà thơ chợt nghĩ chuyện không hay của tuổi già có thể đến với bạn mình… khiến người đọc gai gai người, cùng hụt hẫng, thảng thốt theo tâm trạng chới với, “bùi ngùi” của nữ sĩ họ Đồng.

Một câu kết hợp lý, tròn trĩnh, vừa gợi cảm xúc để người đọc thăng hoa, vừa “đóng lại” để cảm xúc về chuyến “Thăm bạn” không lan man, loãng chuyện… Nếu nhà thơ thêm một vài câu thơ nữa sẽ phá mất bài thơ hay vì bố cục bài thơ đã chặt chẽ, câu kết bài thơ hợp lý và gợi được nhiều cảm xúc như thế, người có tay nghề sẽ không ai làm thế cả.

Hay như bài thơ “Đồng Vọng“, một trong số những bài thơ hay của nhà thơ Đồng Thị Chúc, có câu kết lửng cũng thật hay, để lại nhiều ám ảnh với người đọc.

Bài thơ lấy cảm xúc từ câu chuyện có thật: Một lần trên đường đến cơ quan làm việc, bà “gặp đôi anh chị tuổi trung niên nét mặt khắc khổ, anh mặc bộ quân phục sỹ quan đã cũ, chị mặc cái áo xanh đã bạc màu, đèo nhau trên chiếc xe đap cà tàng“, “đang đi thì xe đạp của họ xịt lốp và họ phải xuống xe loay hoay xem xét.”. Nhìn họ, bà trào dâng cảm xúc rất lạ, và sau đấy một thời gian, bài thơ “Đồng Vọng” được ra đời:

ĐỒNG VỌNG

Hai người tình

Ngồi bên nhau

Hai mái đầu

Điểm bạc.

Chiếc áo anh đang mang

Vương bụi thời trận mạc

Chị – thân hình khô xác

Nép bên bờ vai anh

Vẫn trong chiếc áo xanh

Bạc qua mùa chờ đợi.

Trăng soi từ vời vợi

Gió về từ xa xăm…

*.

Hà Nội, Tháng 02-1992

ĐỒNG THỊ CHÚC

Cũng theo kể lại của nhà thơ Đồng Thị Chúc thì “đôi anh chị” ấy đã già, đã quá cái tuổi sung sức để thực hiện ước mơ thay đổi số phận. Họ có gì để thay đổi số phận khi họ chỉ có “thân hình khô xác” với mái tóc “điểm bạc” cùng tài sản giá trị nhất cả về vật chất lẫn tinh thần là “chiếc áo xanh” “Bạc qua mùa chờ đợi” giờ đã là ký ức, là kỷ niệm tình yêu một thủa?! Với họ, một bữa cơm ngon, một giấc ngủ đằm sâu hơn khi bớt đi được một chút canh cánh chuyện cơm áo gạo tiền đã là xa xỉ với ước mơ của họ thì nói gì đến ước mơ đổi đời, được giàu sang phú quý viển vông ở tận đẩu đâu. Hai câu kết: “Trăng soi từ vời vợi / Gió về từ xa xăm… ” chỉ gợi ký ức xa vời, chả có giá trị với thực tại. Đau nhưng mà thực và cũng vì cái đau ấy mà bài thơ mới nhiều ám ảnh.

Đọc “Đồng Vọng“, với hai câu thơ thật hay: “Trăng soi từ vời vợi / Gió về từ xa xăm... “, thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo của nhà thơ Đồng Thị Chúc, tôi chợt nhớ đến những câu thơ như những lát cắt trần trụi, đau đáu xót xa của nhà thơ Phạm Đức Mạnh:

“Tháng Tư

những người lính kiệt sức vì đạn bom

thoi thóp sống

lết tìm nhau

nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất

hàn rỉ sét chiến tranh

bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội.”

(Tháng Tư Màu Nhớ)

Những câu thơ trần trụi đến phũ phàng, không chỉ gián tiếp lên án cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” mà còn là tiếng lòng nhà thơ Phạm Đức Mạnh xót xa trước chính sách đãi ngộ hoặc chưa thỏa đáng hoặc đã bị lãng quên của chế độ đối với những chiến binh vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Những câu thơ: “những người lính kiệt sức vì đạn bom / thoi thóp sống / lết tìm nhau / bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội” thật đau và đắng ngắt.

Cả hai bài thơ “Tháng Tư Màu Nhớ” và “Đồng Vọng” đều gián tiếp lên án cuộc nội chiến vô nghĩa, đều xót xa trước hiện thực cuộc sống “thoi thóp”, mờ mịt, bị chế độ xã hội lãng quên chính sách đãi ngộ hoặc đãi ngộ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, biểu tượng của những người lính vừa trở về sau cuộc chiến. Hai bài thơ với hai gam màu khác nhau, hai cách viết khác nhau: một bên mang gam màu “kỷ yếu “, thời sự của Hội chứng chiến tranh, và người viết đang cố gắng tìm tòi để làm mới diện mạo thơ mình theo cách viết “hiện đại”, một bên là những lát cắt của cuộc sống thường nhật với gam màu dung dị của cuộc sống, và người viết chỉ nhẩn nha tìm tòi, sáng tạo theo lối viết nhẹ nhàng, nền nã đã định hình để phả vào thơ hương sắc chân thực của cuộc sống. Khác, nhưng cả 2 bài thơ đều là tiếng lòng của người cầm bút có trách nhiệm với tình yêu quê hương đất nước.

Sở dĩ tôi nhắc đến bài thơ “Tháng Tư Màu Nhớ” của nhà thơ Phạm Đức Mạnh bởi khi đọc những câu thơ tái hiện hình ảnh vợ chồng người cựu chiến binh trong bài thơ “Đồng Vọng” tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh người lính trong Hội chứng chiến tranh đã được thể hiện ở nhiều thể loại văn học nghệ thuật, hoàn toàn không có ý như đặt lên bàn cân để so sánh giá trị nghệ thuật giữa 2 bài thơ và tài thơ của 2 nhà thơ.

Trở lại bài thơ “Đồng Vọng” với 2 câu thơ kết thật hay, và không quá lời nếu nói đây là 2 câu thơ tài hoa của nhà thơ Đồng Thị Chúc:

“Trăng soi từ vời vợi

Gió về từ xa xăm…”

Một cái kết mở với những hình ảnh thật đẹp cho sáng tác thơ ca nhưng lại thật đau, thật đắt để bạn đọc liên tưởng tới tương lai vợ chồng người cựu chiến binh đã đợi chờ nhau suốt chiều dài cuộc nội chiến về ý thức hệ giữa 2 miền Nam Bắc: Phía trước vợ chồng họ là “Trăng“, là “Gió“, là những thứ chỉ dành cho thơ ca, những thứ chỉ dùng để “ru ngủ đời sống tinh thần”, những thứ chẳng có chút giá trị với cuộc sống thực ở cõi người. Đã vậy “Trăng” còn “soi từ vời vợi“, “Gió” còn “về từ xa xăm“, lại thêm ba dấu chấm lửng ở câu thơ cuối bài như mũi kiếm xoáy thêm sâu vào tương lai mờ mịt của vợ chồng người cựu chiến binh. Ôi! Phần thưởng – cái giá đắng chát dành cho “lý tưởng” của những người lính trở về sau cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” là đây sao?!

Đồng Vọng” đã vượt lên trên sự cảm thông của nhà thơ Đồng Thị Chúc trước tương lai mờ mịt của vợ chồng người cựu chiến binh để cất lên tiếng nói chân thực, trách nhiệm của người cầm bút với quê hương đất nước!

Thật tiếc, khi tuyển chọn “Đồng Vọng” in trong thi phẩm “Những Gương Mặt Mới”, cố thi sĩ Trinh Đường đã thêm 2 câu: “Tiếng chim gì da diết / Hay từ quy thương xuân.” vào cuối bài thơ, mà theo ông để “cho thêm phần da diết.” nhưng ông đâu ngờ chính 2 câu thơ “thêm ấy” đã làm cho bài thơ mất đi tính “chiến đấu”, giảm hẳn sự ám ảnh với người đọc vì thế mà bài thơ kém hay.

*.

Hà Nội, đêm 03 tháng 03.2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Related posts