Ukraine đã bác bỏ kế hoạch hòa bình 12 điểm do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất. Một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết kế hoạch hòa bình của Ukraine mới là giải pháp duy nhất để chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
Trưởng cố vấn ngoại giao của Nhà lãnh đạo Ukraine – ông Ihor Zhovkva – nói với tờ Reuters rằng Ukraine không quan tâm đến một lệnh ngừng bắn cho phép Nga kiểm soát lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, mà nước này chỉ có một điều kiện duy nhất để kết thúc chiến tranh là: Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine.
Trong những tháng gần đây, ông Zhovkva đã bác bỏ một loạt sáng kiến hòa bình từ Trung Quốc, Brazil, Vatican và Nam Phi.
“Khi nói về cuộc chiến ở Ukraine, kế hoạch hòa bình của Brazil, kế hoạch hòa bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay kế hoạch hòa bình của Nam Phi đều không hiệu quả”, ông Zhovkva nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm thứ Sáu (26/5).
“Trong giai đoạn chiến tranh diễn ra, chúng tôi không cần bất kỳ nước trung gian hòa giải nào. Đã quá muộn để hòa giải”, cố vấn của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Vào tháng 2 năm nay, ĐCSTQ đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm cho cuộc chiến Nga – Ukraine. Kế hoạch này kêu gọi Nga ngừng bắn và hai bên đàm phán hòa bình, nhưng không yêu cầu Nga rút quân mà yêu cầu các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Đáp lại, Điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã nói rõ vào tháng 3 rằng kế hoạch hòa bình của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn chỉ kêu gọi ngừng bắn chứ không yêu cầu Nga rút quân, sẽ chỉ giúp ích cho các lực lượng Nga.
Ông cũng cáo buộc Nga sẽ tận dụng lệnh ngừng bắn đó để tiếp tục củng cố các vị trí của mình tại nước láng giềng Ukraine, cũng như khôi phục lực lượng và đào tạo quân nhân để chuẩn bị cho đợt tấn công mới.
Ông cho rằng điều đó chứng thực một cách hiệu quả cho cuộc chinh phục bất hợp pháp của Nga. Các nước châu Âu cũng có quan điểm tương tự.
Gần đây, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á – Âu Lý Huy đã đến thăm nhiều quốc gia châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về một “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. Trao đổi với tờ Wall Street Journal, một nhà ngoại giao châu Âu từng nói chuyện với ông Lý Huy cho hay, “Chúng tôi đã giải thích (với ông Lý Huy) rằng trừ khi quân đội Nga rút quân [khỏi lãnh thổ Ukraine], nếu không thì đó chỉ là động thái đóng băng cuộc xung đột và điều này không có lợi cho cộng đồng quốc tế”.
Một quan chức khác lập luận rằng mối quan tâm chính của Trung Quốc dường như là đảm bảo rằng Nga không thua trong cuộc chiến và Moscow không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, ông Zhovkva cho biết phản ứng của các đại diện quốc gia đối với kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, là rất tích cực. Các nước G7 cũng không nêu quan ngại về bất kỳ điểm nào trong kế hoạch hòa bình của Ukraine.
Về phần mình, Nga cho biết họ sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng Moscow khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ dựa trên “thực tế mới”, nghĩa là công nhận 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập. Đây là điều kiện mà Ukraine sẽ không chấp nhận.
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào lãnh thổ nước Nga. Phản ứng về sự việc này, Ukraine và các nước phương Tây cho biết họ sẽ không công nhận các khu vực này là lãnh thổ của Nga.
Trong khi Ukraine mong muốn các nhà lãnh đạo G7 giúp đưa càng nhiều quốc gia “Nam bán cầu” đến dự “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” do Ukraine đề xuất càng tốt, ông Zhovkva cho hay địa điểm của hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được thảo luận.
Ông Zelenskyy đã tạo ra một “cú hích lớn” trong tháng này nhằm thu hút sự ủng hộ từ các quốc gia ở “phía nam bán cầu”. Vào ngày 19/5, Tổng thống Ukraine đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê Út để hội đàm với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, cũng như các quan chức Iraq và các phái đoàn khác.
Sau đó, ông đã bay tới Nhật Bản để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Indonesia bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Hai quốc gia này đại diện cho những tiếng nói quan trọng ở Nam bán cầu.
Mặc dù Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây trong cuộc chiến chống lại Nga, nhưng nước này lại không nhận được sự ủng hộ tương tự từ các quốc gia ở Nam bán cầu (bao gồm Mỹ Latinh, Châu Phi và phần lớn Châu Á). Đây là nơi mà Nga đã đẩy mạnh các khoản đầu tư về năng lượng và ngoại giao của mình trong những năm qua.
Để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đã cố gắng chuyển doanh số bán năng lượng từ các thị trường châu Âu truyền thống sang châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông.
Lam Giang tổng hợp