Ủy ban bầu cử Thái Lan hôm 12/6 thông báo rằng họ sẽ điều tra xem liệu ứng cử viên Thủ tướng Pita Limjaroenrat, người đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử, có đủ tiêu chuẩn để ra tranh cử hay không. Điều này có thể làm gián đoạn nỗ lực thành lập chính phủ mới của ông.
Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết cuộc điều tra sẽ đánh giá xem liệu liệu ứng viên hàng đầu cho chức Thủ tướng, ông Pita Limjaroenrat, có vi phạm nguyên tắc bầu cử hay không, trong bối cảnh xuất hiện cáo buộc ông giữ 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông ITV Pcl. Luật Thái Lan cấm các ứng viên nghị sĩ giữ cổ phần trong công ty truyền thông.
“Có đầy đủ thông tin và bằng chứng để mở rộng điều tra liệu ông Pita có đủ tiêu chuẩn để tranh cử hay không. Ủy ban bầu cử đã thành lập một ủy ban điều tra để điều tra thêm”, hãng tin AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thái Lan Ittiporn Boonpracong ngày 12/6 cho biết.
Theo Thai PBS, mặc dù ITV đã ngừng hoạt động vào năm 2007, nhưng nhà hoạt động chính trị Ruangkrai Leekitwattana khẳng định tập đoàn này vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực phát thanh và quảng cáo.
Theo ông Ruangkrai, ông Pita được cho là sở hữu 42.000 cổ phiếu của ITV, số cổ phiếu mà ông không tiết lộ trong bản kê khai tài sản năm 2019. ITV được cho là đã kiếm được thu nhập 20 triệu baht (579.165 USD) vào năm ngoái.
Ông Pita, nhà lãnh đạo 42 tuổi của Đảng Tiến bước, sau đó đã thừa nhận quyền thừa kế của người cha quá cố, điều mà ông đã tiết lộ cho văn phòng chống tham nhũng vào năm 2019.
Tuy nhiên, cơ quan bầu cử cho biết họ có đủ lý do để nghi ngờ việc ông Pita đủ tư cách ra tranh cử và có vi phạm pháp luật hay không.
Nếu bị kết luận vi phạm quy tắc bầu cử, lãnh đạo đảng Tiến bước, ông Pita, có thể đối mặt với 10 năm tù và không được phép tranh cử.
Tổng Thư ký của Đảng Tiến bước, ông Chaitawat Tulathon, tuyên bố rằng “Đảng Tiến bước tin tưởng rằng các cáo buộc không có đủ bằng chứng” để gây nguy hiểm cho chiến dịch tranh cử chức Thủ tướng của ông Pita.
Đảng Tiến bước của ông Pita đã chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu hôm 14/5, đánh bại các đảng có liên hệ với quân đội Thái Lan, lực lượng đã cai trị đất nước trong gần một thập kỷ kể từ cuộc đảo chính năm 2014.
Đảng này cũng được tiếp sức bởi làn sóng nhiệt tình của giới trẻ đối với nền tảng tự do và những lời hứa hẹn về những cuộc cải cách lớn, chẳng hạn như phá bỏ các công ty độc quyền và sửa đổi đạo luật chống lại việc chỉ trích chế độ quân chủ.
Phát biểu trước báo giới hôm 14/5, ông Pita nói với các phóng viên rằng chính phủ mới của ông chắc chắn sẽ là “các đảng được quân đội hậu thuẫn và chống độc tài”.
Ông nói thêm: “Có thể chắc chắn rằng chính phủ thiểu số không còn tồn tại ở Thái Lan nữa”.
Trong tuyên bố chiến thắng ngày 15/5, ông Pita đã đề xuất thành lập một liên minh cầm quyền gồm 6 đảng kiểm soát 309 ghế Hạ viện và ông là Thủ tướng. Dù vậy con số này vẫn còn thiếu hơn 60 ghế so với 376 ghế cần thiết để đảm bảo ông Pita đắc cử chức Thủ tướng.
Khi được hỏi về sức ép từ Thượng viện, ông nói rằng tất cả các bên phải tôn trọng kết quả bầu cử và không có ích gì khi phản đối kết quả này.
“Tôi không lo lắng nhưng tôi cũng không bất cẩn”, ông Pita Limjaroenrat nói trong cuộc họp báo.
“Nếu ai đó đang nghĩ đến việc bác bỏ kết quả bầu cử hoặc thành lập một chính phủ thiểu số, thì họ sẽ phải trả một cái giá khá đắt”.
Ông cho biết, ông coi chiến thắng là sự ủy thác của nhân dân để đảng của ông trở thành hạt nhân trong nỗ lực thành lập chính phủ tiếp theo.
Bên cạnh đó, Đảng Tiến bước cũng đã liên hệ với 3 đảng đối lập khác là: Thai Sang Thai, Prachachart và Seri Ruam Thai. Theo ông Pita, Đảng Tiến bước là lực lượng đã đấu tranh gian khổ cho hòa bình ở 3 tỉnh biên giới phía nam. Nếu được thành lập, 6 đảng sẽ có tổng cộng 309 nghị sĩ, đủ để thành lập một chính phủ đa số.
Mặc dù Đảng Tiến bước không chính thức tham gia các cuộc biểu tình của thanh niên năm 2020 nhằm thách thức chính phủ và chế độ quân chủ do quân đội hậu thuẫn, nhưng một số nhà hoạt động từ phong trào đó đã tranh cử với tư cách là ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử hôm 14/5.
Cương lĩnh của đảng này bao gồm việc sửa đổi luật hình sự có điều khoản quy định rằng việc xúc phạm nhà vua có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Trong khi đó, lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất, ông Prayuth Chan-ocha, đã cảnh báo rằng một sự thay đổi chính phủ có thể dẫn đến xung đột.
“Lựa chọn của người dân vào ngày 14/5 sẽ quyết định liệu Thái Lan sẽ tiếp tục tiến bước với sự ổn định và thống nhất như họ đã có trong 8 năm qua hay liệu đất nước này sẽ bị đẩy xuống hố đen của xung đột và binh biến”, ông nói.
Lam Giang tổng hợp