Tài xế taxi sân bay Tân Sơn Nhất dùng thủ thuật để tăng cước gấp 10 lần
Hai tài xế taxi trong sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã lắp công tắc phụ dưới cần số nhằm tác động vào đồng hồ tính tiền, tăng giá cước gấp 10 lần so với quy định.
Ngày 19/6, hai taxi hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) gian lận giá cước khi chở khách, đã bị Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phối hợp đồn công an và an ninh sân bay phát hiện, xử phạt.
Kiểm tra taxi biển số 51F của hãng Saigon Tourist do lái xe Nguyễn Trung Minh điều khiển, lực lượng chức năng phát hiện đồng hồ tính tiền cước trên xe đã bị tháo kẹp chì.
Lái xe đấu nối dây dẫn từ đồng hồ xuống vô lăng có 2 nút bật tắt. Nút thứ nhất nếu bật lên thì đồng hồ sẽ không hoạt động, nút thứ hai nếu bật lên thì sẽ tăng thêm một số 0 trên tổng số tiền hiển thị trên đồng hồ (số tiền tăng gấp 10 lần).
Tổ công tác yêu cầu tài xế chạy quãng đường khoảng 2km từ nhà ga quốc tế sân bay ra đường Trần Quốc Hoàn và trở lại điểm ban đầu, giá cước thực tế là 54.000 đồng, trong khi tác động vào công tắc đồng hồ hiện 540.000 đồng.
Cùng ngày, các lực lượng cũng kiểm tra xe 60E-007.34 của hãng taxi Saigon Cheap (Cheap Taxi) của Công ty cổ phần Tập đoàn vận tải Saigon chi nhánh Bình Thuận, do lái xe Trần Quốc Tiến điều khiển.
Qua kiểm tra, xe có 1 công tắc phụ nằm dưới cần số lái xe gắn liền với đồng hồ tính tiền.
Mỗi lần vào số hoặc trả số, giá cước tăng lên 3.000 đồng/lần. Xe chạy từ ga quốc tế ra đường Trần Quốc Hoàn và trở lại, khi tác động vào công tắc đồng hồ hiện 420.000 đồng.
Thanh tra Sở đã lập biên bản xử phạt mỗi xe 11,7 triệu đồng, tước phù hiệu taxi hai tháng.
Sân bay Tân Sơn Nhất có lượng khách đông, nhu cầu di chuyển bằng taxi, xe công nghệ rất cao. Trước đây, nhiều hành khách đặc biệt là khách du lịch từng phản ánh bị “chặt chém” giá cước taxi sân bay.
Minh Long
Tin ứng dụng kiếm tiền online, đầu tư vé phim trên app, nhiều người mất bạc tỷ
Thời gian gần đây, tại tỉnh Bình Phước đã xảy ra hàng chục trường hợp tin tưởng vào những lời mời gọi kiếm tiền online, làm việc tại nhà lương cao nên đã sập bẫy lừa, có người mất tới hơn 2 tỷ đồng.
Mới đây, truyền thông trong nước đưa tin Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước ngày 4/6 đã tiếp nhận đơn trình báo của anh K.T.T. (SN 1994, trú xã Long Bình, huyện Phú Riềng) về việc bị lừa mất hàng tỷ đồng khi được mời gọi đầu tư vé phim trên app Disneys.
Theo đơn trình báo, khoảng tháng 1/2023, anh T. làm quen và kết bạn với tài khoản Facebook có tên Huyền Trang. Giữa hai bên nhắn tin qua lại một thời gian thì Huyền Trang đề nghị anh T. đầu tư vé phim trên app Disneys với lợi nhuận cao, anh T. đồng ý.
Qua tư vấn của Huyền Trang, anh T. thấy cũng hợp lý, anh tải app Disney, đăng ký tài khoản và thử đầu tư vài trăm ngàn đồng vào vé phim thì thấy có lợi nhuận, tiền gốc và lợi nhuận đầu tư vé phim được chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh. Thấy vậy, anh T. tin tưởng và mạnh dạn tiếp tục đầu tư 122,5 triệu đồng vào tài khoản Huyền Trang để đặt mua 90 vé phim.
Anh T. được nhân viên chăm sóc khách hàng thông báo vé phim VIP1 sẽ có lợi nhuận 10% và yêu cầu anh chuyển tiếp hơn 127 triệu đồng để xử lý vé phim VIP1. Nghe vậy, anh T. đã chuyển khoản theo yêu cầu. Anh tiếp tục nhận thông báo anh được tặng vé phim VIP2 với lợi nhuận 20% và yêu cầu chuyển tiếp hơn 652 triệu đồng để xử lý vé phim VIP2. Tiếp đó, nghi phạm lại thông báo cho anh là được tặng vé phim VIP3 lợi nhuận 30% và yêu cầu nạp thêm hơn 1,9 tỷ đồng để xử lý vé phim VIP3, anh T. đồng ý.
Sau khi anh T. chuyển cho nghi phạm với tổng số tiền hơn 2,87 tỷ đồng để đầu tư đặt mua 90 vé phim, nhận thấy đã có lãi nên anh T. muốn rút tiền thì được hệ thống trên app thông báo phải đóng thuế 35%. Anh T. tiếp tục chuyển hơn 1,3 tỉ đồng tiền thuế thì lại được yêu cầu đóng thêm 40% khoản phí sử dụng kênh rút tiền là hơn 2,3 tỷ đồng.
Sau nhiều lần bị yêu cầu chuyển tiền mà đến khi muốn rút lại không rút được, anh T. nghi bị lừa nên đã tố cáo hành vi lừa đảo của nhóm Huyền Trang đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh. Vụ việc hiện đang được cơ quan công an thụ lý.
Một trường hợp bị lừa khác là chị H.T.H. (SN 1988, trú phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Khoảng tháng 3/2023, do đang thất nghiệp nên chị lên mạng tìm việc làm. Chị được một công ty môi giới giới thiệu làm nhập liệu trên ứng dụng và được hướng dẫn kết bạn Zalo với nhân viên hỗ trợ tên Cúc.
Sau đó, nhân viên hỗ trợ giới thiệu chị H. tải ứng dụng (app) Kdata và đăng ký tạo tài khoản, rồi kết bạn Zalo với trợ lý của ứng dụng Kdata tên Trường. Trường hướng dẫn chị cần nạp tiền vào số tài khoản của hệ thống thì mới được tạo đơn hàng và nhập liệu theo lệnh của “thầy” hướng dẫn tên Vũ; làm xong thì chờ lệnh của thầy rồi rút tiền về tài khoản ngân hàng đã liên kết trên app.
Làm theo lời “thầy” Vũ hướng dẫn, chị H. đã thử thực hiện với số tiền nhỏ vài trăm ngàn đồng. Sau khi đầu tư vào thì tôi được rút cả gốc và lãi về tài khoản ngân hàng của mình. Thấy sự việc đúng như tư vấn ban đầu, tin tưởng, chị H. tiếp tục nộp tiền để tạo đơn hàng.
Cứ thế, số tiền nộp để thực hiện nhiệm vụ tạo đơn hàng của chị càng lúc càng lớn, từ vài triệu đồng/lần lên đến hơn 300 triệu đồng/lần.
Chị H. kể lại trong nước mắt, khi nộp số tiền tạo đơn hàng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng thì những nghi phạm này luôn lấy lý do là sai cú pháp thực hiện đơn, phải đóng thuế thu nhập cá nhân, phải tạo thêm đơn… thì mới được rút tiền gốc và lãi.
Chị H. trong tâm trạng rất nóng lòng muốn lấy lại tiền gốc, còn “thầy” Vũ thì cố tình dẫn dắt nói chị sắp hoàn thành nhiệm vụ và sẽ được tất toán toàn bộ tiền gốc lẫn lãi. Vì cố lấy lại tiền đã nộp nên chị H. chuyển khoản tiếp 8 lần nữa với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng vào nhiều tài khoản khác nhau và đã mất hết. Chị nói: “Hiện tiền trong nhà không còn, nợ nần khắp nơi, đau xót lắm!”.
Tương tự, khoảng tháng 2/2023, chị N.T.T (SN 1983, trú xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) cũng bị lừa với thủ đoạn như chị H. Sau khi chị tải ứng dụng Kdata về điện thoại để tham gia nhập liệu, lúc đầu, chị tham gia nhập liệu 300 nghìn đồng với lợi nhuận 30%. Sau khi làm nhiệm vụ theo yêu cầu, chị đã được trả vào tài khoản ngân hàng cả gốc lẫn lãi 400 nghìn đồng. Chị tiếp tục chuyển tiền để tham gia nhập liệu với số tiền từ 1 triệu đồng/lần, rồi lên đến 500 triệu đồng/lần.
Chị T. ngân ngấn nước mắt cho biết khi số tiền chị đã nộp lên đến 800 triệu đồng mà không rút được, chị thắc mắc thì được người tư vấn trả lời với lý do như phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nạp tiền sai cú pháp, phí luân chuyển đơn vị tiền, thẻ hội viên bị thiếu điểm, bị thanh tra tài vụ, thanh tra tài khoản… lại tiếp tục yêu cầu chị chuyển tiền. Đến khi số tiền nộp lên đến gần 2 tỷ đồng, chị mới giật mình, biết mình đã bị lừa, giờ mắc nợ không biết lấy gì trả.
Theo lãnh đạo phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho hay trong thời gian qua, đơn vị đã ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ với các nghi phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao và hậu quả, hệ lụy, để người dân không bị lừa đảo.
Thủ đoạn mà đối tượng này thường sử dụng là câu nhử bằng cách đánh vào tâm lý, nhu cầu tìm việc làm của người dân. Họ đăng tuyển người làm việc online tại nhà thu nhập từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/ngày.
Ban đầu, người chơi nộp tiền ít, họ sẽ trả gốc và lãi đầy đủ để nhử. Đến khi tạo được lòng tin, người chơi nộp số tiền lớn thì họ viện nhiều lý do dẫn dụ để yêu cầu người chơi nộp thêm tiền. Còn nạn nhân cố muốn lấy lại số tiền đã nộp nên cứ làm theo yêu cầu của các nghi phạm nhưng càng nộp càng mất luôn tiền.
Qua các vụ việc nêu trên, để tránh bị lừa đảo, cơ quan công an cảnh báo người dân hãy nâng cao cảnh giác, không tin vào hình thức kiếm tiền bằng app online.
Ngọc Mai
Cựu lãnh đạo đội tuyển cờ tướng Việt Nam bị khởi tố
Ông Tô Quốc Khanh, cựu lãnh đạo đội tuyển cờ tướng Việt Nam bị khởi tố với cáo buộc cá độ bóng đá qua mạng.
Ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Tô Quốc Khanh (SN 1973, trú phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) về tội Đánh bạc, quy định tại Khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Ông Khanh là chuyên viên phụ trách bộ môn cờ tướng Tổng cục Thể dục thể thao, đồng thời là lãnh đạo đội tuyển cờ tướng Việt Nam dự SEA Games 32.
Ngày 28/4 vừa qua, ông Khanh đã bị cách chức lãnh đội cờ tướng Việt Nam dự SEA Games 32 sau lùm xùm liên quan đến bản danh sách nhiều bất thường của tuyển cờ tướng Việt Nam chuẩn bị tham dự SEA Games 32.
Cụ thể, danh sách tuyển cờ tướng Việt Nam gây tranh cãi khi nhiều kỳ thủ tên tuổi, đang có phong độ tốt đều bị gạch tên. Đồng thời, thành phần ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam cũng gây phản ứng bởi nhiều người không được Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam giới thiệu.
Cùng tội danh trên, Công an quận Tây Hồ cũng khởi tố bị can với Nguyễn Văn Thi (SN 1972, phường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1969, trú phường Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ông Khanh được Công an quận Tây Hồ cho tại ngoại, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, ngày 24/5, ông Thi và ông Anh bị bắt giữ về hành vi Đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua không gian mạng. Tại cơ quan điều tra, ông Thi khai nhận ngoài đánh bạc với ông Anh, ông Thi còn cấp cho ông Khanh một tài khoản cá độ bóng đá để ông Khanh đánh bạc.
Sau khi thấy đồng phạm bị bắt, ông Khanh đã đến Công an quận Tây Hồ đầu thú, thừa nhận hành vi.
Phạm Toàn
Vụ Thuduc House: Cựu Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM bị đề nghị 4-5 năm tù
Trong vụ Thuduc House, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh gây thiệt hại 331 tỷ đồng. Kiểm sát viên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hạnh từ 4-5 năm tù, trong khi theo tội danh bị truy tố có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Ngày 19/6, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 67 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế TP.HCM và các đơn vị khác.
Theo đó, kiểm soát viên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí”.
Trong khi đó, cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố bị cáo Hạnh theo Khoản 3, Điều 219 Bộ Luật Hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí” có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Tại tòa, các đồng phạm là thuộc cấp của bị cáo Hạnh bị đề nghị mức án từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Đối với nhóm cựu lãnh đạo Thuduc House, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (cựu Tổng giám đốc Thuduc House) và Ngọc Trường Chinh (cựu Phó Tổng giám đốc Thuduc House) cùng từ 5-6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3-4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về tội “Nhận hối lộ”, các bị cáo Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 3) bị đề nghị từ 12-13 năm tù; bị cáo Đào Thị Nga (nguyên cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 1) từ 5-6 năm tù và bị cáo Ngô Huỳnh Lũy (nguyên cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 5) từ 3-4 năm tù.
7 bị cáo là cựu cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Hải quan TP.HCM) gồm: Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Nguyễn Lê Hùng bị đề nghị từ 2 – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Bùi Hữu Trên từ 18 tháng đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2020, Trịnh Tiến Dũng (đang bỏ trốn) đã chỉ đạo đồng phạm chiếm đoạt tiền hoàn thuế thông qua các hợp đồng giả mạo giữa các công ty trong và ngoài nước do nhóm mình điều hành. Dũng và đồng phạm đã móc nối với nhiều người tại Thuduc House ký hàng trăm hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài để bán linh kiện điện tử cho các đối tác.
Tổng giá trị các lô hàng xuất khẩu hơn 158 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng).
Để hợp thức hóa hồ sơ đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử lòng vòng với nhiều công ty trong nước do nhóm Dũng chỉ định, tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Thực tế đây là hàng giả.
Dũng và đồng phạm đã nâng khống giá trị các hàng hóa này lên gần 400 lần để lợi dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất 0%, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Thuduc House sau đó lập 19 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP.HCM đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 430 tỷ đồng. Cục Thuế TP.HCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế hơn 365 tỷ đồng cho công ty này.
Trong đó, bà Hạnh đã chỉ đạo ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019) trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro quản lý thuế.
Bà Hạnh đã yêu cầu các bộ phận giải quyết hoàn thuế cho Thuduc House gây thất thoát cho Nhà nước 331 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Tổng thống Hàn Quốc sắp thăm Việt Nam
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chuyến thăm nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc dự kiến diễn ra ngày 22-24/6, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Yoon Suk Yeol trên cương vị tổng thống kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2022.
Trước đó vào đầu năm nay, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (12-18/1); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Choo Kyung Ho cũng có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10/3.
Về phía Việt Nam, trong tháng 3 và tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lần lượt có các chuyến thăm Hàn Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đang duy trì cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao – an ninh – quốc phòng cấp thứ trưởng, đối thoại an ninh Việt – Hàn cấp thứ trưởng và đối thoại quốc phòng Việt – Hàn cấp thứ trưởng.
Hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự vào năm 2014, biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh năm 2016, tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030.
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành “Đối tác hợp tác chiến lược” vào tháng 10/2009. Hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 12/2022.
Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại.
Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 9.500 dự án đầu tư còn hiệu lực, với gần 82 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc hỗ trợ 1,2 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) giai đoạn 2012-2015, hai bên đã gia hạn Hiệp định tín dụng khung Việt Nam – Hàn Quốc giai đoạn 2016-2020 quy mô 1,5 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021.
Những năm gần đây, Hàn Quốc là thị trường cung cấp khách du lịch lớn thứ hai của Việt Nam. Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam – Hàn Quốc.
Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550.000 lượt người, tăng 21,9%. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 giảm do tác động của dịch COVID-19 song tăng trở lại từ đầu năm 2022.
Hàn Quốc cũng là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là nước phái cử lao động lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Việt Nam hiện có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 1, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc là hơn 206.000 người.
Minh Long