Trước chuyến thăm Trung Quốc kéo dài gần một tuần của Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca tụng New Zealand là “tấm gương” cho các quốc gia phương Tây khác.
Ông Hipkins đã đến Bắc Kinh vào rạng sáng ngày 26/06, dẫn đầu một phái đoàn thương mại gồm 29 thành viên với hy vọng khơi lại các cơ hội thương mại Trung Quốc – New Zealand, bao gồm cả du lịch và giáo dục, để kéo New Zealand thoát khỏi suy thoái càng sớm càng tốt.
Trước khi ông hạ cánh, Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã đăng một bài viết ca ngợi mối quan hệ “ổn định” mà New Zealand dành cho Trung Quốc, bất chấp bối cảnh địa chính trị đang thay đổi trong những năm gần đây. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây khác đang tăng cường chỉ trích sự xâm lược kinh tế và quân sự cũng như các hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng hung hăng của Bắc Kinh.
Thời báo Hoàn cầu cũng gợi ý các quốc gia phương Tây coi chính sách ngoại giao “chủ động” của New Zealand đối với Bắc Kinh như một “bài học tham khảo”.
Bài đánh giá đầy tính tích cực của ĐCSTQ về New Zealand được phát hành sau khi ông Hipkins không đồng ý với việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là “nhà độc tài”.
“Không”, ông Hipkins đã nói như vậy với một phóng viên khi được hỏi liệu ông có đồng ý với lời nhận xét của ông Biden hay không. Thủ tướng New Zealand cũng nói thêm rằng “hình thức chính quyền của Trung Quốc là việc của người dân Trung Quốc”.
Khi được hỏi liệu ông có biết rằng Bắc Kinh muốn các quốc gia như Úc và Hoa Kỳ có cách tiếp cận tương tự đối với ĐCSTQ như New Zealand hay không, ông Hipkins đã từ chối trả lời.
“Tôi không có quyền bình luận về các mối quan hệ ngoại giao của nước khác”, ông nói với giới truyền thông ở Bắc Kinh vào ngày 26/06.
New Zealand níu kéo nền kinh tế Trung Quốc
Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa hai nước là tăng cường quan hệ thương mại của Wellington với Bắc Kinh khi New Zealand đang oằn mình dưới áp lực của lạm phát và lãi suất cao.
“Có lẽ [thông điệp] quan trọng nhất đó là, mối quan hệ New Zealand – Trung Quốc rất quan trọng về mặt kinh tế đối với New Zealand”, ông Hipkins nói.
“Chúng tôi cũng sẽ đặt mục tiêu tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ để ở những lĩnh vực mà chúng tôi bất đồng quan điểm, chúng tôi có thể có các cuộc đối thoại cởi mở về những vấn đề đó và chúng tôi có thể truyền đạt những điều đó đến cả hai bên”.
Ông Hipkins cho biết các lĩnh vực bất đồng bao gồm lập trường lâu dài của New Zealand về nhân quyền và sự phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Năm nay đánh dấu 50 năm New Zealand và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, ông Hipkins cho biết đây là mối quan hệ mà Wellington coi trọng.
“Đây là điều mà chúng tôi đánh giá cao; đây là điều mà chúng tôi dồn năng lượng và nỗ lực vào vì chúng tôi thấy nó mang lại lợi ích cho cả hai bên”, ông nói.
Vào năm 2022, xuất khẩu của New Zealand sang Trung Quốc trị giá 21 tỷ đô-la (13 tỷ USD), chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Hipkins muốn rằng chuyến đi của ông sang Trung Quốc thể hiện rằng New Zealand đang “mở cửa cho các hoạt động kinh doanh”. Ông nói: “Chúng tôi có một thông điệp với tư cách là một quốc gia – một thông điệp mà chúng tôi đang mang đến đây cho Trung Quốc, đó là New Zealand luôn mở cửa cho các hoạt động kinh doanh”.
“Chúng tôi muốn thấy các chuyến đi từ Trung Quốc đến New Zealand thực sự tăng trở lại, cho dù đó là sinh viên quốc tế, cho dù đó là khách du lịch, cho dù đó là quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp”.
Ông Hipkins bị chỉ trích ở quê nhà
Trong khi đó, ở quê nhà, ông Hipkins đang bị chỉ trích vì sử dụng 2 chiếc máy bay trong chuyến đi của mình, trong đó 1 chiếc đóng vai trò dự phòng trong trường hợp hỏng hóc.
Thủ tướng cho biết chiếc máy bay thứ hai đã không đi hết quãng đường đến Bắc Kinh và thay vào đó đang đậu ở Manila (Philippines).
Máy bay của thủ tướng, một chiếc Boeing 757 của Không quân Hoàng gia New Zealand, từng bị hỏng.
Cựu Thủ tướng Jacinda Ardern cũng đã gặp trục trặc trong một số chuyến đi do máy bay của bà bị hỏng, bao gồm chuyến thăm Nam Cực vào tháng 10/2022, Tòa Bạch Ốc vào tháng 05/2022 và Úc vào năm 2019.
Lãnh đạo Đảng Quốc gia Christopher Luxon đã chỉ trích động thái này vì nó làm tăng thêm lượng khí thải khi quốc gia này đang hướng tới Net Zero vào năm 2050. Ông nói với NewstalkZB: “Nếu chúng ta gặp tình trạng khẩn cấp về khí hậu, sẽ không có ý nghĩa gì nếu có một chiếc 757 đã 30 tuổi thứ hai theo sau chiếc kia”.
Lãnh đạo Đảng ACT David Seymour thì cho biết việc các máy bay của lực lượng quốc phòng New Zealand quá cũ kỹ khiến thủ tướng cần một chiếc dự phòng là nguyên nhân khiến quốc gia mất mặt.
“Vấn đề là chính phủ đang thiếu đầu tư vào quốc phòng. Hiện tại, thật may mắn là máy bay của chúng ta có thể cất cánh thành công khỏi đường băng, chứ chưa nói đến việc bảo vệ chính mình, các đồng minh và các giá trị của chúng ta trong môi trường chiến lược ngày càng biến động hiện nay”.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch