Đánh tử vong bé 17 tháng tuổi, bảo mẫu lãnh án chung thân
Trong quá trình trông coi cháu Đ., thấy bé trai này quấy khóc nên 2 nữ bảo mẫu An và Lành đã bạo hành cháu bé dã man khiến nạn nhân tử vong.
Sáng 25/8, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo Nguyễn Thị An (SN 1993) và Nguyễn Thị Lành (SN 1992, cùng ở Phú Xuyên, Hà Nội) về tội “Giết người”.
Đây là hai “bảo mẫu” đã có hành vi bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tại cơ sở trông trẻ trái phép ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) dẫn đến tử vong.
Sau nửa ngày xét xử, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị An tù chung thân, Nguyễn Thị Lành 20 năm tù. Về dân sự, tòa ghi nhận việc họ thỏa thuận bồi thường 500 triệu đồng với gia đình nạn nhân.
Trong lời nói sau cùng, hai bảo mẫu nói lời xin lỗi với gia đình bé trai 17 tháng tuổi, mong được giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành là những người không có bằng cấp chuyên môn về sư phạm.
Khoảng tháng 11/2022, An và Lành rủ nhau cùng đứng ra mở lớp nhận trông giữ trẻ em để lấy tiền.
Cả hai đã thuê nhà của một người dân xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín để làm địa điểm nhận trông giữ trẻ. An và Lành thu tiền là 1.350.000 đồng/1 cháu, gồm tiền ăn và tiền công trông giữ trẻ.
Khoảng giữa tháng 2/2023, do bận đi làm nên chị Phùng Thị T (trú tại xã Vạn Điển) đã gửi con trai là cháu P.T.Đ (SN 2021) tại cơ sở trông giữ trẻ của An và Lành.
7h30 ngày 23/2, chị T đưa con đến gửi thì được An ra đón và đưa vào trong lớp. Đến khoảng 9h30 cùng ngày, An và Lành đưa các cháu vào phòng ngủ để quản lý thì cháu Đ. bỏ chạy ra ngoài, đứng ở cửa và khóc. Bực tức, Lành và An liên tục thực hiện hành vi bạo hành dã man đối với cháu Đ.
Đến khoảng 16h30 cùng ngày, chị T đến đón con thì thấy hai bên tai của con bị bầm tím, tuy nhiên Lành nói dối do Đ. chơi và bị ngã vào rổ đồ chơi. Do tin vào lời nói của Lành nên chị T đưa con về nhà và đến tối ngày 23/2, cháu Đ. có hiện tượng nôn, trớ.
Trong các ngày từ 24 – 26/2, vợ chồng chị T tiếp tục đưa con đến gửi tại cơ sở trông giữ của An và Lành. Do An thấy cháu Đ. quấy khóc nên tiếp tục có hành vi bạo hành khiến cháu bé bất tỉnh.
Nhận được tin, gia đình vội vàng đưa cháu bé đến Trạm Y tế xã Vạn Điểm sơ cứu, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp I và Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
Đến 16h15 ngày 2/3/2023, cháu Đ. tử vong tại nhà vì suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục do chấn thương sọ não nặng.
Minh Long
Vụ Việt Á: Cựu giám đốc CDC Đà Nẵng bị phạt 11 năm tù
Trong vụ Việt Á, bị cáo Tôn Thất Thạnh và các thuộc cấp tại CDC Đà Nẵng tham ô hơn 5,2 tỷ đồng.
Ngày 25/8, TAND TP. Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Tôn Thất Thạnh (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng), Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) và Lê Thị Kim Chi (37 tuổi, cựu nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) về tội “Tham ô tài sản”.
HĐXX TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Tôn Thất Thạnh mức án 11 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 10 năm tù và bị cáo Lê Thị Kim Chi 5 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Theo cáo trạng, trong năm 2020 – 2021, CDC Đà Nẵng ký kết 16 hợp đồng mua sắm với Công ty Việt Á, tổng cộng 81.350 kit tách chiết thủ công và 410.000 kit tách chiết tự động.
Ngoài việc ký kết hợp đồng mua kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á, CDC Đà Nẵng còn nhận được tài trợ của các đơn vị khác.
Quá trình pha chế, sử dụng các loại hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn phát hiện có dư ra một số lượng nhất định.
Bị cáo Nhàn báo cho bị cáo Thạnh biết và xin không báo cáo số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư dư ra trên hệ thống sổ sách mà bán cho Công ty Việt Á để lấy tiền sử dụng cá nhân và được ông Thạnh thống nhất.
Số lượng hóa chất, sinh phẩm dôi dư để ngoài sổ sách của đơn vị, Nhàn và Chi giao bán lại cho Công ty Việt Á.
Từ 30/1/2021 đến 6/4/2022, tổng số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế mà Tôn Thất Thạnh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Lê Thị Kim Chi chiếm đoạt của TCDC Đà Nẵng, gồm: 21.000 kit tách chiết tự động nhãn hiệu iVAaDNA/RNA Extraction kit aM; 10.000 kit tách chiết thủ công nhãn hiệu iVAaRNA Extraction kit P; 18.050 tube rỗng 1,5 ml, nằm trong bộ sinh phẩm tách chiết thủ công của Công ty Việt Á; 19.000 tube rỗng 1,5 ml của hãng SPL Hàn Quốc; 37.500 tube rỗng 1,5 ml của hãng QSP Mỹ; 2.400 kit xét nghiệm PCR COVID-19 nhãn hiệu LightPower IVASARS-CoV-2; 7.584 kit Standard TM M nCoV Real-Time Detection.
Tổng giá trị tài sản các bị cáo đã chiếm đoạt của CDC Đà Nẵng hơn 5,2 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ số lượng kit, sinh phẩm đang lưu giữ trong kho tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. Như vậy, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho CDC Đà Nẵng là hơn 4,5 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Đồng Nai: Giám đốc phòng khám bị khởi tố vì liên quan trục lợi BHXH
Một phòng khám đa khoa tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã làm giả chữ ký của bác sĩ để bán khống hàng nghìn giấy nghỉ việc nhằm hưởng bảo hiểm xã hội.
Ngày 25/8, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Hồ Hoàng Phúc (SN 1994, ngụ ấp 2, xã Long An) – Giám đốc Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm (địa chỉ tại xã Long Phước, huyện Long Thành) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Trước đó, sau khi nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về việc người lao động được cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH chưa phù hợp, tháng 6/2022, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã kiểm tra, xác định nơi cấp giấy nghỉ việc là Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm.
Kiểm tra phòng khám, Thanh tra Sở Y tế phát hiện trong phòng khám có lưu nhiều giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH ghi tên nhiều bác sĩ nhưng chưa ký tên.
Sở Y tế đã yêu cầu phòng khám ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm, đồng thời, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Liên quan việc trục lợi bảo hiểm xã hội, hôm 30/5, Công an TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đồng loạt khám xét 8 địa điểm của 6 phòng khám, thu giữ các giấy tờ, tài liệu và máy móc liên quan..
Trong quá trình khám xét, công an đã thu giữ hàng trăm nghìn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe (đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám) và nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại các phòng khám.
Công an TP. Biên Hòa đã triệu tập hơn 30 người liên quan việc làm các giấy tờ giả để xác minh.
Bước đầu, công an xác định ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân hàng ngày, các phòng khám còn mua bán, làm “khống” các loại giấy tờ như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty.
Các phòng khám ngoài việc mua bán các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH còn lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế.
Công an TP. Biên Hòa đã khởi tố 19 bị can, trong đó có 5 bác sĩ của các phòng khám nói trên.
Bảo Khánh
Phó chủ tịch tỉnh An Giang bị bắt vì nhận hối lộ
Ông Trần Anh Thư bị cáo buộc nhận 1,2 tỷ đồng để giúp công ty Công ty Trung Hậu – Tổng 68 khai thác cát trái phép.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, xảy ra tại Công ty Trung Hậu – Tổng 68, Sở TN-MT tỉnh An Giang và các đơn vị có liên quan.
Bước đầu, C03 xác định ông Trần Anh Thư đã chỉ đạo bị can Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ Công ty Trung Hậu – Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những vi phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang).
C03 xác định ông Trần Anh Thư đã nhận 1,2 tỷ đồng từ ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu – Tổng 68.
Trước đó, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam 18 bị can về 5 nhóm tội danh.
Trong đó, các bị can Lê Quang Bình, Võ Truyền Thống (Phó tổng giám đốc Công ty Trung Hậu – Tổng 68) và Nguyễn Tấn Lịnh (Giám đốc điều hành mỏ Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68) bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và “Đưa hối lộ”.
Ngoài ra, 6 người khác là nhân viên, lãnh đạo công ty này cũng bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, bị khởi tố tội “nhận hối lộ”; Từ Quảng Xuân, Giám đốc Công ty Phước Xuyên, bị khởi tố tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
6 cán bộ Sở TN-MT tỉnh An Giang và một người khác tại Công ty Nam Khang bị khởi tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,53 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình.
Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, ông Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác hơn 4,78 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép hơn 3,2 triệu m3, có giá trị tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Số lượng cát được khai thác trên không được ghi vào sổ sách và không được nộp nghĩa vụ tài chính.
Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép trên, ông Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống nhằm hợp thức nguồn gốc cát.
Số tiền thu được, ông Bình chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí.
Phạm Toàn