Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) dao động từ 35-55 triệu m3/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam) đã công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho ĐBSCL.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của WWF Việt Nam, cho biết đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn đồng bằng và được khởi động từ tháng 3/2022, gồm các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu trên hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu để ước tính trữ lượng cát hiện có ở ĐBSCL với tầm nhìn 2030-2040.
Ngân hàng cát được xây dựng dựa trên bốn yếu tố gồm lượng cát đổ về ĐBSCL, lượng cát đổ ra biển, lượng cát khai thác trong đồng bằng và trữ lượng cát hiện có ở đáy sông.
Theo ông Anh, để tính được trữ lượng cát, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đo khoảng 550km dọc sông Tiền và sông Hậu bằng kỹ thuật đo địa chấn tầng nông, lấy mẫu trầm tích bề mặt đáy sông, dữ liệu địa hình đáy sông, dữ liệu lỗ khoan địa chất do các địa phương cung cấp để kiểm tra độ tin cậy của tính toán.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, đầu nguồn sông Tiền và sông Cổ Chiên có trữ lượng cát cao nhất, tiếp theo là sông Hậu. Trữ lượng cát thấp ở hạ nguồn sông Mekong và sông Hàm Luông.
Tổng trữ lượng cát đo được ước tính khoảng 367-550 triệu m3, đây là lượng cát được tích lũy từ hàng trăm năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng.
Ông Anh cũng cho rằng số liệu đo đạc lượng cát ở ĐBSCL là ước tính dựa trên lớp cát di động, chứ không phải khảo sát trữ lượng cát ở các mỏ.
Kết quả sát năm 2022 cũng cho thấy, lượng cát đổ về đồng bằng đã giảm xuống còn 2-4 triệu m3/năm, phần lớn cát bị giữ lại bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở ĐBSCL dao động từ 35-55 triệu m3/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.
Theo nhóm nghiên cứu của WWF Việt Nam, do hạn chế về nguồn lực để thực hiện khoan địa chất dọc theo lòng sông chính nên ước lượng trữ lượng cát của dự án này tập trung vào trữ lượng của lớp cát di động trên toàn bộ lòng chính của sông Tiền và sông Hậu.
Đây là toàn bộ cát có ở bề mặt đáy sông được vận chuyển từ thượng nguồn trong thời gian hàng trăm năm và không có nghĩa là tất cả lượng cát này để khai thác bởi có những khu vực độ dày tầng cát di động có thể tới 5m (có thể khai thác) nhưng có những khu vực chỉ 10-20cm (không thể khai thác).
Trước đó, Bộ TN-MT công bố trữ lượng cát ở ĐBSCL là 120 triệu m3, đủ phục vụ nhu cầu cho các dự án trọng điểm đang triển khai trong vùng.
Lý giải nguyên nhân có sự khác nhau về số liệu trữ lượng cát công bố, nhóm nghiên cứu của WWF cho rằng do mục đích và quy mô tính toán trữ lượng cát khác nhau.
“Chúng tôi mong muốn hợp tác với Chính phủ và các bên liên quan để tăng cường giám sát dòng cát di chuyển trên toàn vùng đồng bằng nhằm cung cấp dữ liệu chính xác hơn, điều này rất quan trọng trong việc ra các quyết định về quản lý, khai thác phục hồi hiện nay và trong tương lai” đại diện WWF Việt Nam nói.
Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt, WWF châu Á-Thái Bình Dương, nhận định giá trị của cát không chỉ nằm ở giá khai thác và vận chuyển, mà còn phải tính đến những chi phí đánh đổi khi chúng ta lấy cát ra khỏi sông, mà cái giá lớn nhất có thể là sự biến mất hoàn toàn của ĐBSCL vào cuối thế kỷ này nếu không có những hành động cấp thiết.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng với nhu cầu phát triển cấp bách hiện nay, việc ngừng khai thác cát ngay lập tức là không thể, nhưng ngân hàng cát giúp chúng ta biết rằng, cát không phải là vô tận, việc khai thác tận thu vì lợi ích kinh tế trước mắt sẽ đem lại những hệ lụy to lớn hơn gấp nhiều lần. Với những kết quả này, chúng ta cần có một chiến lược sử dụng hiệu quả để bảo toàn phần lớn lượng cát còn lại nhằm duy trì một đồng bằng ổn định và bền vững” ông Marc Goichot nói.
Cũng theo kết quả khảo sát của WWF Việt Nam, đến cuối năm 2022, toàn khu vực ĐBSCL có đến 596 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 582km và 48 vị trí sạt lở bờ biển với hơn 221km, cùng với đó là 99 điểm sạt lở được phân loại đặc biệt nguy hiểm.
Tình trạng sạt lở đã và đang hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân vùng, đe dọa trực tiếp hệ sinh thái, môi trường tự nhiên.
Minh Long
Chính phủ cần vay 604.380 tỷ đồng bù bội chi, trả nợ gốc năm 2023
Bội chi ngân sách năm 2023 ước tính hơn 402.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,4 tỷ USD). Mức bội chi này ước bằng 4% GDP, thấp hơn mức Bộ Tài chính dự toán 0,42 điểm phần trăm.
Chính phủ vừa gửi báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình nợ công năm 2023, dự kiến năm 2024 và sơ kết 3 năm kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo, những khó khăn từ các thị trường bất động sản, ngân hàng đã tác động không thuận lợi tới cân đối ngân sách nhà nước. Xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài – những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế – chững lại hoặc giảm sút so với cùng kỳ 2022.
Năm 2023, ước thu cân đối ngân sách đạt dự toán là hơn 1,62 triệu tỷ đồng; bội chi ở mức 4% GDP. Nếu tính theo quy mô GDP năm 2022 là 409 tỷ USD thì mức bội chi năm 2023 khoảng hơn 402.000 tỷ đồng (tương đương gần 16,4 tỷ USD).
Tỷ lệ bội chi/GDP năm 2023 thấp hơn 0,42 điểm phầm trăm so với dự toán Bộ Tài chính đưa ra hồi đầu năm (4,42% GDP), song tăng thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm so với năm 2022. So với giai đoạn dịch COVID-19, từ 2020 trở lại đây, tỷ lệ bội chi đều dưới 4% GDP.
Năm 2023, Quốc hội phê chuẩn tổng mức vay của ngân sách trung ương là 621.015 tỷ đồng, trong đó vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng (bằng 4,18% GDP), vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương là 190.515 tỷ đồng.
Trên cơ sở này, tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết dự kiến vay 604.379 tỷ đồng, tương đương 93,8% kế hoạch. Trong đó, hơn 90% nguồn bù đắp bội chi (khoảng 547.085 tỷ đồng) từ vay trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ, còn lại là vay nước ngoài (vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ). Kỳ hạn trái phiếu hiện tăng 1-3 năm so với trước, bình quân 12,6 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,7-4%/năm, tăng 0,22-0,52 điểm phần trăm so với năm 2022 (3,48%/năm).
Theo báo cáo, tổng trả nợ của Chính phủ năm 2023 ước đạt 311.537 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp ước đạt 279.742 tỷ đồng, bằng 95,3% dự toán; trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước đạt 31.795 tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch.
Chính phủ dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2023 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định. Đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 39-40% GDP; nợ Chính phủ khoảng 36-37% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 37-38%.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 20-21% tổng thu ngân sách; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 7-8% kim ngạch xuất khẩu.
Chính phủ dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 khoảng 6-6,5%. Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1.650 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,6% GDP, nhu cầu vay, trả nợ để triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Với ngân sách địa phương, tổng số vay trong năm khoảng 15.920 tỷ đồng (giảm 11.278 tỷ đồng so với mức vay Quốc hội duyệt là 27.198 tỷ đồng). Các địa phương phải trả nợ gốc khoảng 2.648 tỷ đồng (giảm 156 tỷ đồng so với mức 2.804 tỷ đồng theo dự toán của Quốc hội).
Với số liệu vay, trả nợ nói trên, dự kiến bội chi ngân sách địa phương năm 2023 khoảng 13.271 tỷ đồng, giảm 11.729 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội.
Nguyễn Minh