“Chấm dứt hoạt động quân sự là giải pháp tốt nhất cho Ukraine,” tân Thủ tướng Slovakia Fico giải thích quyết định “không tiếp tục cung cấp vũ khí” nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.
Quãng thời gian vận động tranh cử, ông Robert Fico đã nói tới điều này rồi, và hôm Thứ Năm (26/10) ông Thủ tướng chỉ sau một ngày nhậm chức đã chính thức tuyên bố Slovakia sẽ “không tiếp tục vũ khí cho Ukraine” nữa, mặc dù các hỗ trợ nhân đạo vẫn tiếp tục dành cho nước láng giềng này hiện nằm trong chiến loạn, theo AFP đưa tin.
“Tôi sẽ không hỗ trợ gì về quân sự cho Ukraine,” ông nói, và giải thích: “Lập tức chấm dứt hoạt động quân sự là giải pháp tốt nhất cho Ukraine mà chúng tôi có. EU cũng nên thay đổi từ vai trò người cung cấp vũ khí trở thành người gìn giữ hòa bình,”
Trước khi tới Brussels cũng vào Thứ Năm này để dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới của EU diễn ra trong 2 ngày, ông Fico cũng nói ông sẽ không ủng hộ bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga, nếu nó “ảnh hưởng” không tốt tới Slovakia.
“Tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga, trừ phi chúng tôi nhìn thấy các phân tích về ảnh hưởng tới Slovakia,” ông tuyên bố. “Nếu có trừng phạt nào mà gây hại cho chúng tôi —mà hầu hết các trừng phạt đều như vậy– thì tôi thấy rằng tôi không có lý do gì để ủng hộ chúng.”
Reuters chỉ ra rằng đây là nói về viện trợ tài chính 50 tỷ Euro (53 tỷ USD) trong nhiều năm mà EU đang vận động cho Ukraine, và khoản có thể lên đến 20 tỷ (21 tỷ USD) viện trợ quân sự.
Về việc này, truyền thông của Ukraine bình luận rằng vậy là Chính phủ Orban ở Hungary đã có thêm một người cùng chí hướng ở Slovakia.
Chính phủ mới của Slovakia mới được bổ nhiệm hôm Thứ Tư (25/10) khi đảng lãnh đạo Smer-SD (của Robert Fico) liên danh với đảng Holos được cho là thân phương Tây, và đảng Quốc gia Slovakia được cho là thân Nga.
Robert Fico (59 tuổi) trước đó đã từng nhậm chức Thủ tướng Slovakia các năm 2006–2010 và 2012–2018.
Ảnh hưởng mang tính biểu tượng
Hãng tin AFP của Pháp cho rằng quyết định của Slovakia có thể dẫn tới ảnh hưởng mang tính biểu tượng.
Ban đầu, AFP dẫn lời Điện Kremlin chỉ ra rằng Slovakia vốn đã không phải là nước cung ứng gì đáng kể cho chính quyền Kiev trong suốt 20 tháng chiến tranh Ukraine.
“Slovakia không đóng góp tỷ lệ lớn lao gì trong cung ứng vũ khí, cho nên, [quyết định mới này của họ] kỳ thực không ảnh hưởng nhiều tới toàn bộ quá trình,” người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Nhưng tiếp đó, AFP chỉ ra rằng tuy Slovakia – chỉ có 5,4 triệu dân – đóng góp không được nhiều, nhưng đó là một trong những quốc gia nhiệt tình nhất trong việc này.
Slovakia là nước đầu tiên đưa máy bay chiến đấu phản lực cho Ukraine, và cũng từng gửi hệ thống phòng không S-300 cùng một số thiết bị chiến đấu và xe gỡ mìn cho Ukraine.
Tính đến tháng 7/2023, tổng số viện trợ từ Slovakia cho Ukraine là 680 triệu Euro (718 triệu USD), theo công bố của Viện Nghiên cứu Kiel (Đức). Nếu tính theo tỷ lệ GDP —0,65% GDP của Slovakia— thì Slovakia đứng vào những nước hàng đầu ở Châu Âu ủng hộ chiến tranh Ukraine, chỉ sau Na Uy, Quốc gia Baltic, Đan Mạch, và Phần Lan.
Kênh RT (Nga) dường như cũng đồng quan điểm với AFP rằng quyết định của Slovakia là có ý nghĩa về tính biểu tượng, vì Slovakia từng là một trong những thành viên EU trung kiên nhất trong việc ủng hộ Ukraine.
Luận điểm của ông Fico rằng “EU cũng nên thay đổi từ vai trò người cung cấp vũ khí trở thành người gìn giữ hòa bình” đã nói tới việc nên hướng tới hòa bình, thay vì hai phe Nga và Ukraine tiếp tục ‘chém giết’ người của nhau trong khi việc đó không thay đổi được kết quả cuối cùng.
RT cũng chỉ ra rằng trong quãng thời gian vận động bầu cử, ông Fico đã chỉ trích các nỗ lực của phương Tây trợ giúp chính quyền Kiev thu hồi các vùng đất mà Nga đã sáp nhập – dải đất giống hình trái chuối phía Tây và Tây Nam Ukraine – là những nỗ lực uổng công, và không có tính thực tế.
Hôm Thứ Tư (25/10), ngay sau khi vào nhiệm sở mới, ông Fico đã nói rằng các cuộc tấn công của “những tên phát xít người Ukraine nhằm vào thành phần dân chúng huyết thống gốc Nga” chính là nguyên nhân dẫn đến lập trường của ông đối với chính quyền Kiev.
Ông Fico nói chính quyền ông “sẽ không gửi dù một viên đạn cho Ukraine”, sẽ phản đối việc gia tăng căng thẳng lên quan hệ với Nga, và “nước Slovakia và người Slovakia hiện nay phải đối mặt với các vấn đề khác mà còn lớn hơn [vấn đề] Ukraine.”
Trong bức tranh này, AFP dẫn lời một nhà phân tích chính trị Branislav Kovacik nói với AFP rằng tuy Ukraine sẽ “không cảm thấy thiếu thốn vì mất đi viện trợ quân sự từ Slovakia”, nhưng mà “bất kỳ một tổn thất nào về phương diện đoàn kết và hậu thuẫn đều sẽ có ý nghĩa biểu tượng.”
Trong những tháng cuối cùng của bầu cử tại Ba Lan vào tháng trước, thì cũng chứng kiến luận điểm của Vacsava cho rằng nên hạn chế cung ứng vũ khí cho Kiev, với lý do Ba Lan muốn tập trung sức lực để trang bị vũ khí hiện đại cho chính mình.
Thậm chí Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người từng ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Kiev trước đó, nay đã ví Ukraine như người đang chết đuối và “bất kể ai tham gia cứu người đang chết đuối cũng biết anh ta cực kỳ nguy hiểm, rằng anh ta có thể lôi bạn cùng chìm sâu xuống.”
Kênh AFP tiếp tục đưa ra dẫn chứng rằng trong gặp mặt tại Liên Hợp Quốc vào quãng thời gian đó (cuối tháng trước), chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng phàn nàn rằng có những thành viên EU đang “giả vờ đoàn kết” và thực tế đang “hỗ trợ Nga một cách gián tiếp.”
Nhật Tân