Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tạp chí y khoa quốc tế The Lancet, hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới hiện được coi là béo phì, một tình trạng có liên quan đến làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo Reuters đưa tin, béo phì đang lan rộng, thậm chí còn phổ biến hơn cả thiếu cân, ở hầu hết các quốc gia, bao gồm nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trước đây phải vật lộn để cải thiện tình trạng sức khỏe do suy dinh dưỡng.
The Lancet đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới. Báo cáo nghiên cứu này được coi là một trong những báo cáo ước tính độc lập có uy tín nhất và dựa trên dữ liệu từ hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia. Báo cáo nêu rõ, từ năm 1990 đến năm 2022, tỷ lệ béo phì ở người lớn đã tăng hơn gấp đôi và tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi đã tăng hơn 4 lần. Trong cùng thời gian, tỷ lệ bé gái, bé trai và người trưởng thành được coi là thiếu cân lần lượt giảm 20%, 33,3% và 50%.
Thiếu cân trầm trọng có thể rất bất lợi cho sự phát triển của trẻ và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, tình trạng này có thể dẫn đến tử vong vì đói. Những người béo phì cũng có nguy cơ tử vong sớm và tàn tật, bởi vì béo phì có liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đang phải trải qua “gánh nặng kép” về béo phì và thiếu cân trầm trọng. “Gánh nặng kép” lớn nhất ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm các khu vực thuộc vùng Caribe và Trung Đông.
Tuy nhiên, nghiên cứu của WHO/Lancet có một số hạn chế, bao gồm thiếu dữ liệu sau đại dịch COVID-19 và việc sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định béo phì. Các nhà nghiên cứu gọi điều này là tiêu chuẩn đo lường “không hoàn hảo”.
Ông Majid Ezzati, tác giả chính của bài báo và là giáo sư tại Cao đẳng Hoàng gia London, cho biết số lượng người béo phì trên thế giới thật đáng kinh ngạc. Trong khi tỷ lệ béo phì đã ổn định ở nhiều nước giàu thì chúng lại đang tăng nhanh ở những nơi khác. Mặc dù thiếu cân đang trở nên ít phổ biến hơn trên toàn cầu nhưng nó vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, khiến ngày càng nhiều quốc gia phải đối mặt với cái gọi là “gánh nặng kép” về vấn đề dinh dưỡng.
Theo ông Ezzati, các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không có quốc gia công nghiệp hóa giàu có nào trừ Mỹ đứng đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất vào năm 2022. Ông cho rằng đó là một sự thay đổi lớn so với năm 2017, khi lần cuối cùng WHO thực hiện một phân tích béo phì toàn cầu tương tự cho thấy Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Vương quốc Anh nằm trong nhóm hàng đầu về tỷ lệ béo phì.
Ở những nước này, tỷ lệ béo phì hiện cao hơn nhiều nước có thu nhập cao, đặc biệt là ở châu Âu. Ông Ezzati cho biết có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ béo phì có thể bắt đầu giảm hoặc ít nhất là ổn định ở một số nước châu Âu, chẳng hạn như Tây Ban Nha. Sự gia tăng béo phì ở trẻ em là “rất đáng lo ngại” và phản ánh xu hướng béo phì ở người trưởng thành kể từ năm 1990. Cùng với đó, vẫn có hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn không đủ ăn.
Ông Francesco Branca, giám đốc dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết trong một cuộc họp báo: “Trước đây, chúng tôi luôn nghĩ rằng béo phì là vấn đề của người giàu. Hiện nay, béo phì là vấn đề toàn cầu”.
Ông nói rằng: “Thiếu cân và béo phì là hai mặt của cùng vấn đề suy dinh dưỡng, đó là việc thiếu khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng các nước trên thế giới cần thực hiện các biện pháp như đánh thuế các sản phẩm có hàm lượng đường cao và thúc đẩy bữa ăn lành mạnh ở trường học để giúp giải quyết tỷ lệ béo phì. “Điều quan trọng là điều này đòi hỏi sự hợp tác của khu vực tư nhân, họ phải chịu trách nhiệm về tác động sức khỏe do sản phẩm của mình gây ra”.
Trí Đạt (t/h)