Mỹ cho biết nước này đã nhiều lần cảnh báo Nga rằng những kẻ cực đoan đang lên kế hoạch tấn công sự kiện đông người ở Moscow, trước khi vụ khủng bố nhà hát diễn ra, theo hãng tin Reuters.
“Rõ ràng là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tấn công kinh hoàng ở Moscow tuần trước. Thực tế Mỹ đã cố gắng giúp ngăn vụ khủng bố và Điện Kremlin biết điều này”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói hôm 28/3.
Ông Kirby cho biết Mỹ đã phát cảnh báo từ trước cho chính quyền Nga về khả năng xảy ra các cuộc tấn công cực đoan tại các buổi hòa nhạc, tụ tập đông người ở Moscow. Theo ông Kirby, Mỹ còn gửi cả văn bản cảnh báo tới Nga lúc 11h15 hôm 7/3.
Phát biểu của ông Kirby được đưa ra ngay sau khi Ủy ban Điều tra Nga tuyên bố đã phát hiện bằng chứng cho thấy 4 tay súng tấn công nhà hát ngoại ô Moscow có liên quan tới Ukraine. Nga nói các tay súng có “liên hệ với những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine” và đã nhận tiền mặt, tiền điện tử từ Ukraine.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng gọi tuyên bố trên của Nga là “vô nghĩa”. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trước đó cũng nói không có bằng chứng cho thấy Ukraine liên quan vụ tấn công nhà hát Nga.
Phía Nga chưa xác nhận họ có nhận được cảnh báo từ phía Mỹ hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 27/3 nói việc phiến quân IS đủ khả năng tấn công khủng bố nhà hát nước này là điều “cực kỳ khó tin”. Bà Zakharova cho rằng phương Tây đã vội vã quy trách nhiệm cho IS như một cách để tránh những lời quy kết nhắm vào Ukraine cùng các nước ủng hộ Kyiv.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 thừa nhận những kẻ Hồi giáo cực đoan đứng sau vụ tấn công nhà hát Crocus, nhưng vẫn đặt câu hỏi về vai trò của Ukraine cũng như lý do các tay súng tìm cách chạy sang Ukraine sau khi gây án.
Dẫu vậy, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sau đó đưa ra thông tin trái ngược, cho biết các tay súng ban đầu tìm cách vào Belarus, nhưng nhận ra các tuyến đường đều bị phong tỏa, nên đã chuyển hướng sang Ukraine.
Vụ xả súng đêm 22/3 tại nhà hát Crocus ở ngoại ô Moscow, khiến ít nhất 143 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Bộ Các tình trạng khẩn cấp Nga cho hay gần 100 người vẫn mất tích sau vụ tấn công.
Phan Anh
Thủ tướng Đức tiết lộ ‘đàm phán hòa bình bí mật’ về xung đột Nga – Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các quan chức cấp cao của một số quốc gia đang tổ chức các cuộc đàm phán không công khai để giải quyết xung đột Ukraine. Tuy nhiên Điện Kremlin không được tham gia vào các cuộc tham vấn đó, theo phát ngôn viên Dmitry Peskov.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Markische Allgemeine hôm thứ Năm (28/3), nhà lãnh đạo Đức đã được hỏi về triển vọng giải quyết hoặc ít nhất là chấm dứt tình trạng thù địch, ông trả lời rằng “luôn có những sáng kiến hòa giải”.
Ông đặc biệt đề cập đến các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev ngay từ đầu khi cuộc xung đột bắt đầu vào mùa xuân năm 2022. Nga cho biết trong khi các cuộc đàm phán – xoay quanh tính trung lập của Ukraine – đã đạt được một số tiến bộ ban đầu, Ukraine đã quyết định từ bỏ theo lời khuyên của của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã khuyến nghị Ukraine tiếp tục chiến đấu. Ông Johnson đã bác bỏ tuyên bố này.
Thủ tướng Đức cho biết “một số quốc gia, bao gồm cả Ukraine, hiện đang thảo luận ở cấp cố vấn an ninh về tiến trình hòa bình sẽ như thế nào”.
Tuy nhiên, ông Scholz nhấn mạnh rằng “hòa bình có thể xảy ra bất cứ lúc nào” nếu Nga rút quân khỏi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố là của mình.
Moscow khẳng định sẵn sàng đàm phán với điều kiện Ukraine chấp nhận thực tế. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Nga sau khi 4 khu vực cũ của Ukraine bỏ phiếu áp đảo gia nhập Nga vào mùa thu năm 2022.
Trả lời bình luận của ông Scholz, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng các quan chức Nga không có mặt tại cuộc đàm phán nói trên ở cấp cố vấn an ninh. Ông cũng nhận xét rằng tuyên bố của thủ tướng Đức “không làm thay đổi bản chất của các sự kiện đang diễn ra”, đồng thời nhắc lại rằng Đức vẫn là một trong những nước ủng hộ nổi bật nhất của Ukraine.
Ông Peskov chỉ ra rằng mặc dù các quốc gia EU khác nhau có quan điểm khác nhau về mức độ tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng “điều này không làm thay đổi cách tiếp cận chủ đạo của EU rằng Ukraine nên được thúc đẩy để chiến đấu đến cùng”.
Thanh Tâm, theo RT