Ngày 15/5, tổ chức phi chính phủ ở Philippines đã kêu gọi tình nguyện viên và hàng trăm tàu đánh cá tới bãi cạn Scarborough do (Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát, để gửi hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines và tuyên bố chủ quyền. Cách làm này rất giống với cách làm do ĐCSTQ phát minh ra, nhằm sử dụng nhiều tàu đánh cá và ngư dân để bảo vệ Bãi cạn Scarborough.
Theo báo cáo, một số nhóm xã hội dân sự Philippines đã thành lập liên minh mang tên “Đây là của chúng tôi” (Atin Ito). Vào ngày 15/5, 5 tàu dân sự đã dẫn 100 tàu đánh cá nhỏ, khoảng 200 tình nguyện viên và 100 ngư dân đến Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham, Huangyan) ở Biển Đông. Khoảng 200 người trên 5 tàu đánh cá thương mại vẫy những lá cờ nhỏ của Philippines và hô lên: “Biển Tây Philippines là của chúng ta, Trung Quốc biến đi!” Những tàu đánh cá Philippines này được hộ tống bởi một số thuyền nhỏ có giàn ngoài, ra khơi về phía bắc tại cảng vào buổi sáng, vài giờ sau một tàu Cảnh sát biển Philippines gặp đội tàu này ngoài khơi. Hạm đội này đã phân phát lương thực, nhiên liệu cho ngư dân Philippines và thả hàng chục chiếc phao màu cam có dòng chữ “WPS là của chúng tôi” (WPS là viết tắt của West Philippine Sea).
Cảnh tượng này phù hợp với tuyên bố trước đó của liên minh, mục đích chính của hoạt động này của các tổ chức phi chính phủ Philippines là gửi nhiên liệu và thực phẩm cho một số ngư dân Philippines ở Biển Đông, đồng thời thả phao có ghi “Biển Tây Philippines là của chúng tôi” (WPS, Atin Ito!) trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tiếp theo là tiến hành “di chuyển hòa bình và đoàn kết” trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines gần Bãi cạn Scarborough để tuyên bố chủ quyền.
Đây là hoạt động của đội tàu tư nhân thứ hai do liên minh tổ chức. Vào tháng 12 năm ngoái, chuyến đi trên Biển Đông do liên minh này tổ chức đã bị đình chỉ do bị nhiều tàu của ĐCSTQ đi theo. Lần này, nhóm đã không nản lòng trước các báo cáo về “sự hiện diện số lượng lớn” tàu của ĐCSTQ gần bãi cạn Scarborough, và sẽ tiếp tục các kế hoạch của mình.
Đáp lại hành động của người dân Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân nói Bãi cạn Scarborough là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Nếu Philippines vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc, “Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bảo vệ các quyền của mình và phản công theo luật pháp, những trách nhiệm và hậu quả liên quan sẽ do phía Philippines gánh chịu hoàn toàn”.
Sáng ngày 15/5, Philippines đã phát hiện 19 tàu của ĐCSTQ gần Bãi cạn Scarborough, đến tối cùng ngày, ít nhất 2 tàu Cảnh sát biển ĐCSTQ bị phát hiện đang theo dõi, giám sát tàu Philippines.
Ông Jay Tarriela, người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về vấn đề Biển Đông, cho biết Lực lượng bảo vệ bờ biển không tham gia vào sự kiện do xã hội dân sự Philippines khởi xướng, nhưng sẽ cử tàu tuần tra để đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên dân sự. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ngày 15/5 cho biết, vào lúc 6h tối nay, tàu tuần tra bờ biển BRP Bagacay đang hộ tống 4 tàu cá Philippines ở vùng biển phía Tây Nam tỉnh Zambales, và phát hiện 2 tàu cảnh sát biển ĐCSTQ có số hiệu thân tàu 4108 và 4109 đã theo sau.
Một máy bay Cessna của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã thực hiện “chuyến bay nâng cao nhận thức vùng biển” trong không phận xung quanh Bãi cạn Scarborough vào sáng ngày 15/5, và phát hiện 8 tàu Cảnh sát biển ĐCSTQ, 10 tàu dân quân biển bị nghi là của ĐCSTQ và tàu Qujing của Hải quân Trung Quốc (số thân tàu 668) tập trung gần bãi cạn Scarborough. Trong chuyến trinh sát của máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, ĐCSTQ đã 4 lần tuyên bố chủ quyền qua sóng phát thanh. ĐCSTQ không chỉ đặt hai rào chắn nổi ở lối vào phía đông nam của Bãi cạn Scarborough mà còn có một tàu bơm hơi cứng của Cảnh sát biển ĐCSTQ tại hiện trường.
Hai tuần trước, một tàu Cảnh sát biển ĐCSTQ đã phun vòi rồng áp suất cao vào hai tàu của Chính phủ Philippines (một tàu Lực lượng Bảo vệ bờ biển và một tàu của Cục Ngư nghiệp và Nguồn lợi Thủy sản) trong cùng khu vực, gây hư hại cho tàu Philippines. Đây là vụ xung đột hàng hải mới nhất giữa hai nước, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Theo báo cáo, để khẳng định yêu sách của mình, Bắc Kinh đã triển khai các tàu cảnh sát biển và các tàu khác để tuần tra đường thủy, đồng thời đã “khai hoang” một số đảo đá ngầm ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng. Căng thẳng đã gia tăng trong 18 tháng qua về vùng biển và đảo san hô tranh chấp khi Manila phản kích lại thái độ ngày càng độc đoán của ĐCSTQ.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho biết trong một chương trình truyền hình quốc gia hôm thứ Hai (13/5) rằng, sau khi biết tin ĐCSTQ “lấp biển xây đảo”, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines đã ra lệnh tăng cường bảo vệ một hòn đảo và rạn san hô ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trước đây đã triển khai tàu đến Bãi cạn Sabina (Trung Quốc gọi là Rạn san hô Tiên Tân (Xian Bin)) ở Biển Đông để theo dõi các hành động có thể xảy ra của ĐCSTQ, và cho biết họ đã tìm thấy các đống san hô bị nghiền nát đổ ở Bãi cạn Sabina, ĐCSTQ là “thủ phạm có khả năng nhất”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày rằng những cáo buộc của Philippines chống lại Trung Quốc là “vô căn cứ, hoàn toàn bịa đặt”.
Khi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông ngày càng gia tăng, khả năng bùng nổ xung đột khu vực ở Biển Đông cũng tăng lên đáng kể. Trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Hải quân ĐCSTQ, cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất “Balikatan 24” (Vai Kề Vai 24) giữa Mỹ và Philippines đã kết thúc vào ngày 10/5, cuộc tập trận này kéo dài 2 tuần.
Dưới thời Tổng thống Marcos Jr., liên minh lâu đời giữa Mỹ và Philippines đã được củng cố. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cho biết ông kỳ vọng mối quan hệ quân sự của Manila với Washington sẽ phát triển trong những năm tới. Điều này có thể bao gồm việc sản xuất chung các thiết bị quốc phòng và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Philippines cũng đang tìm cách hoàn tất một thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản trong năm nay và đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận về lực lượng thăm viếng với Pháp. Ấn Độ cũng hy vọng tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh.
Trí Đạt (theo RFI)