Dữ liệu chính thức của chính quyền chỉ ra sự không hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh.
Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc, một thước đo cho hoạt động của các nhà máy, đã giảm xuống dưới mức 50 (mức phân biệt mở rộng và thu hẹp) vào tháng trước, báo hiệu sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất. Một nhà quan sát Trung Quốc chỉ ra rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế thông qua sản xuất đang bắt đầu thất bại.
Một số tỉnh và 4 thành phố của Trung Quốc đã công bố dữ liệu thu nhập tài chính công trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4. Phần lớn đang trong tình trạng thâm hụt, và điều này làm nổi bật những thách thức kinh tế lan rộng của nước này.
Ngoài ra, chi phí cho các nhu yếu phẩm hàng ngày ở Trung Quốc tiếp tục tăng, làm trầm trọng thêm những thách thức tài chính mà nhóm dân số thu nhập thấp phải đối mặt và dẫn đến sự bất mãn và thất vọng rộng rãi của công chúng đối với Bắc Kinh.
Ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư tiếp thị tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times rằng dữ liệu chính thức của chính quyền chỉ ra rằng các biện pháp kích thích tài chính của Bắc Kinh là không hiệu quả và suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục trong ít nhất một hoặc hai năm nữa.
Dữ liệu PMI
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố dữ liệu PMI vào ngày 31/5. PMI là 49,5 vào tháng 5, giảm 0,9 điểm so với tháng trước.
Các công ty lớn báo cáo PMI là 50,7, tăng 0,4 điểm so với năm trước. Tuy nhiên, PMI của các công ty vừa và nhỏ đã giảm, tương ứng là 46,7 và 49,4, giảm lần lượt 1,3 và 3,6 điểm so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu PMI, bao gồm phản hồi từ 3.200 công ty sản xuất, được thu thập từ các yếu tố như đơn đặt hàng, sản xuất và việc làm. Chỉ số PMI trên 50 biểu thị sự mở rộng, trong khi dưới 50 biểu thị sự thu hẹp.
Kể từ tháng 5/2023, PMI chỉ vượt ngưỡng mở rộng là 50 vào tháng 9/2023 (50,2), tháng 3/2024 (50,8) và tháng 4/2024 (50,4). Các nhà phân tích thị trường ban đầu coi tháng 3 và tháng 4 là sự khởi đầu cho sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ số này lại giảm xuống dưới 50 vào tháng 5 cho thấy sự phục hồi đang chững lại và lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang suy giảm.
Thâm hụt của chính quyền địa phương
Theo dữ liệu tháng 4 về thu nhập và chi tiêu tài chính do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố vào ngày 20/5, thu nhập ngân sách công chung của quốc gia từ tháng 1 đến tháng 4 đạt 8.092,6 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 1,11 nghìn tỷ USD), giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng kỳ, chi tiêu ngân sách công chung của quốc gia đạt tổng cộng 8.948,3 tỷ CNY (khoảng 1,2 nghìn tỷ USD), dẫn đến thâm hụt 855,7 tỷ CNY (khoảng 118 tỷ USD).
Trong số các khoản thu của chính quyền địa phương, thu nhập từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất do nhà nước sở hữu, vốn từng là nguồn thu chính của chính quyền địa phương, đạt 1.053,6 tỷ CNY (khoảng 145 tỷ USD), giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này cho thấy xu hướng giảm trong thu nhập nói chung của chính quyền trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, nhiều tỉnh và 3 thành phố đã báo cáo bảng cân đối kế toán thâm hụt.
Ví dụ, Bắc Kinh báo cáo thu nhập là 250,2 tỷ CNY (khoảng 34,5 tỷ USD) và mức chi tiêu là 327 tỷ CNY (khoảng 45,1 tỷ đô la), dẫn đến tỷ lệ tự đảm bảo ngân sách (tỷ lệ thu nhập trên mức chi tiêu) là 76,54%.
Tỷ lệ tự đảm bảo ngân sách của chính quyền địa phương đề cập đến tỷ lệ phần trăm ngân sách được tài trợ bởi các nguồn thu của chính quyền địa phương, chẳng hạn như thuế và phí địa phương, mà không phụ thuộc vào nguồn tiền từ chính quyền trung ương. Nó cho biết có bao nhiêu phần trăm trong số các hoạt động của chính quyền địa phương được hỗ trợ tài chính bằng số tiền mà chính quyền này tạo ra.
Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông và Sơn Đông theo truyền thống là những tỉnh có hiệu suất kinh tế hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, tất cả những tỉnh này đều báo cáo tỷ lệ tự đảm bảo ngân sách dưới 100%, điều này có nghĩa là họ không thể tự duy trì hoạt động một cách độc lập.
Trong số các tỉnh tương đối kém phát triển, Thanh Hải báo cáo tỷ lệ tự đảm bảo ngân sách thấp tới 17,39% và Cam Túc báo cáo 22,62%.
Vì tất cả các tỉnh, thành phố và khu tự trị có tỷ lệ tự đảm bảo ngân sách dưới 100% đều phụ thuộc vào trợ cấp của chính quyền trung ương, nên dữ liệu chính thức cho thấy sự thâm hụt cục bộ đang gây gánh nặng lớn cho chính quyền trung ương tại Trung Quốc.
Thương mại quốc tế
Theo dữ liệu xuất nhập khẩu trong tháng 4 do Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 9/5, một số quốc gia và khu vực đã chứng kiến sự sụt giảm trong thương mại với Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 4. Thương mại với Liên minh Châu Âu giảm 5%; Đức giảm 8,2%; Hà Lan giảm 12,3%; và Pháp giảm 4,2%. Thương mại với Hoa Kỳ giảm 2,3%; Philippines giảm 10,3%; Nhật Bản giảm 6,4%; và Úc giảm 5%.
Các đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Trung Quốc là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Úc. Những quốc gia này gần đây đã chỉ trích tình trạng dư thừa công suất và hoạt động bán phá giá của Trung Quốc và thực hiện các bước để kiềm chế ảnh hưởng địa chính trị đang mở rộng của chính quyền Trung Quốc.
Thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ, vốn vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đã giảm đáng kể do Hoa Kỳ tăng thuế đối với một số sản phẩm của Trung Quốc và hạn chế các mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn.
Ông Tạ cho biết các động lực truyền thống của nền kinh tế Trung Quốc – xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư – đã bị đình trệ, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất. Trong khi đó, Châu Âu và Hoa Kỳ đã ngăn chặn những động lực mới của Trung Quốc – xe điện, pin mặt trời và pin lithium-ion – trước khi chúng có thể có được đà phát triển.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch