Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tiềm tàng có thể sánh ngang với những cuộc khủng hoảng trong quá khứ.
Như tôi đã thảo luận trong bài viết trước, “Làm rỗng ruột Trung Quốc”, các yếu tố kinh tế vĩ mô quan trọng ở Trung Quốc đang chuyển sang phía tiêu cực theo một cách thể hiện sự biến đổi rõ nét.
Một vài số trong số đó là những thứ như GDP đang hết sức chậm lại, đi kèm với năng suất bình quân đầu người suy giảm, một dân số già hóa vốn là gánh nặng ngày càng tăng đối với nền kinh tế và một thế hệ trẻ với tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới gần 50%.
Ngoài ra, phần lớn thế giới đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc đến các môi trường kinh doanh thân thiện hơn, chẳng hạn như ở Ấn Độ và Việt Nam.
Trong khi đó, các triệu phú của Trung Quốc đang rời khỏi nước này để đến Hoa Kỳ với số lượng kỷ lục.
Đây là những thay đổi lớn trong bối cảnh kinh tế và chúng sẽ không sớm biến mất.
Khủng hoảng an ninh lương thực
Tuy nhiên, có một yếu tố kinh tế vĩ mô quan trọng khác mà Trung Quốc phải đối mặt, và nó đang khơi dậy những bóng ma từ quá khứ. Với căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nhà cung cấp ngũ cốc chính ở phương Tây, chiến tranh ở Ukraine và sự gián đoạn ngày càng tăng của chuỗi cung ứng, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tiềm tàng có thể sánh ngang với những cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 1989, Trung Quốc chứng kiến các cuộc biểu tình công khai phản đối tình trạng thiếu lương thực.
Thiếu lương thực, nạn đói là nguồn gốc hàng đầu gây ra bất ổn chính trị và dân sự trong quá khứ ở Trung Quốc. Người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ý thức sâu sắc về những nguy cơ chính trị mà tình trạng thiếu lương thực có thể mang lại và đã đưa an ninh lương thực trở thành ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc đã giảm từ 93,6% xuống còn 65,8%.
Có một số lý do khiến Trung Quốc mất an ninh lương thực. Hầu hết chủ yếu là do vấn đề về cấu trúc hoặc chịu ảnh hưởng của chính sách. Ví dụ, nạn đói đã đóng một vai trò quan trọng và thường trực trong vận mệnh của Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử và thậm chí cả trong thời hiện đại. Một trong những yếu tố cấu trúc chính dẫn đến điều đó đơn giản là vấn đề về địa lý. Trung Quốc phải nuôi sống khoảng 20% dân số thế giới với chỉ khoảng 10% đất canh tác của thế giới và chỉ 6% tài nguyên nước của thế giới – đó là những yếu tố tồn tại kéo dài và ghê gớm.
Ngày nay, Trung Quốc dựa vào các nguồn bên ngoài để nuôi sống dân số. Một lý do là tầng lớp trung lưu thích chế độ ăn nhiều thịt, đường và ngũ cốc tinh chế hơn chế độ ăn nhiều rau truyền thống. Trên thực tế, kể từ năm 1990, lượng tiêu thụ thịt đã tăng gấp 3 lần ở Trung Quốc. Một lý do khác là cơ sở nông nghiệp của nước này đang trở nên kém năng suất hơn. Nông dân ở Dương Châu, Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 06/06/2018. (Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images)
Những vấn đề của ngành nông nghiệp
Trung Quốc đang mất đi một lượng lớn đất canh tác do ô nhiễm và việc sử dụng quá mức. Theo số liệu chính thức, vào năm 2021, một nghiên cứu cho thấy rằng đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc là khoảng 490.000 dặm vuông (khoảng 1,269 triệu km vuông), giảm gần 6% so với thập kỷ trước.
Hơn nữa, an toàn thực phẩm là mối quan tâm lớn của người Trung Quốc. Nhiều người dân đơn giản là không tin tưởng vào thực phẩm sản xuất trong nước do nhiều vụ bê bối thực phẩm độc hại công khai. Người tiêu dùng Trung Quốc đại đa số thích thực phẩm nước ngoài vì họ tin rằng sản phẩm nước ngoài an toàn hơn.
Hơn nữa, những người Trung Quốc trẻ tuổi, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp, đang lựa chọn cuộc sống thành thị sinh lợi và thú vị hơn cùng những công việc lương cao hơn nếu họ có thể kiếm được, trong khi Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy họ về làm việc ở nông thôn. Trong khi đó, những người nông dân lớn tuổi đang về hưu. Điều đó đồng nghĩa với sự thiếu hụt lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp, vận tải và những ngành liên quan khác từ cả hai đầu của dân số. Đó là một sự thay đổi sẽ không dễ dàng tự đảo ngược và sẽ tác động trực tiếp đến năng suất và việc phân phối nông sản.
Nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới
Vì những lý do này và những lý do khác, Trung Quốc hiện phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn thực phẩm nước ngoài. Theo số liệu chính thức, đây là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, nhập khẩu hơn 28 triệu tấn vào năm 2021, tăng 152% so với năm 2020. Trung Quốc cũng đã nhập khẩu một lượng nông sản kỷ lục trị giá 42 tỷ USD chỉ riêng từ Hoa Kỳ vào năm 2022.
Nhưng ngoài việc là nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc còn mua đất nông nghiệp ở nước ngoài, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và các quốc gia ở Nam Mỹ, Châu Á và Châu Phi. Chính quyền Trung Quốc rất hiểu bản chất thất thường của thế giới và cách các sự kiện và căng thẳng quốc tế có thể tác động trực tiếp đến an ninh lương thực của họ. Ban đầu, chiến tranh Nga-Ukraine đã gây ra sự biến động về giá cả và nguồn cung lương thực ở Trung Quốc và khiến an ninh lương thực trở thành trọng tâm chú ý của những người hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Báo cáo sai lệch và tham nhũng
Vấn đề càng gia tăng khi các quan chức tỉnh và thậm chí cả những người ở cấp cao hơn đều tham nhũng khét tiếng. Nông dân báo cáo quá mức về sản lượng ngũ cốc để tránh bị trừng phạt. Những con số sai lệch đó sau đó lại được đưa vào các tài liệu lập kế hoạch chính thức, làm suy yếu hiệu quả lập kế hoạch và thực hiện chính sách. Đây là một vấn đề cố hữu trong một chính quyền tham nhũng như chính quyền Trung Quốc. Trong những năm gần đây, các nỗ lực chống tham nhũng đã dẫn đến việc bắt giữ hàng trăm quan chức trong hệ thống dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc ở cả cấp địa phương và trung ương.
Để chống lại tình trạng dễ bị tổn thương về an ninh lương thực, Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia của nước này đã tích cực xây dựng kho dự trữ ngũ cốc, hiện được cho là ở mức kỷ lục. Điều này cho thấy an ninh lương thực đã trở nên nghiêm trọng như thế nào đối với Trung Quốc và chính quyền nước này. Các quan chức Trung Quốc hoàn toàn hiểu rằng vị trí quyền lực và đặc quyền của họ cuối cùng phụ thuộc vào việc đảm bảo thức ăn cho 1,4 tỷ người dân mà họ cai trị.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên lược dịch