Mỹ hạn chế sinh viên Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm do lo ngại về an ninh quốc gia

Aaron Pan

Mỹ hạn chế sinh viên Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm do lo ngại về an ninh quốc gia
Ông Kurt Campbell, khi đó là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/12/2012. (Ảnh: Saeed Khan/AFP/Getty Images)

Theo một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, sinh viên Trung Quốc ở Mỹ nên theo học ngành nhân văn nhiều hơn, hơn là chọn các ngành khoa học, do những rủi ro về an ninh quốc gia mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt.

“Tôi muốn thấy nhiều hơn các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ để học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, chứ không phải vật lý hạt”, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell của Mỹ nói trong một sự kiện do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tổ chức vào ngày 24/6.

Ông Campbell cho biết các trường đại học Mỹ hiện đang thực hiện các bước đề phòng đối với các sinh viên Trung Quốc và hạn chế họ tiếp cận các công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Ông chỉ ra rằng các trường đại học Mỹ đã thực hiện “những nỗ lực cẩn thận” để hỗ trợ việc giáo dục bậc cao liên tục cho sinh viên Trung Quốc nhưng cũng “lưu tâm đến các phòng thí nghiệm, [và] một số hoạt động của sinh viên Trung Quốc”.

“Tôi thực sự nghĩ rằng có thể cắt giảm và hạn chế một số loại quyền tiếp cận nhất định [của sinh viên Trung Quốc] và chúng tôi đã chứng kiến điều đó nói chung, đặc biệt là trong các chương trình công nghệ trên khắp nước Mỹ”, ông nói.

Những lời bình luận của ông Campbell được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về an ninh quốc gia đến từ chính quyền Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ.

Trong nhiều năm, sinh viên Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất ở Mỹ. Con số này đạt mức cao nhất mọi thời đại với khoảng 372.000 sinh viên trong năm học 2019–2020, nhưng đã giảm xuống gần 290.000 vào năm 2022–2023, theo dữ liệu do Open Doors tổng hợp.

Ngoài ra, ông Campbell cũng đề nghị các trường đại học Mỹ nên tuyển thêm nhiều sinh viên quốc tế hơn cho các chương trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) do thiếu các sinh viên Mỹ trong những lĩnh vực đó. Ông đề xuất rằng sinh viên Ấn Độ có thể lấp vào khoảng trống, bác bỏ quan điểm cho rằng sinh viên Trung Quốc là nguồn sinh viên duy nhất.

Ông nói: “Tôi tin rằng sự gia tăng lớn nhất mà chúng ta cần thấy trong tương lai sẽ là, số lượng sinh viên Ấn Độ học tại các trường đại học Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác sẽ lớn hơn nhiều”.

Sinh viên Ấn Độ là nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ hai ở Mỹ, với gần 269.000 sinh viên trong năm học 2022–2023. Họ cũng dẫn đầu về số lượng trong các lĩnh vực STEM, với khoảng 76% sinh viên Ấn Độ theo học những chuyên ngành này so với mức trung bình 55% sinh viên quốc tế trong năm học 2022-2023, theo Open Doors.

Thứ trưởng Ngoại giao cũng nhấn mạnh vào sự sụt giảm lớn về số lượng các sinh viên Mỹ ở Trung Quốc và cho biết ông muốn có nhiều sinh viên Mỹ hơn đến nước này, tìm hiểu văn hóa và chính trị của nước này.

“Những gì chúng ta thực sự thấy là một sự sụt giảm về số lượng [sinh viên] từ Mỹ đến Trung Quốc. Đó chủ yếu là lĩnh vực mà Bộ Ngoại giao đóng vai trò lớn nhất. Và chúng tôi đang cố gắng khuyến khích việc gia tăng số lượng [sinh viên đến Trung Quốc] một cách cẩn thận và có trách nhiệm”, ông Campbell nói.

Bất chấp các thách thức, ông Campbell cho rằng điều cần thiết là không cắt đứt mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Bắc Kinh ngày càng khó duy trì các tương tác về học thuật và kinh doanh.

“Thực sự là Trung Quốc đã gây khó khăn cho những loại hoạt động mà chúng tôi muốn duy trì”, ông Campbell nói, đồng thời nói thêm rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà từ thiện người Mỹ đang cảnh giác với việc ở lại Trung Quốc lâu dài vì các lo ngại về an ninh cá nhân.

Phát biểu của ông Campbell là để trả lời cho một câu hỏi về Sáng kiến ​​Trung Quốc – do chính quyền của ông Trump đưa ra vào năm 2018 nhằm chống lại hoạt động gián điệp và trộm cắp bí mật thương mại do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Chương trình này đã dẫn đến việc truy tố khoảng hai chục học giả Mỹ, hầu hết là người gốc Hoa, những người bị cáo buộc che giấu đi mối quan hệ tài chính với các tổ chức Trung Quốc và các kế hoạch tuyển dụng do nhà nước hậu thuẫn.

Chính quyền Biden đã chấm dứt sáng kiến ​​này vào năm 2022 sau khi các nhà phê bình nói rằng sáng kiến ​​bị cho là đã thúc đẩy việc phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á và làm nguội lạnh công tác trao đổi khoa học giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc: Việc Trung Quốc ủng hộ Nga là một sai lầm lớn

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại một sự kiện của Bộ Ngoại giao tại Washington, D.C. vào ngày 24 tháng 6 năm 2024. (Ảnh: Andrew Harnik/Getty Images)

Hôm thứ Tư (26/6), Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết rằng việc chính quyền Trung Quốc cung cấp công nghệ tên lửa hoặc những loại vũ khí khác để hỗ trợ Nga xâm lược toàn diện Ukraine là một “sai lầm lớn”.

Hãng thông tấn Associated Press (AP) đưa tin, ông Burns đã phát biểu tại Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, nói rằng cuộc xâm lược của Nga hiện đã sang năm thứ ba, nó đã trở thành một “cuộc khủng hoảng sống còn” đối với Châu Âu.

“Chúng tôi cho rằng việc cho phép hàng nghìn công ty Trung Quốc gửi nhiều phụ tùng, linh kiện kỹ thuật, bộ vi xử lý và Nitroxenlulozơ đến Nga để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga trong cuộc chiến tàn khốc này là một sai lầm lớn”, ông Burns nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc “không trung lập mà thực sự đứng về phía Nga trong cuộc chiến này”. Ông cho biết thêm rằng quyết định này mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố kiên trì “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” bấy lâu nay của Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận việc cung cấp viện trợ quân sự cho Nga.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Burns chỉ trích sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào tháng này, ông đã nhắc lại lập trường của Mỹ rằng việc Trung Quốc ủng hộ hành động xâm lược của Nga là không thể chấp nhận được.

“Trung Quốc đang thể hiện bản chất thật của mình. Họ đang ủng hộ Nga và hỗ trợ ông Putin phát động cuộc chiến dã man đối với người dân Ukraine. Chúng tôi biết các công ty Trung Quốc đang làm gì, chúng tôi biết điều này ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của Nga trong việc phát động cuộc chiến tranh này”, ông Burns nói với đài BBC.

Ông Burns cho biết một số lượng lớn các công ty Trung Quốc đang hỗ trợ Mátxcơva, “Chúng tôi đã trừng phạt một số lượng lớn các công ty, nếu chính phủ Trung Quốc không dừng lại, chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiều hành động hơn”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trực tiếp chỉ ra rằng nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ rất khó duy trì được.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đức Huệ biên dịch

Related posts