Triệu Phượng Hòa
Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố trong một tài liệu tòa án vào hôm Chủ nhật (ngày 7/7) rằng Boeing đã thừa nhận việc gian lận hình sự trong cuộc điều tra hai vụ tai nạn chết người trên loại máy bay 737 MAX.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin công ty Boeing sẽ chi trả khoản tiền phạt 243,6 triệu USD sau khi nhận tội âm mưu gian lận trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về hai vụ tai nạn chết người trên loại máy bay 737 MAX.
Thỏa thuận nhận tội cũng cần có sự phê chuẩn của thẩm phán. Chỉ trong vòng 5 tháng của cuối năm 2018 và đầu 2019, hai máy bay chở khách Boeing 737 MAX lần lượt bị rơi ở Indonesia và Ethiopia, gây ra cái chết của 346 sinh mạng. Boeing thừa nhận công ty này đã phạm trọng tội trong cả hai vụ rơi máy bay.
Thỏa thuận nhận tội giữa Boeing và Bộ Tư pháp Mỹ nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích từ người thân của các nạn nhân, họ muốn Boeing phải bị xét xử và gánh chịu hậu quả tài chính nghiêm khắc hơn.
Sau hai vụ tai nạn vào năm 2018 và 2019, Boeing đã đạt được “thỏa thuận trì hoãn truy tố” với các công tố viên vào năm 2021, đồng thời đồng ý chi trả khoản bồi thường 2,5 tỷ USD cho gia đình của các nạn nhân nhằm tránh bị truy tố hình sự.
Tuy nhiên, vào ngày 5/1 năm nay, một cánh cửa phụ trên một chiếc máy bay chở khách 737 MAX của hãng hàng không Alaska Airlines bung và rơi ra khỏi máy bay khi đang ở trên không, một lần nữa cho thấy các vấn đề về an toàn và chất lượng đang tồn tại của Boeing. Hồ sơ khởi tố hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ đã làm sâu thêm cuộc khủng hoảng mà Boeing phải đối mặt.
Trong khi Boeing có thể tìm kiếm quyền miễn truy tố, một thỏa thuận nhận tội có thể sẽ đe dọa khả năng của công ty này trong việc có được các hợp đồng chính phủ đem lại nhiều lợi nhuận với các cơ quan như Bộ Quốc phòng và NASA.
Vào tháng 5 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Boeing vi phạm các quy định của “thỏa thuận trì hoãn truy tố” năm 2021 và quyết định đưa ra cáo buộc hình sự đối với công ty này. Boeing đang phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự khác liên quan đến vụ cánh cửa phụ rơi ra khỏi máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines.
Tuy nhiên, Boeing đã tránh được phiên tòa xét xử thông qua việc nhận tội, giúp những quyết định trước vụ tai nạn chết người tránh khỏi sự giám sát rộng rãi của công chúng. Thỏa thuận nhận tội cũng sẽ có lợi cho công ty này trong việc thực hiện kế hoạch mua lại Spirit AeroSystems.
Người phát ngôn của Boeing xác nhận công ty này đã “đạt được thỏa thuận nguyên tắc về những điều khoản giải quyết với Bộ Tư pháp”.
Là một phần của thỏa thuận nhận tội, Boeing đã đồng ý chi ít nhất 455 triệu USD trong ba năm tới để tăng cường các chương trình tuân thủ quy định và đảm bảo an toàn. Tài liệu nêu rõ ban giám đốc của Boeing cần phải gặp mặt người thân của các nạn nhân trong hai vụ tai nạn trên.
Thỏa thuận này cũng quy định việc bổ nhiệm một giám sát viên độc lập để giám sát các hoạt động tuân thủ quy định và đảm bảo an toàn của công ty này trong thời gian ba năm.
Tuy nhiên, luật sư của một số người thân của nạn nhân cho biết họ dự định gây áp lực với Thẩm phán Reed O’Connor, người phụ trách giám sát vụ án này, để thúc giục ông từ chối phê chuẩn thỏa thuận nhận tội của Boeing.
Trong một tài liệu được đệ trình lên tòa án, các luật sư đã trích dẫn tuyên bố của ông O’Connor vào tháng 2 năm 2023 rằng “hành vi phạm tội của Boeing có thể được coi là tội ác doanh nghiệp chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Bà Erin Applebaum, luật sư tại công ty luật Kreindler & Kreindler LLP, đại diện cho một số người thân của nạn nhân, gọi thỏa thuận này chỉ là “một cái tát vào mặt”.
Đức Huệ biên dịch