Người thất nghiệp “giả vờ đi làm”, khiến thư viện ở Trung Quốc quá tải

Thư viện Thâm Quyến đã trở thành “nơi ẩn náu” và vẫn “kín người” vào ngày làm việc trong tuần. Nhiều người thất nghiệp dành cả ngày trong thư viện giả vờ đi làm. (Ảnh chụp màn hình video)

Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc tiếp tục gia tăng và vấn đề việc làm gây áp lực rất lớn lên giới trẻ. Nhiều người thất nghiệp sợ gia đình biết chuyện sẽ lo lắng nên hàng ngày vẫn giả vờ đi làm. Những người này thường đến thư viện ở nhiều nơi khác nhau, coi chúng như nơi tạm lánh trong quá trình thất nghiệp.

Người thất nghiệp ngồi suốt ngày trong thư viện

Theo trang tin The Paper, nhiều người thất nghiệp do bị cắt giảm nhân viên hàng ngày đều trốn trong thư viện và giả vờ như vẫn đang làm việc. Phóng viên đã phỏng vấn một số người và yêu cầu họ nói về nỗi lòng của mình.

Mo Li, 40 tuổi, do nhiều công ty cắt giảm nhân viên, bản thân cô bị buộc phải đổi rất nhiều công việc, đến hiện giờ vẫn chưa thể ổn định công việc được. Cô cho biết mỗi tuần sẽ dành 3 – 4 ngày ở trong thư viện để đọc truyện ký của những người nổi tiếng, sử dụng những câu chuyện trong sách để chữa lành sự bế tắc của mình, đồng thời lấy dũng khí để tiếp tục sống.

Cô kể rằng đã làm việc cho một công ty nước ngoài nổi tiếng được vài năm nhưng không ngờ lại nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự. Sau đó, cô thay đổi công việc nhiều lần và bị sa thải nhiều lần. Hiện tại, dù cô có hạ lương xuống còn 6.000 (khoảng hơn 21 triệu đồng) thì vẫn không có bên nào gọi đi phỏng vấn.

Mo Li nói rằng chỉ có chồng cô biết việc cô thất nghiệp, và cô không nói với ai khác. Cô nói: “Ông bà cụ ở nhà không giúp được gì, thì hà tất phải để họ lo lắng. Thế nên ngày nào tôi cũng đi sớm về muộn, ra ngoài trong giờ làm việc, là người đầu tiên vào thư viện, đến 5 – 6h chiều mới rời đi.”

Mặc dù Yi Hao từng là giám đốc sản phẩm tại một công ty Internet lớn, nhưng anh vẫn không thể thoát khỏi tình trạng bị sa thải một cách vô tình. Anh cũng ở trong thư viện hàng ngày, dùng nó làm nơi ẩn náu trong thời kỳ quá độ thất nghiệp. Trong quá trình nộp vô số hồ sơ và phỏng vấn hết lần này đến lần khác, anh đã trải nghiệm sâu sắc sự bất ổn trong thị trường việc làm của Trung Quốc.

Một người được phỏng vấn khác, Tang Ting, trở về quê hương Quý Châu từ một thành phố hạng nhất và dành hàng ngày trong thư viện để chuẩn bị cho kỳ thi công chức. Cô hy vọng có thể ổn định sự nghiệp và thoát khỏi vòng xoáy công việc không ổn định.

Trong số những người thất nghiệp suốt ngày ngồi trong thư viện, cũng có một vài ví dụ về những cú lật ngược thành công. Zhang Yang, người từng làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước, đã chọn rời bỏ vùng an toàn của mình, chăm chỉ nghiên cứu kiến ​​thức chuyên môn trong thư viện và cuối cùng trở thành giảng sư về kinh doanh thương mại, tái định hình lại giá trị cá nhân của mình.

Làn sóng cắt giảm nhân viên ở Thâm Quyến chủ yếu tập trung ở ngành công nghệ

Cách đây vài ngày, một phóng viên của Lianhe Zaobao đã đến thăm Thư viện Thâm Quyến ở Hồng Sơn, quận Long Hoa, phát hiện ra ngay cả vào ngày làm việc trong tuần, thư viện vẫn rất đông đúc, chủ yếu là giới trẻ. Họ mang theo máy tính, một số đang gửi hồ sơ, một số đang xem video và một số đang ôm đầu ngủ.

Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng thất nghiệp ở Thâm Quyến cho biết họ chọn cách “ngụy trang” đi làm ở những nơi công cộng như thư viện, quán cà phê để duy trì nhịp sống thường ngày và tránh cho người nhà lo lắng.

Theo phóng viên của tờ báo này, nhiều ngành công nghiệp ở Thâm Quyến, đặc biệt là ngành tài chính và công nghệ, đã ứng phó với môi trường kinh tế bất ổn bằng cách cắt giảm nhân viên hoặc giảm tuyển dụng.

Bà Wang Ying, phó giám đốc của Robert Walters China, một công ty dịch vụ tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp quốc tế, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn rằng tình trạng cắt giảm nhân viên ở Thâm Quyến trong quý đầu năm nay chủ yếu tập trung vào ngành công nghệ, tiếp tục làn sóng cắt giảm trong ngành này kể từ năm ngoái.

Bà Wang Ying kết luận rằng các công ty công nghệ đã mở rộng quá nhanh trong vài năm qua khi tình hình kinh tế tốt. Tuy nhiên, với các yếu tố như suy thoái kinh tế, chính sách mới và những quy định mới, nâng cấp công nghệ và thách thức nghiên cứu phát triển (R&D), đã khiến hoạt động và phát triển của các công ty công nghệ có thể bị ảnh hưởng.

Mặc dù toàn bộ ngành công nghệ đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm nhân sự, nhưng tình hình ở các phân khúc khác nhau lại khác nhau. Bà đưa ra ví dụ, một số công ty tập trung vào các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây vẫn duy trì đà tăng trưởng, trong khi các nhà sản xuất phần cứng hay công ty phát triển phần mềm truyền thống đang đối mặt với thách thức.

Bà cho biết nhiều công ty công nghệ đang tìm cách mở rộng thị trường nước ngoài trong bối cảnh thị trường Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả. Do các thị trường khác nhau khác với Trung Quốc về luật pháp, văn hóa và cạnh tranh thị trường, nên các công ty cần chuyên gia trong các lĩnh vực này để đối phó với những thách thức.

Lương thấp, thời gian làm việc dài, cạnh tranh khốc liệt

Zheng Min, 35 tuổi, là giám đốc tài chính, hiện đang thất nghiệp kể từ khi bị một công ty dịch vụ tư vấn sa thải vào cuối năm ngoái. Cô đến từ Chương Châu, Phúc Kiến, nói với các phóng viên rằng cô đã gửi hàng trăm hồ sơ xin việc ở Hạ Môn trong 6 tháng qua, nhưng hoặc là bị từ chối, hoặc là điều kiện của công ty không phù hợp với yêu cầu của cô.

Cô nói: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực tài chính hơn 10 năm và mức lương của tôi đạt trung bình 25.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Nhưng hiện tại, với cùng một vị trí quản lý, nhiều công ty chỉ muốn đưa ra mức lương 8.000 nhân dân tệ cho 12.000 nhân dân tệ, giờ làm việc dài hơn và lương kém hơn trước rất nhiều.”

Sau khi không tìm được việc làm, cô trở lại Thâm Quyến vào tháng 5 năm nay với hy vọng tìm được một công việc lý tưởng ở thành phố hạng nhất này. Cô nói: “Tôi rời Thâm Quyến đến Hạ Môn làm việc cách đây 3 năm để gần quê hương hơn. Nhưng mức lương hiện tại ở đó không còn đủ trang trải chi phí sinh hoạt nên tôi phải quay lại (Thâm Quyến) để tìm việc làm.”

Zheng Min than thở rằng so với thời điểm khi cô đến Thâm Quyến vào đầu năm 2018, thị trường việc làm ở đây đã có những thay đổi đáng kể, có ít vị trí để lựa chọn hơn và sự cạnh tranh gay gắt hơn.

“Trong thị trường ngày nay, người sử dụng lao động chọn ứng viên chứ không phải ứng viên chọn người sử dụng lao động. Khi công ty lựa chọn nhân viên, họ nhạy cảm hơn và loại trừ đối với người có thời gian gián đoạn trong nghề nghiệp; phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử trong thị trường việc làm trong quá trình tìm việc, đặc biệt là về các vấn đề cá nhân như tình trạng hôn nhân, kế hoạch sinh con.”
Có khoảng cách rất lớn giữa số liệu chính thức và số người thất nghiệp thực tế

Theo dữ liệu do Cục Nguồn nhân lực và An sinh xã hội thành phố Thâm Quyến công bố, số người thất nghiệp mới đăng ký ở Thâm Quyến trong quý đầu tiên của năm nay đã tăng 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 15% so với quý trước. Con số này không bao gồm những người thất nghiệp chưa đăng ký hoặc đã đăng ký trước đó, cũng như những người tiếp tục đóng quỹ dự phòng an sinh xã hội cho mình sau khi mất việc. Trên thực tế, dữ liệu công khai chỉ chiếm một phần nhỏ trong quy mô thực tế và bộ dữ liệu này hiện đã bị xóa khỏi trang web chính thức của chính quyền Thâm Quyến.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trung bình được khảo sát ở thành thị trong quý 1 năm nay là 5,2%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả nhóm thanh niên, vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, cũng chỉ ghi nhận 14,7% trong tháng 4 năm nay, giảm so với mức 15,3% trong tháng 3. Nhiều người cho rằng dữ liệu này khác xa với thực tế.

Thái Tư Vân, Vision Times

Related posts