Chính phủ Hồng Kông chủ trương hợp pháp hóa “trao đổi nội tạng” với Đại Lục

(Ảnh minh họa: Gorodenkoff/ Shutterstock)

Tháng 12/2022, chính quyền Hồng Kông đã đề xuất trao đổi nội tạng giữa Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông, khiến dư luận lo ngại. Cư dân mạng Hồng Kông chế nhạo: “Hồng Kông đã trở thành trang trại nuôi cấy nội tạng cho các quan chức cấp cao của Đại Lục.”

Ngày 27/7, sau khi tham dự một chương trình truyền hình, Giám đốc Y tế và Sức khỏe Hồng Kông, ông Lư Sủng Mậu (Lo Chung Mau), đã gặp gỡ giới truyền thông. Ông tin rằng việc hiến tạng xuyên biên giới là một điều tốt. Ông nói: “Tôi có nội tạng nhưng tôi không dùng đến thì đương nhiên tôi sẽ nghĩ đến họ.”

Ông Lư Sủng Mậu cho biết, việc hiến tạng xuyên biên giới chủ yếu liên quan đến 2 khía cạnh, gồm phân phối nội tạng và vận chuyển nội tạng.

Thứ nhất, chính phủ hy vọng đạt được cấp độ phân phối thứ hai, tức là khi hai nơi có nội tạng nhưng tại địa phương không có người nhận phù hợp, họ có thể thông báo cho bên kia, để triển khai cơ chế hỗ trợ lẫn nhau xuyên biên giới.

Hiện tại đã có cơ chế để thực hiện, nhưng sẽ mất nhiều thời gian xem xét và phê duyệt theo từng trường hợp cụ thể. Nếu cơ chế này được thực hiện thường xuyên thì sẽ nhanh hơn rất nhiều và chính phủ sẽ đi theo hướng này.

Nói về sự phát triển hơn nữa, ông Lư Sủng Mậu cho rằng trong tương lai, chẳng hạn như ở Hồng Kông hiện tại không có trường hợp nào cần nội tạng, thì nội tạng ở Hồng Kông sẽ được phân bổ cho Đại lục theo cơ chế tự động. Điều này liên quan đến sự thay đổi trong hệ thống phân phối.

Khía cạnh thứ 2 là các quy định về xuất nhập cảnh, đặc biệt là thủ tục hải quan, sẽ kéo theo những thay đổi về pháp luật.

Cư dân mạng Hồng Kông nói đùa rằng trên thực tế, khi tổ quốc cần nội tạng, họ sẽ nghĩ đến người dân Hồng Kông.

“Chỉ cần một vụ tai nạn, tỉnh lại sẽ mất hết nội tạng, khiến bạn hối hận cả đời.”

Một số cư dân mạng cho rằng: “Nội tạng người có thể được phân phối và vận chuyển theo ý muốn như hàng hóa. Chính phủ này thực sự quá tà ác!”

“Hồng Kông đã trở thành trang trại nuôi cấy nội tạng cho các quan chức cấp cao của Đại Lục.”

“Thu hoạch nội tạng sống: Ngành sản suất mới.”

Tháng 12/2022, một bé gái ở Hồng Kông có tên Chỉ Hy (Zhixi), đã nhận được một quả tim từ Đại Lục và hoàn thành ca ghép tim tại Bệnh viện Nhi đồng. Em trở thành ca ghép nội tạng của Đại Lục đầu tiên ở Hồng Kông.

Nhân cơ hội này, Chính phủ Hồng Kông đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động “trao đổi nội tạng” giữa Trung Quốc và Hồng Kông, đưa Hồng Kông vào “Hệ thống chia sẻ và phân phối nội tạng máy tính Trung Quốc” (COTRS).

Tháng 3/2023, ông Lư Sủng Mậu đến thăm Bắc Kinh và gặp ông Hoàng Khiết Phu, Chủ tịch Ủy ban Cấy ghép và Hiến tạng người Trung Quốc, đồng thời liên lạc với Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc.

Ông hy vọng bình thường hóa hoạt động “trao đổi nội tạng” giữa Trung Quốc và Hồng Kông. Khi đó, vụ việc này đã gây lo ngại trong xã hội Hồng Kông, người dân lần lượt hủy đăng ký hiến tạng.

Để đối phó với sự gia tăng số lượng hiến tặng bị hủy bỏ, ngày 22/5/2023, Chính phủ Hồng Kông đưa ra thông báo bảo vệ hoạt động cấy ghép nội tạng xuyên biên giới. Trong thông báo, họ chỉ trích một số người cố tình xúc phạm tầm quan trọng của “trao đổi nội tạng”, và coi thường sự thật “một giọt máu đào hơn ao nước lã” giữa hai nơi.

Sau khi được công bố, thông báo này làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi. Một số cư dân mạng Hồng Kông cho rằng ngay khi nhìn thấy dòng chữ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, họ đã biết rằng Chính phủ lại bắt đầu lừa dối.

Họ tức giận nói: “Thà đốt thành tro và rải xuống biển, cũng không thèm hiến tạng!”

Tài khoản X “Jason wang” chỉ ra rằng việc hiến tạng ở Trung Quốc Đại Lục là một trò lừa đảo trần trụi. Cấy ghép nội tạng cần có nội tạng sống và một ca phẫu thuật phải hoàn thành trong vòng nửa giờ.

Nếu chết thông thường, từ việc xem xét nội tạng có bị tổn thương hay không, đến việc có tương thích không, chắc chắn cũng sẽ không kịp về mặt thời gian.

Khả năng duy nhất là tìm nguồn tương thích trước và đợi người hiến chết não. Tuy nhiên, rất hiếm khi cơ thể người hiến vẫn còn sống sau khi não của người hiến đã chết. Vì vậy, Trung Quốc thường xuyên sử dụng biện pháp thu hoạch nội tạng từ người còn sống.

Lý Hoài Quất, Vision Times

Related posts