Mỹ, và theo đó là Ý, Tây Ban Nha, và Hy Lạp đã cho đóng cửa các đại sứ quán của mình tại Kiev, do chiến tranh Ukraine có thể leo thang, sau khi quân đội Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Mỹ (ATACMS) và tiếp đó là của Anh/Pháp (Storm Shadow) tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, điều mà Nga coi là đã vượt lằn ranh đỏ và đã tuyên bố rằng họ có thể có đáp trả thích đáng.
Truyền thông Tây phương lần lượt đưa tin rằng các đại sứ quán của Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, và Hy Lạp tại Kiev đã đóng cửa với lý do sợ bị Nga tấn công. Đại sứ quán Pháp và Anh vẫn chưa đóng cửa, tính đến hôm Thứ Tư, nhưng cũng đã cảnh báo các công dân của họ phải thận trọng.
Sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, kèm lời hứa hẹn khi tranh cử rằng sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong thời gian sớm nhất, thì chiến tranh Ukraine đã có chiều hướng leo thang. Truyền thông Tây phương đưa tin chính quyền Biden cho phép dùng vũ khí tầm xa của Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, và tiếp đó, duyệt gửi mìn sát nhân cho chiến tranh; đồng thời chính quyền Kiev liên tục dùng tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh/Pháp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Chính quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden cũng đang thực hiện ráo riết việc chuyển giao vũ khí cho Kiev trước khi Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc ngày 20/1/2025.
Các cảnh báo của Tây phương về việc Nga có thể trả đũa được coi là biện pháp phòng ngừa, khi chưa có cuộc tấn công nào như vậy diễn ra, theo France 24 đưa tin. Phóng viên cho hay hiện nay có một loạt tức giả (fake news) tuyên bố rằng theo các nguồn tin tình báo của Ukraine thì Nga sẽ có một loạt các cuộc không kích vào Kiev, khiến chính bản thân cơ quan tình báo của Ukraine đã đứng ra làm rõ rằng họ không phải là người đưa ra cảnh báo này.
Phóng viên của France 24 tại Kiev bình luận rằng việc cho phép dùng mìn sát nhân —trái với công ước quốc tế mà Ukraine đã tham gia— là biểu hiện của sự tuyệt vọng của quân Kiev ở chiến tuyến phía Đông.
Ngay trước đó, trong phỏng vấn với phóng viên Fox News, khi được hỏi về tình huống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông Zelensky đã nói, “Nếu [Mỹ] họ cắt [viện trợ], thì tôi nghĩ rằng [Ukraine] chúng tôi sẽ thua. Đương nhiên chúng tôi sẽ trụ lại và chiến đấu. Chúng tôi có [năng lực] sản xuất [vũ khí] của mình, nhưng nó không đủ để chiến thắng, và tôi nghĩ rằng không đủ để sống sót.”
“Nếu quyết định như thế chính là quyết định của Mỹ, thì chúng tôi sẽ phải làm ra quyết định của mình,” ông Zelensky nói thêm.
Bình luận về việc này, phóng viên của France 24 cho hay hiện nay người Ukraine kỳ thực vừa có suy nghĩ ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ quân sự, vừa có suy nghĩ rằng ông Trump sẽ tăng cường viện trợ quân sự, với lập luận rằng nếu ông Trump muốn có lợi thế khi đàm phán với Nga thì ông ta vẫn cần trước tiên phải tăng cường năng lực quân sự cho quân đội của chính quyền Kiev. Ngoài ra, theo phóng viên, sự thất bại thảm hại của Kiev sẽ là nỗi nhục nhã cho Mỹ, và đó cũng là một luận điểm nữa mà giới chức Kiev kỳ vọng có thể thuyết phục ông Trump tiếp tục viện trợ.
Phóng viên cũng lưu ý rằng, câu trả lời của Zelensky với Fox News là cách mà ông ta nói với người Mỹ, cũng là thông điệp mà Fox News mà muốn truyền tải cho người Mỹ, để định hướng quan điểm công chúng Mỹ về chiến tranh Ukraine.
Còn trong nội địa, theo phóng viên, thì người ta nghe ông Zelensky “có những ngôn từ uyển chuyển (nuances) trong các tuyên bố của mình, mà theo tôi, là một thông điệp chuẩn bị cho các đàm phán, hoặc một loại thỏa thuận nào đó, mà trong đó sẽ đóng băng xung đột, điều mà có những người Ukraine rất không hài lòng.”
Phóng viên dẫn chứng ví dụ lời phát biểu gần đây nhất của Zelensky trước quốc hội, khi ông Zelensky nói rằng “chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ QUYỀN lãnh thổ” , tức là khác với lối nói trước đó rằng “chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ.” Đó là sự khác biệt, theo phóng viên, vì đóng băng xung đột có thể được hiểu là tạm thời chấp nhận mất đi lãnh thổ, nhưng không “thừa nhận CHỦ QUYỀN của Nga trên phần lãnh thổ đó.”
Nhật Tân