Bắc Kinh phân bổ 41 tỷ USD cho các địa phương để thúc đẩy tiêu dùng

Bắc Kinh phân bổ 41 tỷ USD cho các địa phương để thúc đẩy tiêu dùng
Xe Nio được trưng bày tại Triển lãm Công nghiệp Ô-tô Quốc tế Thượng Hải lần thứ 19 tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 19/4/2021. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Số tiền được phân bổ từ trái phiếu được cho là sẽ chỉ có tác dụng hạn chế và nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong tương lai.

Trong biện pháp mới nhất của Trung Quốc nhằm kích thích nền kinh tế, Bắc Kinh đã công bố việc phân bổ trực tiếp 300 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 41,4 tỷ USD) trái phiếu kho bạc siêu dài hạn cho các chính quyền địa phương để hỗ trợ nâng cấp thiết bị và các dự án đổi hàng tiêu dùng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng với việc rút đi của vốn nước ngoài, việc dư thừa công suất sản xuất, nhu cầu trong nước trì trệ và chi tiêu của người tiêu dùng bị hạ cấp, số tiền từ trái phiếu do chính quyền đầu tư sẽ chỉ có tác dụng hạn chế và có thể bị các quan chức địa phương biển thủ.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Bộ Tài chính của Trung Quốc đã công bố biện pháp này vào ngày 25/7, nêu rõ rằng việc phân bổ này là nhằm “tăng cường hỗ trợ nâng cấp thiết bị trên quy mô lớn và đổi hàng tiêu dùng cũ”.

Các nhà chức trách tuyên bố rằng khoảng 150 tỷ CNY (khoảng 20,7 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn sẽ được phân bổ trực tiếp cho các chính quyền địa phương để “thực hiện độc lập chính sách đổi hàng cũ lấy hàng mới đối với hàng tiêu dùng”. Thông báo chính thức cũng nêu rõ rằng 150 tỷ CNY (khoảng 20,7 tỷ USD) từ trái phiếu sẽ được phân bổ để hỗ trợ nâng cấp thiết bị cho doanh nghiệp trong khi xóa bỏ yêu cầu trước đây là “tổng vốn đầu tư dự án không dưới 100 triệu CNY”.

Ông Triệu Thần Hân (Zhao Chenxin), phó chủ nhiệm NDRC, cho biết tại một cuộc họp báo rằng số tiền này sẽ được phân bổ hoàn toàn trước cuối tháng 8.

Các khoản trợ cấp sẽ không có nhiều tác dụng

Ông Tạ Kim Hà (Hsieh Chin-ho), chủ tịch Tạp chí Wealth (Thịnh vượng) của Đài Loan, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng 300 tỷ CNY không phải là một số tiền lớn, “với việc nhu cầu trong nước của Trung Quốc rất yếu, lợi nhuận thương mại điện tử đã gây ra sự thu hẹp lớn đối với các cửa hàng truyền thống, … bong bóng bất động sản đã vỡ và mọi người sợ tiêu dùng”.

Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất máy giặt tại một nhà máy của công ty thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng Trung Quốc Haier ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 18/2/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

“Hiện tại, kết quả kinh doanh của nhiều mặt hàng tiêu dùng cao cấp rõ ràng đã giảm”, ông nói.

“Nhu cầu trong nước yếu và 300 tỷ CNY là một số tiền rất nhỏ. Vấn đề cốt lõi của bong bóng bất động sản vẫn chưa được giải quyết”.

Ông Tạ lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể phát triển nhanh chóng trong quá khứ là nhờ đầu tư nước ngoài, “một phần lớn trong số đó là việc đầu tư liên tục và gửi nhân tài đến Trung Quốc của các doanh nhân Đài Loan”.

“Bây giờ, các doanh nhân Đài Loan đang chuyển tiền ra ngoài [Trung Quốc] và mọi người đều đang rời khỏi Trung Quốc”, ông nói. “Mối quan hệ xuyên eo biển căng thẳng hơn, bao gồm cả 22 điều luật gần đây [luật ‘chống sự độc lập của Đài Loan’ của Trung Quốc], điều này sẽ đẩy nhanh quá trình trốn chạy của các doanh nhân Đài Loan khỏi Trung Quốc. Không chỉ có [ít] vốn chảy vào Trung Quốc hơn mà vốn còn liên tục chảy ra ngoài”.

Ông dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong tương lai.

Các nhà chức trách của Trung Quốc nhấn mạnh trong thông báo rằng các khoản tiền được phân bổ trực tiếp cho các chính quyền địa phương “không được sử dụng để cân bằng ngân sách địa phương hoặc trả nợ cho chính quyền địa phương” và phải được sử dụng cho các mục đích cụ thể và “các hành vi bất hợp pháp và bất thường như biển thủ, gian lận và gian lận trợ cấp” phải được ngăn chặn nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ông Tạ chỉ ra rằng các chính quyền địa phương ở mọi cấp tại Trung Quốc đều không minh bạch, khiến cho việc tham nhũng có thể xảy ra.

“Các chính quyền địa phương từng bán đất như những nguồn tài chính của họ”, ông nói. “Bây giờ những nguồn tài chính này đã bị cắt đứt, bạn không biết liệu 300 tỷ CNY có bị họ nuốt chửng sau khi được phân bổ hay không”.

Ông Từ Hưng Phong (Xu Xingfeng), một quan chức của Cục Xúc tiến Người tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo ngày 25/7 rằng tiêu dùng trong nước của Trung Quốc đang chịu “áp lực lớn hơn” trong nửa đầu năm nay. Nhưng ông khẳng định rằng nếu “bốn trụ cột” của tiêu dùng – ô-tô, thiết bị gia dụng, đồ gia dụng và dịch vụ ăn uống – có thể được ổn định thì tiêu dùng có thể được ổn định.

Ông nói về trợ cấp đổi xe ô-tô: “Đối với những người tiêu dùng cá nhân loại bỏ xe cũ và mua xe mới, tiêu chuẩn trợ cấp sẽ được tăng từ 10.000 CNY [1.379 USD] cho mỗi xe đối với xe điện mới lên 20.000 CNY [2.758 USD] và đối với xe chạy bằng xăng, nó tăng từ 7.000 CNY [965 USD] lên 15.000 CNY [2.069 USD]. Những người mua một số thiết bị gia dụng như tivi, máy điều hòa và máy tính sẽ nhận được trợ cấp tương đương từ 15% đến 20% giá bán, nhưng trợ cấp cho mỗi mặt hàng sẽ không vượt quá 2.000 CNY [khoảng 276 USD]”.

Ông Từ Chân (Xu Zhen), một nhà phân tích thị trường vốn cấp cao của Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc đưa ra các chính sách kích thích tương tự hàng năm nhưng tác động của chúng đối với việc thúc đẩy nền kinh tế là có hạn.

“Đối với các thiết bị gia dụng, chính sách thay thế đồ cũ bằng đồ mới thực ra đã được đưa ra từ năm 2008 đến năm 2012”, ông cho biết. “Mức trợ cấp khi đó là 13%, còn bây giờ là 15% đến 20%, không phải là mức tăng lớn. Đối với xe điện mới, mức trợ cấp thuế mua xe là 12.600 CNY [1.738 USD] cho mỗi xe trước năm 2022, còn bây giờ là 20.000 CNY [2.758 USD]. Mức tăng không đáng kể, tôi không nghĩ là nó sẽ có nhiều tác dụng”.

Ông Từ Chân cho biết quan niệm tiêu dùng của người dân đã thay đổi rất nhiều và việc tiêu dùng đang bị hạ cấp trong bối cảnh suy giảm kinh tế nói chung.

“Giờ đây, người dân phải cắt giảm chi tiêu sau khi trải qua những đợt phong tỏa do COVID-19, suy giảm kinh tế liên tục và tình trạng thất nghiệp”, ông cho biết. “Đằng sau hiện tượng ‘nằm thẳng’ là sự thiếu lòng tin của người dân vào tương lai, xã hội và thậm chí là chính quyền. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng đối với chính quyền Trung Quốc”.

Hiện tượng “nằm thẳng” mô tả phong trào phản kháng thụ động của người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi, bằng cách từ chối đối mặt với áp lực xã hội buộc họ phải làm việc quá sức hoặc nỗ lực quá mức để thành công và chỉ làm những gì tối thiểu để tồn tại.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts