Tết năm
nay 2019, Ban quản trị mới của nhà dưỡng lão Rosemont tổ chức một tiệc đón Xuân
long trọng và rất vui cho những người già cư ngụ trong viện. Mọi người, không
phân biệt chủng tộc, đến bắt tay nhau, chúc mừng sức khoẻ và niềm vui năm mới
cho bạn. Không khí thân mật vui vẻ, khác hẳn những ngày lễ trong các năm trước.
Trong không khí hân hoan, các bạn gìà người Việt tiếp tục tiệc trà mứt, nói
chuyện tâm tình, nhắc lại nhiều kỷ niệm lúc thiếu thời ở quê hương. Sau vài mẩu
chuyện của các bạn từng là giáo sư, sĩ quan Cộng Hòa, một anh bạn hỏi tôi: Anh
Nguyễn Phương viết rất nhiều lý lịch nghệ sĩ và chuyện vui sân khấu. Anh không
kể chuyện về phần anh. Hôm nay ngày vui Xuân, anh kể cho chúng tôi nghe lý do
sao mà anh bỏ không làm cho Sở Bưu Điện Saigòn mà lại trở thành nghệ sĩ?
Tôi thành thật cho biết là tôi theo gánh hát chỉ vì tánh bốc đồng ham vui của
tuổi trẻ, chớ không phải vì mê đào hát.
Các bạn không tin. Anh Thanh Bạch, bạn thân nhất của tôi nói:” Nếu anh bốc đồng
theo gánh hát thì một thời gian nào đó anh cũng thấy làm vậy là sai lầm. Anh có
thể trở về làm việc ở Sở Bưu Điện, tại sao anh không làm?”
-“Phải biết là lúc đó đang có chiến tranh Việt Pháp, Bót Catinat của Phòng Nhì
Pháp đóng đô trước nhà thờ Đức Bà, bên hông Sở Bưu Điện. Tôi thường thấy nhiều
người bị bắt vô bót Catinat, khi xe jeep chở họ ra nhốt ở khám lớn, người nào
người nấy bị đánh tét đầu, dập môi… Tôi đang làm cho một Sở của Pháp, bỗng nhiên
vắng mặt không lý do cả tháng trời, trở về Sở cũ, làm sao mà không bị tình nghi
là đi theo Việt Minh? Chỉ cần bị tình nghi thôi thì bị công an mật thám bắt
nhốt vô khám lớn ở đường La Grandière liền.
Anh Thanh Bạch nói:” Đúng là một khi anh đã lỡ bỏ Sở làm ra đi, cũng khó mà trở
lại làm việc ở Sở cũ. Anh có thể cho biết… phải có một nguyên nhân nào, một sự
thu hút nào mãnh liệt, mới có thể quyến rũ anh bỏ nhà, bỏ Sở theo gánh hát
chứ!”
Nhớ lại
chuyện vì sao tôi theo nghề hát cải lương.
Hồi đó, nhà của tôi ở đường hẻm Cá Hấp, gần cây xăng của ông Nguyễn Văn Hảo
(chủ rạp hát Nguyễn Văn Hảo đường Galliéni, tức đường Hưng Đạo sau này). Tôi
thích xem hát cải lương, nhà lại ở gần rạp Thành Xương nên bất kể là đoàn hát
nào về hát ở đó, trong một tuần lễ, thế nào tôi cũng mua vé xem hát vài ba đêm.
Nhờ vậy mà tôi quen biết nhiều nghệ sĩ như Thanh Cao, Trường Xuân, hề Lòng,
nhạc sĩ Năm Cơ, nhạc sĩ Sáu Xíu, nhạc sĩ Ba Tý.
Những ngày chúa nhựt, nhạc sĩ Năm Cơ dạy tôi đờn kìm và dạy tôi ca cổ nhạc, bù
lại tôi giúp điều khiển giàn âm pli phóng thanh khi Ban cổ nhạc của Ban Quảng
Cáo Thuốc Võ Đình Dần đờn ca tại các địa điểm rao bán thuốc, mỗi lần đi quảng
cáo, chủ phát lương cho mỗi người năm chục đồng, bao tiền cơm nước.
Ban quảng cáo thuốc của nhà thuốc Võ Đình Dần dùng hình thức ca cổ nhạc, hát
hò, đờn hòa tấu và giới thịệu từng thứ thuốc, công dụng của thuốc và cách sử
dụng thuốc. Một chiếc xe hơi minivan vừa chở thuốc bên trong vừa chở máy vi âm,
micro để cho các ca sĩ và nhạc sĩ đờn ca giúp vui xen kẽ với lời quảng cáo
thuốc. Đờn chánh có hai nhạc sĩ Năm Cơ đờn kìm và Sáu Xíu đờn cò, ca sĩ có anh
Sáu Thoàng, cô Sáu Ngạn. Bài bản nhỏ quảng cáo thuốc thì thường là các bài Khốc
Hoàng Thiên, Ú Liu Ú Xáng, Xang Xừ Líu. Bài ca của anh Sáu Thoàng viết dựa theo
tờ quảng cáo thuốc của nhà thuóc Võ Đình Dần. Thuốc của nhà thuốc Võ Đình Dần
bán chạy nhứt là thuốc viên Cửu Long Hoàn, mỗi hộp tám viên, bên ngoài mỗi viên
có bọc sáp, có dấu ấn chử đỏ. Anh Sáu Thoàng không viết được bài ca nào để
quảng cáo thuốc Cửu Long Hoàn nên anh nhờ tôi viết dùm. Tôi vì chưa quen viết
bài ca cổ nhạc nên đề nghị tôi viết một bài thơ để quảng cáo thuốc Cửu Long
Hoàn để đăng báo. Cô Sáu Ngạn sẽ ngâm bài thơ đó qua micro ở các chợ và sau đó
tôi sẽ viết thành một bài ca cổ nhạc.
Bài thơ
quảng cáo Cửu Long Hoàn được ông chủ nhà thuốc Võ Đình Dần chấp thuận cho đăng
báo Ngày Nay và Công Luận Nhật Báo. Ông trả cho tôi 100 đồng, một số tiền rất
lớn lúc bấy giờ.
Bài thơ được cô Sáu Ngạn ngâm đi ngâm lại ở các nơi mà xe Quảng Cáo dừng lại.
Về sau tôi lấy ý đó viết một lớp xuân Tình để anh Sáu Thoàng hát quảng cáo
thuốc Cửu Long Hoàn.
Bài thơ đó như sau:
Ai đó tá
? Một mình ngồi ngơ ngẩn,
Lơ lửng sầu như bận nỗi niềm riêng
Ngoài trời thu bóng ác đã nghiêng nghiêng
Hơi gió lạnh thổi từ miền sơn hải
Thôi chớ quá buồn duyên kim cải
Uống Cửu Long Hoàn tìm lại cái dung nhan
Ngày xanh nó khéo chóng tàn.
Sau một
đợt đờn ca, họ quảng cáo và bán thuốc. Ở mỗi chợ, Ban quảng cáo thuốc của hãng
Võ Đình Dần quảng cáo độ hai tiếng đồng hồ, sau đó họ chạy qua chợ khác. Tôi đã
theo xe đi các chợ Cây Gỏ, chợ Bình Tiên, Chợ Lớn mới (chợ Bình Tây), Chợ Kim
Biên, Chợ Tân Định, Chợ Gò Vấp, chợ Hốc Môn, chợ Bà Chiểu, Ngã Tư Hàng Xanh,
ngã Năm Bình Hòa, ngã Ba Chú Ía, chợ Xóm Củi, cầu Nhị Thiên Đường…
Ông Võ Đình Dần mời tôi lại nhà thuốc, ông muốn tôi viết một bài thơ quảng cáo
thuốc Cửu Long Hoàn dựa theo truyện Kiều để quảng cao câu khách hàng người Bắc
Di cư.
Tôi đọc truyện Kiều rồi phỏng theo ý thơ làm một bài thơ quảng cáo thuốc Cửu
Long Hoàn như sau:
Chân
trời mặt biển lênh đênh
Chồng con đâu tá, tánh danh là gì?
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Tâm riêng riêng những ngại vì nước non
Dầu rằng sông cạn đá mòn,
Khuôn duyên biết có vuông tròn với ai,
Thềm hoa người kịp trở hài,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng
Bên người sẵn thuốc Cửu Long ngại gì?
Những khi mưa nắng bất kỳ,
Võ Đình Dần hiệu sẵn thì một bên,
Ba sinh chẳng phụ mười nguyền.
Ông Võ
Đình Dần vỗ tay cười ngất, ông khoái quá nhất là trong bài thơ này có tên Võ
Đình Dần và thuốc Cửu Long Hoàn.
Bữa đó ông chủ nhà thuốc Võ Đình Dần thưởng tôi 200 đồng và đãi tôi với Ban
Quảng Cáo của nhà thuốc ăn một bữa ăn thịnh soạn tại nhà hàng Lục Bảo ở đường
Marins Chợ Lớn. Trong buổi tiệc, cô Sáu Ngạn ngâm bài thơ đó dưới hình thức
ngâm sa mạc rồi ngâm lần thứ hai theo giọng Tao Đàn. Anh Sáu Thoàng ngâm bài
thơ đó theo lối nói thơ Vân Tiên. Ông Võ Đình Dần đề nghị tôi ký hợp đồng giúp
việc quảng cáo thuốc cho ông nhưng tôi chưa dám nhận lời.
Bài thơ của tôi ghép nhiều ý, chẳng ra làm sao cả, chỉ có câu Bên người sẵn
thuốc Cửu Long ngại gì và câu có tên của ông chủ Võ Đình Dần, theo tôi bài thơ
đó giống như điệu thơ Con Cóc trong hang con cóc nhảy ra, Con Cóc nhảy ra con
cóc ngồi đó….nhưng ông Võ Đình Dần khen bài thơ quảng cáo kia một cách thật
tình. Tôi thật xấu hổ với chính mình nhưng nghĩ lại lối quảng cáo như kiểu Sơn
Đông mãi võ hay quảng cáo của nhà thuốc Võ Đình Dần chỉ chú trọng là làm sao
cho khách hàng chú ý tới tên thuốc, cách trị bịnh, giá thuốc rẻ mà công hiệu,
còn như văn chương hay hình thức văn nghệ thì chỉ như là ốc mượn hồn, mượn
chuyện ca hát để nói lên tiếng Cửu Long Hoàn và Võ Đình Dần là được rồi.
Theo xe quảng cáo thuốc Võ Đình Dần tuy vất vả nhưng thật vui, nhân dịp đó tôi
biết có một vài mặt hàng đặc biệt mua bán tập trung trong chợ nào đó. Ví dụ
muốn mua đồ nhà binh, đồ quân trang, quân dụng thì người ta xuống chợ Dân Sinh
ở gần Cầu Ông Lãnh. Chợ nầy còn có tên gọi là chợ Nhà Binh vì ở trong chợ đó có
nhiều sạp bán quần áo lính, giầy đinh, bình ton đựng nước, giây nịch… Nếu mua
mỹ phẩm từ Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc nhập sang thì vô chợ Kim Biên, gần
hãng savon Cô Ba của ông Trương Văn Bền ở Chợ lớn. Muốn mua vải sồ thì vô chợ
Soái Kình Lâm ở ngã Năm Chợ lớn…Muốn mua chưn đèn, bạch hạc, lư hương, lục
bình, chuông mõ thì vô chợ đồng thau ở đường Khổng Tử…Muốn mua kim chỉ và trái
cây ngon thì vô chợ Nhà Giàu tức chợ Tân Định…
Xe quảng cáo của nhà thuốc Võ Đình Dần đi quảng cáo thuốc ở đầu chợ hoặc cuối chợ. Sau khi bắt điện vô máy vi âm, giăng dây cho loa phóng thanh hướng vô chợ, tôi bước xuống đường đứng lẫn với khán giả nghe ca hát, vừa quan sát thái độ của dân chúng đến nghe quảng cáo và mua thuốc, vừa nghe thử coi máy phát thanh tốt hay không. Nhân đó tôi quan sát cảnh sinh hoạt mua bán trong chợ, trên lề đường, ghi nhận nhiều hình ảnh và tâm lý của người dân mua đầu chợ, bán cuối chợ. Những con người bình dân đó sau này được tôi xây dựng thành nhân vật trong các tuồng xã hội của tôi sáng tác. Khi về rạp Thành Xương, tôi kể lại cho anh Thanh Cao nghe việc tôi theo Ban quảng cáo của nhà thuốc Võ Đình Dần với nhạc sĩ Năm Cơ, anh Thanh Cao biết tôi mê cổ nhạc nên rủ tôi đi làm quản lý cho gánh hát, nhân dịp đó tôi học sáng tác tuồng cải lương để trở thành một soạn giả. Tôi cũng chán cảnh sống với số lương công chức cố định và việc làm nhàm chán ở Phòng Kỹ thuật Sở Bưu Điện. Ông bầu Cang trực tiếp mời tôi và đề nghị mức lương phát cho tôi mỗi suất hát là một trăm đồng Đông Dương, tính ra nếu hát thường xuyên ở Saigon thì lương tôi tối thiểu mỗi tháng được tới 3000- đồng Đông Dương. Số lương nầy tính trong thời điểm năm 1948 là một số lương rất lớn, lớn gấp ba lần số lương của tôi lãnh của Sở Bưu Điện. Máu giang hồ trong người tôi được đánh thức dậy, tôi không so đo hơn thiệt nên vào tháng tám năm 1948, tôi xách valy theo đoàn hát Tiếng Chuông của Bầu Cang như một cô gái mê tiếng kèn giọng quyển, cuốn gói theo người yêu.
Tôi xuống
ghe hát, bắt đầu một cuộc đời phiêu bạt giang hồ …
Gánh hát Tiếng Chuông có những danh ca như Thanh Cao, Tuấn Sĩ, Minh Tấn, kép
độc Hoàng Giang, Trường Xuân, kép lão Hoàng Sâm, kép nhì Út Nhị, Hoàng Bảo, hề
Lòng, hề Vân Trình, các cô đào trẻ rất đẹp Ngọc An, Thu Ba, Hoàng Vân, Thu Cúc,
Lệ Thẳm, các đào chánh như Lệ Thơ, Thùy Mai.
Đoàn hát lưu diễn miền Tây, hát trạm đầu tiên ở rạp hát Cai Lậy, sau đó sẽ dời
vô hát ở rạp Hòa Khánh quận An Hữu, sau nữa sẽ dời vô hát ở chợ Cái bè.
Các cô
đào trẻ Ngọc An, Thu Ba, Bé Hoàng Vân khi hóa trang là những vai nữ tướng, công
chúa, hoàng hậu, cô nào cũng đẹp. Tôi làm phận sự của người quản lý đoàn hát
nhưng khi đoàn hát mở màn hát là tôi đứng dưới khán phòng, nhìn lên sân khấu,
theo dõi tuồng hát mà mê mẩn tâm thần… Tôi bỗng ước ao phải chi mình là kép
hát, được đóng cặp với một trong ba cô gái đẹp đó thì cuộc đời giang hồ phiêu
lảng này cũng có một ý nghĩa đáng trân trọng rồi.
Kép Thanh Cao hát trên sân khấu, nhìn xuống thấy tôi đứng ngơ ngẩn tinh thần,
anh chắc đoán được tâm sự của tôi. Vãn hát anh rủ tôi đi ăn cháo khuya, rồi
khuyến khích tôi học ca, học đóng tuồng. Anh bắt đầu dạy cho tôi hát, ca những
bài bản nhỏ, tôi học một vài vai tuồng trong đoàn hát.
Đến rạp Hòa Khánh – An Hữu kép nhì Hoàng Bảo về Saigon xuống không kịp, anh
Thanh Cao và Hoàng Giang bảo tôi thế tuồng của Hoàng Bảo trong vai thư sinh mê
một nàng công chúa trong tuồng Núi Liễu Sông Bằng, hát với đào Thu Ba, cô đào
đẹp mà mỗi lần Thu Ba ra sân khấu, tôi nhìn theo mà nghe trái tim tôi rộn ràng,
đập mạnh như nó muốn rớt ra ngoài lồng ngực.
Được dịp hát với cô đào đẹp mà mình thường mơ ước, tôi biết là tôi không có
giọng ca nhưng hát được một lần sẽ là cơ hội để tôi gần người đẹp và sau đó tôi
quyết sẽ trở thành một soạn giả, biết đâu là tình yêu với nghề soạn tuồng sẽ
kết hợp chúng tôi lại thành một cặp tình nhân lý tưởng!
Đêm hát thế tuồng của tôi ở một rạp hát nhỏ trong quận An Hữu cũng tạm gọi là
được nhưng tôi không hài lòng. Đêm đó tôi thao thức sáng đêm, nghĩ về Thu Ba và
những gì ngổn ngang trong lòng tôi sau một đêm đóng tuồng bên cạnh người đẹp.
Đêm đó tôi viết mấy câu thơ kỷ niệm buổi lên sân khấu hát đầu tiên trong đời
tôi:
Phường
hát đêm nay qua chợ nhỏ,
Một đêm mưa gió, rất thưa giàn,
Vé không bán được, cho vào hết,
“ Thả cửa” thêm đông dễ kéo màn!
Đêm ấy lần đầu anh được đóng
Vai chàng nho sĩ rất si tình,
Dám yêu công chúa trên lầu ngọc,
Để ốm tương tư, xót nỗi mình.
Vỡ mộng, lời tim lên nức nở,
Nghiêng màu tê tái xuống lời ca,
Hơi ngân chưa dứt, tình tan lệ,
Buông lớp, anh còn nghe xót xa!
Tay vịn cánh gà, mi ngấn lệ,
Có cô gái lạ khóc theo tuồng!
Anh nhìn – đôi má hồng e thẹn,
Nàng vội len ra cửa hậu trường!
Bến quạnh trăng về lạnh gió sương…
Bài thơ tình
đầu tiên của tôi viết nhưng vẫn không dám nói thẳng với đối tượng mà tôi
yêu…Tôi đi vòng quanh qua hình ảnh của một cô gái lạ nào đó…Cho hay cái buổi
đầu mộng mơ sao mà kỳ vậy?
70 năm qua. Bước đầu bỡ ngỡ…
Soạn giả Nguyễn Phương