4-9-2024
Điều đầu tiên, tôi quan sát hình thái khi em đứng trên bục vinh quang, tay cầm cúp, đầu đội vòng nguyệt quế với đôi mắt và khuôn mặt cương nghị không cảm xúc dù vừa đạt được thành tích cao, ở độ tuổi học sinh chưa tròn 18, là hiếm thấy.
Vì sao, ở tâm thế của một người chưa đủ tuổi trưởng thành (xét về góc độ luật pháp) khi có thành tích học tập như vậy thường sẽ vui mừng, hồ hởi, nhưng Quang Vinh thì ngược lại. Đây là điểm cần những con người mang danh có hiểu biết hoặc lớn tuổi phải chậm, thật chậm để nhìn lại thật sâu sắc về khía cạnh nhân sinh quan giữa cuộc đời mà con người vốn dĩ đầy hỗn loạn, lao nhao.
Em phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận của mình đúng hay sai, tôi không lạm bàn. Vì sao? Vì để đánh giá lời nói đúng hay sai cần đặt bối cảnh, hoàn cảnh dựa trên vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức và trải nghiệm riêng v.v… của em ấy, và chúng ta không biết và lý giải chính xác 100% thời điểm em ấy viết dựa vào chứng lý gì. Có thể 50% cho rằng em ấy nói đúng và 50% cho rằng sai, tất cả cần phải có cái nhìn khách quan, tôn trọng, vì như vậy mới là dân chủ, văn minh.
Tôi tin những người lãnh đạo cao nhất của đất nước có tâm, có tấm lòng, họ sẽ không trách mắng em mà sẽ đặt câu hỏi, “tại sao một học sinh đạt thành tích cao có lời phát biểu như vậy nhỉ? Nguyên nhân do đâu và vì đâu rồi từ đó tìm hiểu cái nào đúng, cái nào sai, chưa phù hợp, nhằm chia sẻ, giúp em có cái nhìn, đánh giá khách quan và thu phục nhân tài cống hiến cho đất nước (nếu em ấy có tài năng thực thụ)…”.
Đấy chính là sự thẳng thắn, khẳng khái, cương trực và sòng phẳng của những nhà lãnh đạo có trí thức và tấm lòng bậc cao. Sự lắng nghe, chia sẻ bằng tấm lòng bao dung, rộng lượng có giá trị vô cùng lớn, nếu điều nào chưa phù hợp em sẽ tiếp nhận thay đổi, điều nào nói đúng theo cách nhìn nhận suy nghĩ của em thì phải nghiêm túc, xem xét cẩn trọng để thay đổi. Như vậy, không chỉ cá nhân em “khẩu phục mà tâm cũng phục” và người dân sẽ càng “phục” hơn bởi cách hành xử chuẩn chỉnh, và đất nước thật may mắn khi có những người lãnh đạo như vậy.
Ai đó chửi em “vô ơn”, thật lạ kỳ? Như thế nào là vô ơn? Sự vô ơn hay biết ơn là cảm xúc cá nhân của mỗi con người tuỳ thuộc vào trí tâm riêng biệt. Ngay cả các anh công an mời em ấy lên thực hiện công việc nhà nước giao phó cũng chưa một lời phát xét, cho rằng em “vô ơn”. Tôi tin các anh ấy gặp thì cũng chia sẻ, tâm sự trên tinh thần xem em ấy là “người em” hoặc như “người cha trao đổi với con mình”. Vậy những con người khác nhân danh điều gì để phán xét, phỉ pháng một tâm hồn học sinh như em?
Trong bao nhiêu con người chửi em ấy là vô ơn hãy tự vấn lương tâm rằng “mình đã sống biết ơn chưa?” Biết ơn những người công nhân lam lũ, cơ cực âm thầm dọn vệ sinh đường phố sạch đẹp để từ đó biết nhặt rác, vứt rác đúng chỗ, góp phần chia sẻ sự mệt nhọc cho người khác v.v… hay chỉ trề môi, dè bỉu, chê bai và mặc kệ, vì cho rằng “tôi đóng thuế” nên họ phải có nghĩa vụ thực hiện công việc đó?
Rồi có bao nhiêu con người đủ dũng khí lên tiếng trước bất công ngang trái hay chỉ biết “im lặng” vì lợi ích cho cá nhân và của hệ nhóm riêng? Rồi đến khi gặp bất công lại gào thét “công lý, công bằng ở đâu?”
Tôi viết những dòng chữ này gửi đến Quang Vinh – người em học sinh cần được tôn trọng, bao dung và rộng lượng. Đừng làm hoen ố tâm hồn và hình ảnh của em bằng lòng dạ hẹp hòi và trí thức hạn hẹp riêng mình.
Đất nước, Tổ quốc này không riêng gì của Vinh mà của tất cả chúng ta. Và hãy nhớ Vinh là con người có cùng dòng máu đỏ, nước mắt mặn như chúng ta đó.
P/S: Đã là người Việt Nam – hãy đừng hổ thẹn với lương tâm, trí tuệ chính mình là đủ!
Nguồn: Tiếng Dân