Mỹ và Trung Quốc thống trị câu lạc bộ siêu giàu thế giới

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo Báo cáo Centi-Millionaire 2024 do New World Wealth và Henley & Partners công bố mới đây, các thành phố châu Á đang nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ siêu giàu, trong khi châu Âu tụt lại phía sau.

Tại Việt Nam, TP.HCM được dự báo là một trong những thành phố sẽ chứng kiến sự gia tăng cộng đồng triệu phú centi trên 150% trong 16 năm, từ năm 2024 tới năm 2040.

Số lượng tăng 54% trong 10 năm

“Centi-Millionaire” (tạm dịch: triệu phú centi) là thuật ngữ dùng để chỉ những người có tài sản ròng từ 100 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD. Thuật ngữ này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính và kinh tế để phân biệt giữa những người giàu có nhưng chưa đạt đến mức tỷ phú (billionaire).

Báo cáo Centi-Millionaire 2024 trên toàn thế giới cho thấy hiện có 29.350 cá nhân có tài sản có thể đầu tư có tính thanh khoản từ 100 triệu USD trở lên, tăng 54% trong thập kỷ qua.

Sự phân bố về mặt địa lý của làn sóng siêu giàu này có sự khác biệt rõ ràng ở các khu vực khác nhau. Mỹ và Trung Quốc đã trải qua những gì được mô tả là sự bùng nổ triệu phú, vượt trội đáng kể so với châu Âu.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là ấn tượng nhất, với số lượng triệu phú tăng 108% trong 10 năm qua – vượt xa cả thành tích xuất sắc của Mỹ, quốc gia có số người siêu giàu tăng 81% trong cùng kỳ. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng triệu phú của châu Âu lại rất thấp, chỉ tăng 26% trong thập kỷ qua.

Tiến sĩ Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners, cho biết sự trì trệ ở châu Âu có thể là do sự tăng trưởng chậm của các thị trường lớn như Anh, Đức và Pháp.

“Có rất nhiều sự năng động thể hiện ở các thị trường châu Âu nhỏ hơn như Monaco, Malta, Montenegro và Ba Lan, nơi có dân số triệu phú tăng từ 75% trở lên. Địa lý của sự sung túc đang thay đổi. Khi nhóm siêu giàu này tiếp tục phát triển và di cư, ảnh hưởng của họ đối với kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu có thể sẽ rất sâu sắc và sâu rộng”, Tiến sĩ Steffen nói.

Trưởng phòng nghiên cứu của New World Wealth, Andrew Amoils, chỉ ra rằng hơn 60% triệu phú centi là doanh nhân và người sáng lập công ty, điều này khiến họ đặc biệt quan trọng khi nói đến việc tạo ra của cải. “Các doanh nghiệp do các triệu phú khởi nghiệp có tác động lan tỏa tích cực đáng kể đến tầng lớp trung lưu khi họ tạo ra số lượng lớn việc làm được trả lương cao ở quốc gia gốc của họ. Điều đáng chú ý là hầu hết các công ty trong Fortune 500, S&P 500, CAC 40, FTSE 100 và Nikkei 225 đều được bắt đầu bởi những cá nhân đã trở thành triệu phú centi”, ông cho hay.

Sự thống trị của Mỹ đang ở thế cân bằng

Báo cáo tiết lộ rằng, 1/3 số centi triệu phú trên thế giới cư trú tại 50 thành phố lớn trên toàn thế giới. Hoa Kỳ tiếp tục thống trị với 15/50 thành phố, trong đó, chiếm lĩnh 3 vị trí dẫn đầu.

Cụ thể, thành phố New York thống trị với 744 triệu phú, theo sau là Vùng Vịnh (bao gồm San Francisco và Thung lũng Silicon) với 675 và Los Angeles với 496 cư dân siêu giàu. Những thành phố này không chỉ duy trì vị trí dẫn đầu trên toàn cầu trong thập kỷ qua mà còn được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể trên 50% về dân số siêu giàu trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, như David Young, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kinh tế tại tổ chức tư vấn hàng đầu Hoa Kỳ The Conference Board đã chỉ ra trong Báo cáo triệu phú năm 2024, “xu hướng di cư và tăng trưởng triệu phú hiện tại sẽ phụ thuộc phần lớn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, dự đoán sẽ gây ra những khác biệt lớn trong các chính sách tài chính, tiền tệ, kinh tế và xã hội”.

Tiến sĩ Steffen cho biết thêm, số lượng yêu cầu di cư đầu tư từ những người Mỹ giàu có tăng gấp 5 lần trong năm nay. “Chúng ta đang chứng kiến một nghịch lý thú vị. Một mặt, Hoa Kỳ vẫn là trung tâm tài sản hàng đầu thế giới, chiếm hơn 30% tài sản có thể đầu tư thanh khoản toàn cầu – một con số khổng lồ 67 nghìn tỷ USD. Mặt khác, có sự gia tăng chưa từng thấy những người Mỹ giàu có đang tìm kiếm các lựa chọn về nơi cư trú và quyền công dân thay thế”, Tiến sĩ Steffen nhấn mạnh.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của châu Á khi châu Âu tụt lại phía sau

Các thành phố châu Á đang nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ siêu giàu, với 4 thành phố và vùng lãnh thổ hiện nằm trong danh sách 10 điểm nóng về triệu phú hàng đầu thế giới.

Bắc Kinh đứng ở vị trí thứ 5 trên toàn thế giới với 347 triệu phú centi, trong khi Singapore, một thành phố vượt xa sức nặng của mình, theo sát ở vị trí thứ 6 với 336. Thượng Hải đứng ở vị trí thứ 7 với 322 centi triệu phú và Hồng Kông đứng thứ 8 với 320 cư dân siêu giàu.

Cả Singapore và Hồng Kông đều được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng triệu phú đặc biệt cao, trên 100% trong 16 năm tới (đến năm 2040).

Tuy nhiên, châu Âu đang bị tụt lại với sự hiện diện mờ nhạt trong top 50 thành phố lớn dành cho triệu phú. London, từng được coi là thủ đô tài chính của thế giới và là trung tâm giàu có toàn cầu, hiện chỉ đứng thứ 4 trong top 50 với 370 cư dân siêu giàu và dự báo mờ nhạt là có tốc độ tăng dưới 50% số triệu phú centi, đến năm 2040. London cũng là thành phố duy nhất của Vương quốc Anh lọt vào Top 50.

Paris khẳng định vị trí thứ 10 với 286 cư dân siêu giàu. Thêm một thành phố của Pháp nằm trong Top 50 là Nice với 95 triệu phú coi nơi đây là nhà.
Hướng tới năm 2040, quỹ đạo tăng trưởng của nhóm dân số triệu phú vẽ nên một bức tranh hấp dẫn về tích lũy tài sản và di cư. Một số thành phố ở châu Á và Trung Đông đang có nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng bùng nổ, trong đó Hàng Châu, Thâm Quyến, Đài Bắc, Dubai và Abu Dhabi dự kiến sẽ có mức tăng hơn 150% số lượng triệu phú của họ.

Các thị trường mới nổi như Riyadh ở Ả Rập Saudi và Bengaluru ở Ấn Độ đều được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 150% về dân số centi trong 16 năm tới.

Đáng chú ý, Việt Nam có 1 thành phố nằm trong nhóm này, là TP.HCM. Thành phố này được dự báo có tốc độ tăng trưởng số siêu giầu là trên 150% đến năm 2040.

Ngược lại, một số thủ đô lâu đời hơn trên thế giới – Chicago, Moscow, Zurich và Madrid – được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng siêu giàu chậm chạp ở mức dưới 50% từ nay đến năm 2040.

Tiến sĩ Steffen đã chỉ ra, gần 2/3 trong số 50 thành phố hàng đầu dành cho triệu phú nằm ở các quốc gia cung cấp các chương trình di cư đầu tư.

“Sự tập trung này nói lên nhiều điều về mối liên kết giữa sự giàu có toàn cầu và sức hấp dẫn của kế hoạch cư trú chiến lược và quyền công dân. Trong thời đại đầy bất ổn chưa từng có, tầm quan trọng của việc xây dựng danh mục chiến lược gồm giấy phép cư trú và quyền công dân bổ sung nhằm cung cấp cho bạn quyền tiếp cận cá nhân tới nhiều khu vực pháp lý khác nhau chưa bao giờ trở nên rõ ràng hơn đối với các triệu phú”, Tiến sĩ Steffen nhấn mạnh.

Phan Vũ (theo Henley & Partners)

Related posts