Ford, GM và các hãng khác sẽ không được bán xe sản xuất tại TQ vào Mỹ

Buick Envision của General Motors (GM) bán ở Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc. (Ảnh chụp tại Thượng Hải: Shutterstock)

Hôm thứ Hai (23/9), do lo ngại an ninh quốc gia, chính quyền Biden đã đề xuất cấm xe kết nối mạng ở Mỹ sử dụng phần mềm và phần cứng do Trung Quốc sản xuất. Cùng ngày, một quan chức của Bộ Thương mại nói với Reuters, rằng General Motors và Ford Motor sẽ ngừng xuất khẩu xe từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ theo các quy định mới.

Buick Envision của General Motors (GM) bán ở Mỹ và Lincoln Nautilus của Ford Motor đều được lắp ráp tại Trung Quốc. Hai nhà sản xuất xe này không phản hồi ngay lập tức.

Bà Liz Cannon, người đứng đầu Văn phòng Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, hiện tại, họ dự tính rằng bất kỳ phương tiện nào được sản xuất tại Trung Quốc đều sẽ bị cấm bán vào Hoa Kỳ.

Bà nói thêm, GM và Ford đã nhận ra rằng trong tương lai, những chiếc xe của họ được sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường Mỹ sẽ phải ngừng sản xuất ở Trung Quốc và chuyển đi nơi khác.

Các quy định này cũng yêu cầu Mỹ và các nhà sản xuất xe lớn khác loại bỏ phần mềm và phần cứng quan trọng từ Trung Quốc khỏi xe Mỹ trong vài năm tới.

Chính quyền Biden đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc các công ty Trung Quốc thu thập dữ liệu về lái xe và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ thông qua ô tô được kết nối Internet, cũng như khả năng thao túng ô tô được kết nối với Internet và hệ thống định vị của nước ngoài.

Trong những năm gần đây, gần như tất cả xe và xe tải mới đều được kết nối mạng. Phần cứng mạng tích hợp cho phép truy cập Internet để chia sẻ dữ liệu với các thiết bị bên trong và bên ngoài xe.

Lệnh cấm đang được chính quyền Biden thảo luận sẽ ảnh hưởng đến các phương tiện bao gồm Bluetooth, vệ tinh và thiết bị không dây, cũng như các phương tiện tự lái cao, không yêu cầu người lái điều khiển.

Ngày 23/9, bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, đã trình bày chi tiết về cách tiếp cận rộng rãi của chính quyền Biden, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ khỏi các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Phát biểu về Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, bà Brainard cho biết Hoa Kỳ cần hợp tác với các đối tác Canada và Mexico, để giải quyết tình trạng dư thừa công suất xe điện của Trung Quốc trong quá trình đánh giá giữa kỳ về Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada năm 2026.

Bà nói rằng các quan chức từ Hoa Kỳ và Mexico đã đàm phán. Hai nước đều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng Mexico làm kênh vận chuyển hàng hóa đến Hoa Kỳ với mức giá thấp giả tạo.

Khi được hỏi về khả năng các nhà sản xuất xe Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ, bà Brainard trả lời, hiện Hoa Kỳ đang thực hiện một loạt biện pháp bảo vệ trước khi đối mặt với những vấn đề này.

Trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Hai (23/9), Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết, phần mềm xe do các đối thủ nước ngoài phát triển có thể được sử dụng để giám sát và điều khiển từ xa, điều này đe dọa đến “quyền riêng tư và an ninh” của lái xe Mỹ.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), tháng 11/2023, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã cảnh báo các công ty Trung Quốc, về việc thu thập và xử lý dữ liệu nhạy cảm khi thử nghiệm xe tự lái ở Hoa Kỳ, đồng thời chất vấn 10 công ty bao gồm Baidu, NIO, WeRide, Didi Chuxing, Xpeng Motors, Inceptio, Pony.ai, AutoX, Deeproute.ai và Qcraft.

Nhà Trắng đã ra lệnh điều tra mối nguy hiểm tiềm tàng vào tháng 2. Lệnh cấm được đề xuất hôm thứ Hai (23/9) sẽ ngăn cản các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thử nghiệm ô tô tự lái trên đường phố Hoa Kỳ, đồng thời sẽ mở rộng sang phần mềm và phần cứng xe do các đối thủ khác ngoài Hoa Kỳ sản xuất, bao gồm cả Nga.

Bà Raimondo cho biết, trong những trường hợp cực đoan, đối thủ nước ngoài có thể tắt hoặc kiểm soát tất cả các phương tiện mà họ vận hành ở Hoa Kỳ cùng lúc, gây ra va chạm và tắc nghẽn đường bộ.

Bà đề cập tới lời “cảnh báo” mà châu Âu đưa ra. Sau khi châu Âu tự do hóa thị trường xe điện, xe giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc đã xâm nhập một cách nhanh chóng.

Động thái hôm thứ Hai (23/9) là sự leo thang lớn trong các hạn chế đang diễn ra của Hoa Kỳ đối với xe, phần mềm và phụ tùng của Trung Quốc.

Đầu tháng này, chính quyền Biden đã áp đặt mức thuế đáng kể đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm thuế 100% đối với xe điện, cũng như mức thuế cao hơn đối với pin xe điện và khoáng sản quan trọng.

Một nhóm ngành đại diện cho các nhà sản xuất ô tô lớn bao gồm General Motors, Toyota, Volkswagen và Hyundai cho biết, việc thay thế phần mềm và phần cứng xe sẽ cần thời gian chuyển đổi.

Bộ Thương mại có kế hoạch đề xuất lệnh cấm phần mềm sẽ thực thi vào năm 2027, và lệnh cấm phần cứng sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2029 hoặc năm 2030.

Hồi tháng 8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã chỉ trích động thái có kế hoạch của Hoa Kỳ, nhằm hạn chế xuất khẩu xe của Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, việc loại bỏ dần phần mềm của Trung Quốc và Nga tương đối đơn giản, vì số lượng không nhiều, nhưng phần cứng sẽ là một thách thức lớn hơn.

Các quan chức mô tả một loạt mối đe dọa có thể xảy ra đối với người tiêu dùng Mỹ, như thu thập dữ liệu về nơi ở của tài xế, đưa con đến trường hoặc gặp bác sĩ.

Trong cùng một cuộc họp, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Hoa Kỳ có nhiều bằng chứng cho thấy, Bắc Kinh đã triển khai trước phần mềm độc hại trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.

Ông Sullivan nhận định, với hàng triệu ô tô trên đường, mỗi chiếc có tuổi thọ từ 10 đến 15 năm, nguy cơ gián đoạn và phá hoại sẽ tăng lên đáng kể.

Các quan chức cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang đánh giá các ngành công nghiệp khác có thể cũng muốn thực hiện hành động tương tự, như máy bay không người lái hoặc cơ sở hạ tầng đám mây.

Bình Minh

Related posts