Bình Minh
Hôm thứ Bảy (5/10), 5 ngày sau ‘Quốc khánh’ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ đăng thông điệp “Ông Biden gửi tin nhắn chúc mừng tới ông Tập Cận Bình” trên trang web của bộ này.
Các nhà phân tích cho rằng đã 5 ngày trôi qua kể từ ngày ‘Quốc khánh’ Trung Quốc, việc Bắc Kinh công bố tin tức này đang tạo ra một bầu không khí “chúc mừng” giả tạo, cũng phản ánh hiện trạng lúng túng sau khi quan hệ Trung-Mỹ xấu đi.
Tối thứ Bảy (5/10) theo giờ Bắc Kinh, trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đưa tin, ông Biden đã gửi điện mừng tới ông Tập Cận Bình dưới hình thức người phát ngôn trả lời câu hỏi “Tổng thống Mỹ Biden có gửi lời chúc mừng tới Trung Quốc?” của phóng viên.
Tuy nhiên, thông tin này chỉ cho biết, họ đã nhận được lời chúc “gần đây” và không đề cập đến cách thức nhận được. Báo cáo dẫn lời người phát ngôn nói: “Tổng thống Biden nói trong thông điệp chúc mừng, rằng nhân dịp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 75 năm thành lập, thay mặt người dân Mỹ, tôi xin bày tỏ lời chúc mừng tới ông và người dân Trung Quốc với những lời chúc tốt đẹp nhất.”
Tính đến tối thứ Bảy (5/10), Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào liên quan đến tin tức về ông Biden.
Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Dương Uy nói với Epoch Times: “Đã 5 ngày trôi qua kể từ ngày 1/10, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vốn đang trong kỳ nghỉ lễ, lại đột nhiên đưa ra một thông báo như vậy, có thể nói là chuyện khó tin. Không có tuyên bố tương tự nào trên trang web của Nhà Trắng, nên rất khó để xác nhận rằng ông Biden đã tự mình gọi điện chúc mừng, hay để cấp dưới thực hiện.”
Ông Dương Uy tin rằng, “Dù thế nào đi nữa, cuộc gọi muộn 5 ngày khiến mọi người cảm thấy rất bất thường. Trong thông điệp do ĐCSTQ gửi đi, điều họ muốn bày tỏ nhất phải là lời thăm hỏi của chính ông Biden, hoặc lời chúc mừng tới ông Tập Cận Bình. Đây là điều mà Trung Nam Hải thực sự muốn phô trương.”
Ngoài ra, dịp ‘Quốc khánh’ năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đi chệch khỏi thông lệ ngoại giao trước đây là gửi điện chúc mừng trang trọng trước ngày ‘Quốc khánh’.
Phải đến ngày 2/10, theo giờ miền Đông (8h sáng giờ Bắc Kinh hôm 3/10), Ngoại trưởng Mỹ Blinken mới đưa ra tuyên bố trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, chúc mừng Trung Quốc nhân Quốc khánh lần thứ 75.
Trong “thông điệp chúc mừng muộn màng” hiếm gặp này, ông Blinken chỉ ra rằng khi Hoa Kỳ hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết những khó khăn nghiêm trọng mà thế giới hiện đang phải đối mặt. Hoa Kỳ cam kết quản lý một cách có trách nhiệm các mối quan hệ song phương với Trung Quốc, và sẽ duy trì những kênh liên lạc cởi mở. Hoa Kỳ chúc người dân Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc trong năm tới.
Quản lý có trách nhiệm trong việc quản lý quan hệ Mỹ-Trung, là câu nói không thể thiếu của Bộ Ngoại giao Mỹ khi nói đến chính sách với Trung Quốc trong những năm gần đây. Câu này hàm ý rằng quan hệ Mỹ-Trung vô cùng mong manh và lòng tin rất thấp. Quản lý có trách nhiệm, có nghĩa là tránh những kết quả tồi tệ nhất và tránh xung đột.
Tuy nhiên, những gì Hoa Kỳ làm lần này có vẻ bất thường. Tờ South China Morning Post (Nam Hoa Tảo báo) đưa tin, giống như các nước khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ công khai bày tỏ lời chúc mừng một ngày trước ‘Quốc khánh’ Trung Quốc, như các nước khác vẫn làm. Hai năm trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm như vậy vào ngày 29/9/2023 và ngày 30/9/2022.
Theo báo cáo, năm nay cho đến ngày 1 tháng này, Hoa Kỳ đã không gửi tin nhắn chúc mừng tới Trung Quốc mà gửi tin nhắn chúc mừng tới Nigeria và Síp, những quốc gia cũng kỷ niệm ngày độc lập vào ngày 1/10, và tới Guinea, quốc gia kỷ niệm ngày độc lập vào ngày 2/10. Có vẻ như Bộ Ngoại giao Mỹ cố ý làm như vậy.
Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều trì hoãn việc gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào ngày ‘Quốc khánh’ năm nay.
Trung Quốc cuối cùng cũng nhận được điện mừng, nhờ đó tránh được bối rối về mặt ngoại giao, thậm chí là khủng hoảng ngoại giao, nhưng khiến mọi người có cảm giác việc làm này là điều bất đắc dĩ.
Các nhà phân tích cho rằng điều này có nghĩa là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn, ngay cả những cuộc điện thoại chúc mừng, hay cuộc gọi thông thường cũng rất tế nhị và không suôn sẻ.
Ông Dương Uy tin rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cố tình trì hoãn việc đưa ra tuyên bố chúc mừng ‘Quốc khánh’ Trung Quốc trong năm nay, đây là sự phối hợp với các hành động của Nhà Trắng.
Đây là một vụ bê bối lớn đối với ĐCSTQ, nhưng sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng họ vẫn quyết định lên tiếng, cho thấy bầu không khí chính trị ở Bắc Kinh đang vô cùng bất thường.
Quan hệ Trung-Mỹ xấu đi khi Bắc Kinh tạo bầu không khí “chúc mừng” giả tạo
Ông Dương Uy cho biết: “Bên ngoài liên tục có tin đồn rằng lãnh đạo ĐCSTQ có thể đang mất đi quyền lực và quyền uy. Những tin tức tương tự là rất cần thiết vào thời điểm này, tương đương với việc sử dụng ông Biden để tán thành người lãnh đạo của ĐCSTQ. Nhưng dù nhìn nhận như thế nào, lời chúc mừng muộn 5 ngày này cũng thật kỳ lạ.”
“Nếu Nhà Trắng thực sự đã gọi điện cho Bắc Kinh và cố tình trì hoãn 5 ngày, điều này cũng tương đương với việc làm bẽ mặt Trung Nam Hải. Nhưng ĐCSTQ không hề quan tâm đến việc bị làm nhục, mà vẫn thông báo một cách đột ngột. Có lẽ họ vẫn phải thực hiện một số xử lý, để cố gắng tạo ra không khí chúc mừng giả tạo, nhân cơ hội này giải vây cho lãnh đạo ĐCSTQ.”
Vào ngày 1/10, trang web của Chính phủ ĐCSTQ đã đăng một bài báo do Tân Hoa Xã đăng hàng năm về những tin nhắn chúc mừng ‘Quốc khánh’ nhận được. Bài báo không đề cập đến bất kỳ thông tin nào nhận được từ Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, trước chính sách ngoại giao “chiến binh sói”, khiêu khích quân sự và bành trướng ở các khu vực lân cận của ĐCSTQ, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ĐCSTQ trong thương mại, công nghệ và các lĩnh vực khác. Sau đó Hoa Kỳ đoàn kết với các đồng minh, nhắm vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để kiềm chế tham vọng quân sự của ĐCSTQ, khiến quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi.
Lần liên lạc gần đây nhất giữa ông Biden và ông Tập là vào tháng 4 năm nay. Khi đó họ có cuộc điện đàm về các vấn đề như an ninh mạng và biến đổi khí hậu.
Cuộc gặp mặt trực tiếp gần đây nhất giữa hai bên đã diễn ra cách đây gần một năm, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng 11 năm ngoái.
Vào ngày 1/10, ĐCSTQ đã tiến hành tập trận quân sự ở Biển Đông đang tranh chấp. Trước đó, hải quân Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Úc và New Zealand đã tổ chức tập trận chung trong khu vực này.
Ông Dương Uy tin rằng: “Điều này phản ánh chính xác hiện trạng lúng túng giữa Nhà Trắng và Trung Nam Hải sau khi quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, đồng thời cũng phản ánh cuộc đấu tranh nội bộ khốc liệt mà ĐCSTQ không thể che giấu. Có thể có chuyện gì đó lớn đang hoặc đã xảy ra ở Bắc Kinh. Có lẽ Nhà Trắng đã nắm được tình hình, nên mới cố ý làm như vậy.”
Bình Minh