Nhật Bản bày tỏ với Trung Quốc quan ngại về các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan

Bản đồ tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan. (Ảnh: Weibo)

Nhật Bản đã chuyển đến Trung Quốc tuyên bố quan ngại về các cuộc tập trận quân sự mà Bắc Kinh tiến hành xung quanh Đài Loan vào thứ Hai (14/10), Phó Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Kazuhiko Aoki cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Ông Aoki nói trong buổi họp báo hôm thứ Ba (15/10) rằng: “Chúng tôi biết Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan vào hôm qua. Chính phủ đang theo dõi các diễn biến liên quan với sự quan tâm sâu sắc và đã thông báo cho phía Trung Quốc về mối quan ngại của chúng tôi“.

Bộ quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố vào thứ Hai (14/10) rằng sẽ có hành động tiếp theo chống lại Đài Loan nếu cần, sau khi tổ chức một ngày tập trận chiến tranh xung quanh hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Phạm Duy, theo Reuters

Mỹ, EU lên án cuộc tập trận của ĐCSTQ xung quanh Đài Loan

Trong phát biểu nhân Ngày Quốc khánh Đài Loan (10/10), Tổng thống Lại Thanh Đức của Đài Loan tiếp tục nhấn mạnh bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan, sau đó vào thứ Hai (14/10) Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan, mô phỏng tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển. Bộ Ngoại giao Mỹ và EU đã lên án động thái của Trung Quốc và cho hay sẽ luôn bám sát tình hình.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận là phản ứng trước việc Đài Loan từ chối chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh rằng Đài Loan nằm dưới cai trị của họ. Bộ Quốc phòng Đài Loan phản bác rằng cuộc tập trận của ĐCSTQ là một hành động khiêu khích, quân đội Đài Loan luôn sẵn sàng đáp trả.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng Mỹ luôn dõi theo các cuộc tập trận của Trung Quốc, họ không có lý do gì để tiến hành các cuộc tập trận vì bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức vào ngày 10/10.

Hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc là vô lý

Ông Miller cho biết trong một tuyên bố rằng Mỹ quan ngại sâu sắc về các cuộc tập trận chung của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan và các khu vực lân cận, việc Trung Quốc viện lý do về bài phát biểu thường niên của Tổng thống Đài Loan là điều hoang đường, gây rủi ro tình hình leo thang.

“Chúng tôi kêu gọi ĐCSTQ kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào khác có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực rộng lớn hơn, điều này rất quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm,” ông nói.

Người phát ngôn Miller nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các hoạt động của Trung Quốc, sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác có cùng quan tâm vấn đề này. Ông nhắc lại rằng Mỹ vẫn cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Thông cáo chung, và Sáu Đảm bảo.

Văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng ĐCSTQ nên đối mặt với sự thật rằng Đài Loan tồn tại độc lập trước Trung Quốc, và cần tôn trọng lựa chọn của người dân Đài Loan về lối sống tự do và dân chủ.

Tuyên bố cho biết ĐCSTQ nên “tránh các hành động quân sự khiêu khích có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực, đe dọa nền dân chủ và tự do của Đài Loan”.

Ủy ban Vấn đề Trung Quốc (MAC) của Đài Loan tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc và việc từ chối từ bỏ sử dụng vũ lực là “khiêu khích trắng trợn”, làm suy yếu nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực.

EU phản đối hành động vũ lực hoặc ép buộc nhằm thay đổi hiện trạng

Người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU là Nabila Massrali cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh mọi hành động có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng xuyên eo biển, căng thẳng đó nên được giải quyết thông qua đối thoại”.

ĐCSTQ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan, cuộc tập trận quân sự hôm thứ Hai là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn thứ 4 trong hơn hai năm.

EU cho biết các hoạt động quân sự đã làm trầm trọng thêm căng thẳng xuyên eo biển; người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU Massrali nói thêm rằng sự ổn định ở eo biển Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc ép buộc”.

Khi cuộc tập trận của ĐCSTQ diễn ra, cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang đến thăm Cộng hòa Séc. Bà nói tại một hội nghị ở Praha: “Nền dân chủ của Đài Loan tương tự như nền dân chủ châu Âu, được xây dựng bằng sự hy sinh của những người đã chiến đấu chống lại chế độ chuyên chế”.

Bà cho biết chuyến thăm Praha đầu tiên của bà là để gặp “những người bạn không sợ bị đe dọa”.

Người dân Đài Loan không có dấu hiệu hoảng sợ

Biểu hiện của sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan cho thấy người Đài Loan phớt lờ các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc, chỉ số chuẩn tăng 0,4% trong phiên giao dịch sớm.

“Tôi thực sự lo lắng rằng cả hai bên có thể vô tình nổ súng, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng vào đất nước và quân đội của chúng tôi”, Ben Lai, một nhân viên tài chính 51 tuổi, nói với Reuters khi xem máy bay chiến đấu Đài Loan cất cánh và hạ cánh tại Căn cứ Không quân Tân Trúc.

Hôm Chủ nhật (13/10), nhóm tàu ​​sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Bashi chiến lược (ngăn cách Đài Loan với Philippines và nối Biển Đông với Thái Bình Dương) hướng về phía nam đảo Đài Loan.

Kể từ thứ Năm tuần trước (10/10), truyền thông ĐCSTQ đã đăng tải một loạt báo cáo và bình luận lên án bài phát biểu của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, trong khi đó Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của ĐCSTQ đã công bố một đoạn video nhấn mạnh “sẵn sàng chiến đấu”.

Viện lý do từ bài phát biểu ngày 10/10 chỉ là cái cớ

Từ 5h – 8h sáng (giờ địa phương) hôm thứ Hai (14/10), Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát hiện 25 máy bay của Trung Quốc, 16 trong số đó đã vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan. Bộ này cho biết tổng cộng có 7 tàu chiến Trung Quốc và các tàu bảo vệ bờ biển bổ sung đã được phát hiện gần eo biển Đài Loan.

Nói về bài phát biểu ngày 10/10 của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, Giáo sư Ja Ian Chong về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore nói với tờ Washington Post: “Cho dù (ông Lại Thanh Đức) có kiềm chế thế nào đi chăng nữa, điều đó không thành vấn đề”.

Ông cho biết các cuộc tập trận là một phần trong áp lực liên tục của Bắc Kinh đối với Đài Loan “để buộc Đài Loan phải phục tùng”. Ông cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ đã dùng bài phát biểu của Lại Thanh Đức như một cái cớ để chứng tỏ rằng họ không phải là kẻ xâm lược, cũng không phải họ đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng.

Bộ Quốc phòng Đài Loan ra tuyên bố cho biết, bài phát biểu nhân Ngày Quốc khánh Đài Loan của Tổng thống Lại Thanh Đức nêu bật tình trạng hiện tại của quan hệ hai bờ eo biển, cho thấy ý chí kiên định của ông trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hạnh phúc của người dân trên eo biển Đài Loan; khuyến khích hợp tác giữa hai bờ trong tương lai đối phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh, đồng thời cùng theo đuổi hòa bình và thịnh vượng chung. Tuyên bố của ĐCSTQ về cái gọi là “khiêu khích và gây rối” là tuyên bố hoàn toàn trái ngược thực tế.

Theo Trịnh Hiếu Kỳ, Epoch Times

Related posts