Theo quân đội tại Nam Hàn, Bắc Hàn đã cho nổ tung các đoạn đường dẫn tới Nam Hàn, về cơ bản là cắt đứt kết nối giữa hai nước.
Theo Yonhap News, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JCS) cho biết trong một tuyên bố rằng các chất nổ đã được kích nổ ở phía bắc biên giới vào thứ Hai (14/10).
“Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường Phân định quân sự vào khoảng giữa trưa“, tuyên bố viết. JCS nói rằng hai tuyến đường này không được sử dụng kể từ tháng Tám và các vụ nổ không gây ra bất kỳ thiệt hại nào ở phía biên giới của Seoul. Tuy nhiên, Nam Hàn đã tăng cường giám sát và sẵn sàng sau các sự cố.
Quân đội Triều Tiên cũng được cho là đã cố gắng đặt chất nổ trên con đường dọc theo phía Nam Hàn của đường phân định, khiến quân đội Seoul phải nổ súng cảnh cáo.
Động thái này của Bắc Hàn là để đáp trả việc Seoul bị cáo buộc điều khiển máy bay không người lái bay qua thủ đô Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn tuyên bố hôm thứ Sáu (11/10) rằng Hàn Quốc đã gửi máy bay không người lái thả tờ rơi tuyên truyền qua Bình Nhưỡng ba lần chỉ trong tháng này. Hôm thứ Hai (14/10), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên án các chuyến bay bằng máy bay không người lái là “hành động khiêu khích nghiêm trọng của kẻ thù” và ra lệnh “hành động quân sự ngay lập tức“.
Seoul không xác nhận cũng không phủ nhận các chuyến bay bằng máy bay không người lái, nhưng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ chứng kiến “sự kết thúc của chế độ” nếu gây hại cho người dân Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng cũng tức giận trước các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc vài tuần trước, mà Bộ Ngoại giao Bắc Hàn mô tả là “cuộc tập trận chiến tranh khiêu khích để gây hấn“. Kể từ đó, Quân đội Nhân dân Bắc Hàn (KPA) đã củng cố biên giới phía bên kia bằng pháo binh tiền tuyến, các đơn vị quân đội, mìn và rào chắn, và tuần trước đã cam kết sẽ “hoàn toàn” cắt đứt đường bộ và đường sắt liên Triều để “chia cắt” hai phần của bán đảo.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Bắc Hàn vẫn ở trong tình trạng chiến tranh sau khi cuộc xung đột liên Triều năm 1950-53 kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, không phải là một hiệp ước hòa bình.
Quan hệ liên Triều đã chứng kiến sự tan băng ngắn ngủi dưới thời cựu Tổng thống Nam Hàn theo chủ nghĩa tự do cấp tiến Moon Jae-in, nhưng sự tan băng này đã kết thúc khi ứng cử viên bảo thủ Yoon Suk-yeol được bầu làm tổng thống vào năm 2022.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã định nghĩa lại Hàn Quốc là một quốc gia “thù địch“.
Hải Đăng