Trịnh Khả Nguyên
18-10-2024
Giải Nobel và chính sách giáo dục
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 10 thì bên Thụy Điển, Na Uy công bố tên các vị được nhận giải Nobel về y học, hóa học, vật lý, kinh tế, văn chương, hòa bình của năm đó.
Đây là một tin vui cho các vị được nhận cái giải cao quý kia và cho các nước liên quan đã đành, mà nó còn là tin vui cho cả thế giới nữa. Nhiều nước cũng bắt chước, đã lập và trao một số loại giải thưởng, nhưng chỉ một thời gian thì các giải này tự động chết mòn, hoặc chẳng ai mặn mà gì. Những người được trao loại ấy cũng chẳng có danh tiếng gì. Còn giải Nobel, dù do một cá nhân, một nhà khoa học, ông Alfred Nobel lập ra, nhưng đó là giải thưởng có uy tín, danh giá, có thể là danh giá nhất trên thế giới, trong các lĩnh vực đã kể.
Chỉ một việc giải Nobel được tôn vinh hơn một trăm năm qua, đủ chứng minh điều ấy. Hầu hết những người đoạt giải là những nhân tài, họ là những “đỉnh cao trí tuệ” của loài người. Đó là nhận xét chung, tuy nhiên trong quá khứ cũng có một vài tranh cãi, tai tiếng khi đề cử, chấm chọn, đặc biêt ở hai lĩnh vực văn chương và hòa bình, ví dụ như giải Nobel văn chương trao cho ông Jean-Paul Sartre năm 1964 và giải Nobel Hòa Bình năm 1973 cho một nhân vật ở Việt Nam, gây tranh cãi.
Thông thường một giải thưởng có hai chiều. Giải Nobel cũng thế, nó vinh danh một hay nhiều cá nhân. Ngược lại, những người đoạt giải, với tài năng, sự đóng góp của mình cũng làm cho giải có uy tín và có giá trị hơn. Còn những loại giải chẳng ra gì thì cũng chẳng làm cho người nhận được thêm tí hãnh diện nào, hoặc những người chẳng ra gì mà được phát một giải nào đấy thì cái giải kia cũng chẳng ra gì cả.
Giải Nobel mang lại danh dự cho một cá nhân và đất nước. Chính vì thế, nước nào cũng mong có người của mình đoạt Nobel. Nhìn lại bảng danh sách những người đến từ các nước đoạt giải Nobel, từ khi giải này được thành lập đến nay, có thể thấy rằng họ đã đóng góp nhiều phát minh, sáng kiến cho thế giới. Nếu không có họ thì thế giới hôm nay như thế nào? Như thế nào thì không biết, nhưng chắc không như thế nầy, nghĩa là thế giới cần đến những con người kia, chứ không phải có hay không những vị đó thì cũng chẳng “chết ai”, kiểu “không mợ chợ cũng đông”. Tương tự như bên thể thao, nếu không có các danh thủ, các “cường quốc thể thao” thì World Cup, Euro Cup… chắc buồn lắm.
Cũng có một số người, một số nước muốn có giải Nobel để có “danh gì với núi sông”, kể cả danh hảo để họ huênh hoang, để tự sướng. Thậm chí, họ chỉ mong được đề cử thôi, cũng đã hãnh diện lắm rồi.
Các nước có người đoạt giải Nobel tất nhiên là các nước đó có nhân tài. Nhưng người tài ở đâu ra? Có sẵn trong nước hay du nhập vào? Các nước đó có cách thu hút người giỏi. Họ có một nền giáo dục tốt, có tự do dân chủ cho người ta thoải mái làm việc, bày tỏ chính kiến. Họ không đầu tư mở trường chuyên, lớp chọn, không có các trại sáng tác, trung tâm luyện “gà đá” để đi thi. Ngoài việc có được người đoạt giải danh giá như giải Nobel, cần có một nền giáo dục tốt, một môi trường sống tốt là yếu tố để phát triển đất nước.
Giải Nobel Văn chương và Hòa bình
Giải Nobel về các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, kinh tế thì cao sâu, chuyên biệt nên khó hiểu đối với đại đa số, nhưng giải Nobel về văn chương và hòa bình là tương đối phổ thông. Trước năm 1975, ở miền Nam có những cuốn sách được dịch ra từ các tác phẩm hay, nếu sách đó được giải Nobel, thì chúng thường được quấn quanh bởi một cái ruy băng có câu “Giải Nobel năm …”, để “câu” người đọc.
Còn nhớ, giải Nobel văn chương năm 1964 định trao cho nhà văn, triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre, nhưng bị ông ta từ chối. Trong thập niên 1960, triết gia, nhà văn Sartre có một thời thiên tả. Có lẽ đây là lý do ông từ chối nhận giải Nobel năm 1964 và việc từ chối này cũng là một cách tự đề cao mình (hơn cả giải Nobel). Vào những năm đó, ông cùng với nhiều nhân vật thiên tả ở châu Âu chống chiến tranh Việt Nam. Họ được gọi là những người yêu chuộng hòa bình, là “loài người tiến bộ” đại diện cho “lương tâm của nhân loại, lương tri của thời đại”. Nhưng sau năm 1975 thì các vị này đổi thái độ. Ngay tại miền Nam Việt Nam vào những năm đó cũng có phong trào tranh thủ hòa bình.
Giải Nobel hòa bình không lạ với người Việt chúng ta; năm 1973 đã có người Việt Nam được đề cử cùng nhận giải này với một người khác, nhưng người Việt đó từ chối, không phải là vì lý do “cùng nhận”, mà vì lý do riêng. “Cùng nhận” là chuyện xảy ra bình thường đối với các vị nhận giải Nobel. Trớ trêu thay, năm 1973 giải Nobel hòa bình cho Việt Nam chỉ có ở Thụy Điển; còn ở Việt Nam lúc đó chẳng có hòa bình, mà ngược lại, chiến tranh còn ác liệt hơn. Phải chăng nhân vật này biết rằng, ông ta đang cùng với lãnh đạo của mình chuẩn bị gây chiến thêm, thay vì kết thúc, cho nên đã từ chối giải thưởng kia?
Cách hơn chục năm, Trung Quốc cũng đã dựng lên giải Nobel Hòa bình Khổng Tử để đối trọng với giải Nobel hòa bình thế giới. Không biết giải hòa bình mang tên vị hiền triết kia phát được mấy lần, tồn tại được bao nhiêu năm và trao cho những ai, nhưng năm 2011 họ đã trao cho Putin, nhân vật đã và đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine gần 3 năm qua, gây bất ổn trong khu vực châu Âu.
Về giải Nobel Hòa bình Khổng Tử, điều mỉa mai là, trước đó tư tưởng của Khổng Tử bị đánh cho lên bờ xuống ruộng, bị phê đến không còn chỗ phê, cái tượng của ông ở quê nhà cũng bị đập phá. Thế mà khi cần, tên ông lại mang ra đặt cho giải thưởng hòa bình.
Giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho tập thể Nihon Hidankyo của Nhật Bản hôm 11/10/2024. Nihon Hidankyo là tổ chức những người Nhật Bản sống sót sau các vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Hiện có người còn sống, còn chịu thương tật nặng nề. Chính vì thế, họ rất sợ vũ khí hạt nhân và họ đang kêu gọi cho một thế giới không sử dụng loại vũ khí nầy. Nguy hiểm đang chực chờ không phải Hiroshima và Nagashaki đã qua, mà là do hiện nay có người mang vũ khí hạt nhân ra hù dọa về thế chiến thứ ba.
Ngày 6/8/1945 Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, ba ngày sau, ngày 9/8/1945 Mỹ lại thả quả thứ hai xuống Nagasaki. Số người chết và bị thương rất lớn, ước chừng 140.000 người, cả quân nhân và dân thường, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất về con số nạn nhân vì nhiều lý do. Hằng năm, đến ngày 6/8 nước Nhật tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân kia. Các buổi lễ đều diễn ra ôn hòa, nhằm mục đích kêu gọi không sử dụng vũ khí hạt nhân, chứ không phải mang tính kích động thù hận “đến tận xương tủy”.
Người đại diện cho phía ném bom, Tổng thống Mỹ, cũng đã có lần đến viếng nơi ấy. Ngày 27/5/2016, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Nhật Bản, Tổng thống Obama đã đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm và nhắm mắt, cúi đầu dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng sau khi Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ nhất xuống Hiroshima vào ngày 6-8-1945. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại đây.
Và mới đây, ngày 20/5/2023 các nước G7 (dĩ nhiên có Mỹ và Nhật) đã chọn Hiroshima để họp bàn về hợp tác toàn cầu, kêu gọi hòa bình, không để chiến tranh hạt nhân xảy ra. Hai “cựu thù” Mỹ – Nhật đều xem sự việc Hiroshima và Nagashaki là “quá vãng nhi bất thuyết”, bây giờ là lúc cần hợp tác “hòa giải, hòa hợp” để cùng tiến bộ, nhằm tránh điều đáng tiếc đã xảy ra. Trong khi đó, dư luận tại một số nước thì hành xử ngược lại, hằng năm cứ đến ngày 6/8 họ nhắc lại sự kiện Hiroshima để khoét sâu nỗi đau của người dân Nhật.
Hiện nay, vài nước trên thế giới đang chịu đựng chiến tranh xâm chiếm do sự hiếu chiến, tham vọng phục hồi đế chế của một số lãnh đạo độc tài; các lãnh đạo này đem vũ khí hạt nhân ra hù dọa. Dù chỉ là hù, nhưng thế giới cũng cảm thấy bất an và cảnh giác. Trong bối cảnh đó, giải Nobel hòa bình năm nay vinh danh tổ chức Nihon Hidankyo, nạn nhân của bom nguyên tử năm 1945, thật có ý nghĩa.
Việc làm này không nhằm mục đích nhắc lại chuyện cũ để gây hận thù, chia rẽ, mà là kêu gọi cho một thế giới không dùng vũ khí hạt nhân và cũng là một cách trả lời cho những lời đe dọa dùng bom nguyên tử một cách vô trách nhiệm của một số lãnh đạo độc tài ở một số nước trên thế giới.