Nhiều địa phương thông báo thiếu phôi giấy phép lái xe
Nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng hết phôi ấn chỉ, hết nguyên liệu để in giấy phép lái xe nên đã tạm dừng cấp mới, cấp đổi lại bằng lái xe cho người dân.
Sở GTVT Hà Nội cho biết đến ngày 17/10, Sở chỉ còn lại 10.000 phôi bằng lái xe. Nếu không được cung cấp bổ sung kịp thời, Sở sẽ phải tạm dừng tổ chức các kỳ sát hạch lái xe mô tô từ ngày 18/10; ô tô từ ngày 21/10.
Dự kiến từ ngày 27/10, Hà Nội sẽ không còn phôi ấn chỉ để phục vụ công tác giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Lý do thiếu phôi bằng lái là do nhu cầu cấp đổi và cấp mới giấy phép lái xe của người dân tăng cao, dẫn đến số lượng phôi bằng lái đã mua tại Cục Đường bộ không đủ để sử dụng trong năm 2024.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương thông báo tình trạng hết phôi ấn chỉ, hết nguyên liệu để in bằng lái xe. Một số địa phương phải tạm dừng cấp mới, đổi lại bằng lái xe cho người dân.
Đơn cử như ở Cần Thơ, việc thiếu phôi in giấy phép lái xe khiến nhiều người dân tại thành phố Cần Thơ đã hoàn thành thi sát hạch cấp giấy phép lái xe nhiều tháng nhưng chưa được cấp bằng.
Sở GTVT Đắk Lắk mới đây cũng buộc phải ra thông báo tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới giấy phép lái xe từ 15/10. Sở GTVT tỉnh này cho biết phải tạm dừng các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe tiếp nhận hồ sơ liên quan đến thủ tục cấp đổi giấy phép lái mô tô (A1) từ vật liệu giấy sang vật liệu PET.
Về việc trên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết theo báo cáo của các Sở giao thông vận tải, nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe tăng đột biến với tỷ lệ tăng 50% so với năm ngoái.
Tổng hợp từ đầu năm, các sở GTVT cần 3,4 triệu phôi bằng lái. Tuy nhiên, số lượng bằng lái cấp trong 9 tháng đầu năm đã lên tới 3,5 triệu bằng. Hiện các Sở đang đề nghị cấp thêm khoảng 1 triệu phôi giấy phép lái xe.
“Việc thiếu phôi giấy phép lái xe là do không dự báo trước được nhu cầu đổi giấy phép lái xe của người dân tăng cao. Cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị nhà cung cấp phôi giấy phép lái xe cấp bổ sung. Tuy nhiên, do phôi phải nhập khẩu nên cần có thời gian. Đến cuối tháng này nhà cung cấp sẽ nhập đủ phôi giấy phép lái xe cung cấp cho các sở giao thông vận tải có nhu cầu”, ông Thống nói.
Minh Long
Gây án oan, Trưởng phòng Viện KSND tỉnh và Viện trưởng Viện KSND huyện bị kỷ luật
Một trưởng phòng thuộc Viện KSND tỉnh Đắk Nông và một viện trưởng Viện KSND huyện trong tỉnh này bị kỷ luật do để xảy ra oan sai trong 2 vụ án hình sự.
Ngày 23/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết đã thi hành kỷ luật đối với hai lãnh đạo cấp cao trong ngành kiểm sát của tỉnh liên quan đến các vụ án oan sai tại huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông).
Ông Trần Đình Vỹ, nguyên Đảng ủy viên, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế, chức vụ, Viện KSND tỉnh Đắk Nông bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Viện KSND tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015.
Lý do là ông Vỹ đã có vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện không đúng các quy định trong quá trình khởi tố, truy tố ông Đỗ Văn Hùng tại vụ án hình sự xảy ra ở xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long) dẫn đến oan sai.
Ông Nguyễn Huy Phúc, Viện trưởng Viện KSND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), nguyên Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện KSND huyện Đắk Glong bị kỷ luật khiển trách vì để xảy ra oan sai.
Ông Phúc bị kết luận khi giữ chức Viện trưởng Viện KSND huyện Đắk Glong (từ 7/2013 đến 10/2017) đã không kiểm tra, giám sát cấp dưới, dẫn đến cấp dưới sai phạm trong quá trình khởi tố ông Lê Trường và bà Tôn Nữ Kim Loan tại vụ án hình sự xảy ra tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, dẫn đến oan sai.
Đây là vụ kỷ luật mới nhất đối với 2 cán bộ kiểm sát thuộc cấp quản lý trong hai vụ bắt oan, cùng tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Trong kỳ họp lần thứ 40 tổ chức hồi tháng 9, đối với vụ án oan đối với ông Đỗ Văn Hùng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông ra quyết định kỷ luật đối với 5 người, gồm:
Ông Trần Thanh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông);
Ông Lưu Văn Khang, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, nguyên Điều tra viên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông;
Ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Đảng ủy viên, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đắk Nông;
Ông Nguyễn Viết Cường, Thành ủy viên, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện KSND TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), nguyên Trưởng phòng I, Kiểm sát viên trung cấp, Viện KSND tỉnh Đắk Nông;
Ông Lương Đức Dương, đảng viên, Chánh Tòa Hành chính; nguyên Phó chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Đắk Nông.
Trong vụ oan sai của vợ chồng ông Lê Trường, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông ra quyết định kỷ luật đối với 4 người, gồm:
Ông Nguyễn Du, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đắk Glong;
Ông Phan Văn Chiến, Huyện ủy viên, Viện trưởng KSND huyện Đắk Mil, nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Đắk Glong;
Ông Nguyễn Văn Tâm, đảng viên, Phó Chánh thanh tra Phòng Thanh tra – Khiếu tố, Viện KSND tỉnh Đắk Nông, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đắk Glong;
Ông Phạm Văn Sạn, đảng viên, Kiểm sát viên Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án, Viện KSND tỉnh Đắk Nông, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Đắk Glong.
Ngoài ra, Viện KSND huyện Đắk Glong phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường oan sai theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Giám đốc chịu oan 4,5 năm tù
Theo hồ sơ vụ án, năm 2012, ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lộc Lộc được trả nợ bằng 2 sổ đỏ đất đai có tổng diện tích 15ha tại xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Ông Hùng đến khu vực trên, nhờ giới chức địa phương, cán bộ địa chính dẫn đi thực địa để đo đạc ranh giới để bán đất.
Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Tuấn và bà Nguyễn Thị Kiều (trú TP.HCM) mua hai mảnh đất trên, làm hợp đồng sang nhượng tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Đắk Nông, với giá hơn 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên khi ông Tuấn cho người đến khu đất để canh tác và xây nhà thì một người trú TP.HCM cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh lô đất trên là của mình.
Khi kiểm tra lại hồ sơ địa chính, khoảnh đất mà ông Hùng bán cho ông Tuấn thuộc tiểu khu 1727 (thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong), trong khi khoảnh đất ông được trả nợ thuộc tiểu khu 1743 (thôn 5, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong).
Ông Hùng đồng ý nhận lại đất, trả lại tiền nhưng xin trả góp vì tiền đã chi dùng. Ông Tuấn không đồng ý và bị tố cáo đến công an.
Ngày 29/9/2014, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt ông Đỗ Văn Hùng 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 12 cùng năm, ông Hùng bị đưa về trại giam Z30D ở Bình Thuận để chấp hành án.
Ngày 13/11/2018, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm lần hai, tuyên bố ông Hùng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, VKS tỉnh kháng nghị, án sơ thẩm lần hai bị hủy để điều tra lại. Đến ngày 19/4/2024, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Đỗ Văn Hùng do hành vi không cấu thành tội phạm.
Tổng cộng, ông Hùng bị giam oan 4 năm 6 tháng, mang thân phận bị can 10 năm. Ông Hùng mất nhà, công ty phá sản, hiện làm bảo vệ để kiếm sống và chăm sóc người vợ bị bệnh ung thư.
8 năm mang thân phận bị can
Năm 2011, ông Lê Trường và vợ là bà Tôn Nữ Kim Loan mua lại khoảng 20ha đất lâm nghiệp tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) với giá 2 tỷ đồng, xác nhận bằng giấy viết tay.
Năm 2014, vợ chồng ông Trường tách 5,2 ha đất để bán cho 2 người với giá 700 triệu đồng. Khi chủ mới đưa máy móc vào cải tạo đất thì xảy ra tranh chấp với người khác. Đầu năm 2016, người mua đất tố cáo vợ chồng ông Trường gian dối trong việc chuyển nhượng đất để chiếm đoạt tài sản.
Tháng 5/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trường, bà Loan để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 6/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vợ chồng ông Trường thành tội Vi phạm về quy định sử dụng đất đai. Hai ông bà này bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Sau 8 năm, ngày 10/4/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong đình chỉ điều tra, xác định hành vi của ông bà không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tính thời gian bị oan sai, ông Trường và vợ bị ngồi tù oan 4 tháng, 8 năm mang thân phận bị can.
Tại buổi xin lỗi, bà Loan cho biết việc vô cớ bị khởi tố, bắt tạm giam mỗi người 4 tháng đã gây cho gia đình bà tổn thất vô cùng nặng nề. Con bà bị sốc phải bỏ học. Kinh tế khánh khiệt do giấy tờ, sổ sách kinh doanh phân bón mất hết, khoảng 300 triệu đồng tiền nợ không thể đòi, rẫy vườn bỏ hoang nhiều năm, cây trồng chết. Vợ chồng ông Trường bị hàng xóm, người thân xa lánh.
Minh Sơn
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’ giai đoạn 2: 3 cựu PGĐ sở và 14 bị can bị truy tố
Ở giai đoạn 2 vụ “chuyến bay giải cứu”, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng và 2 cựu phó giám đốc sở tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Văn Văn, Lê Ngọc Tường cùng nhiều cán bộ, chủ doanh nghiệp bị truy tố.
Ngày 23/10, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng giai đoạn 2 vụ án “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.
Ông Trần Tùng – cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Nguyễn Văn Văn – cựu Phó giám đốc Sở Y tế và ông Lê Ngọc Tường – cựu phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (tỉnh Quảng Nam) cùng 3 người khác bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
10 người khác bị truy tố tội “Đưa hối lộ”; riêng cựu cán bộ công an Nguyễn Xuân Thông bị truy tố tội “Che giấu tội phạm”.
Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cách ly công dân sau khi về nước.
Lợi dụng việc này, một số cá nhân tại UBND tỉnh, TP. đã thỏa thuận, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.
Các bị can còn trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ, nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ. Có bị can lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra.
Trong đó, bị can Trần Tùng bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 4,4 tỷ đồng từ một chủ doanh nghiệp, đồng thời lợi dụng chức vụ làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay, từ đó hưởng lợi 3,27 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Văn Văn – cựu Phó Giám đốc Sở Y tế và bị can Lê Ngọc Trường – cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Quảng Nam cùng bị cáo buộc nhận hối lộ lần lượt 450 triệu đồng và 400 triệu đồng.
Cựu Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) Vũ Hồng Quang bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên (cán bộ Bộ Y tế, bị can giai đoạn 1) để xin cấp phép của Ban chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước, hưởng lợi gần 20 tỷ đồng.
Bảo Khánh
Quảng Bình xác định có 3 viên chức sử dụng chứng chỉ tiếng Anh giả
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình phát hiện có 3 viên chức trong tỉnh này sử dụng chứng chỉ tiếng Anh tại tổ chức Cambridge International – tổ chức không có thật, do một nhóm người tại Hà Nội thiết lập, lừa đảo.
Ngày 23/10, ông Trần Thế Vương – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cho biết Sở Nội vụ đã thống kê được 3 trường hợp viên chức sử dụng chứng chỉ tiếng Anh do tổ chức Cambridge International cấp, theo báo Lao Động.
Động thái trên diễn ra sau khi có công văn của Bộ Nội vụ về việc đề nghị kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ công chức, viên chức có kê khai sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ mang tên tổ chức Cambridge International (là tổ chức không có thật), Sở đã kiểm tra và có thông tin ban đầu.
Ngày 15/7/2024, Sở Nội vụ đã có Công văn đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát Chứng chỉ ngoại ngữ mang tên Tổ chức Cambridge International.
“Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức, viên chức sử dụng Chứng chỉ Cambridge International hoặc các chứng chỉ khác không đúng quy định của pháp luật thì lập danh sách gửi về Sở Nội vụ trước ngày 27/7/2024 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý”, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình nêu.
Bản tin của báo Lao Động dẫn lời ông Vương cho hay 3 trường hợp sử dụng “chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International” đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy; Trung tâm Công viên – Cây xanh Đồng Hới và Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình).
Hiện Sở Nội vụ đã có báo cáo, đợi Bộ Nội vụ chỉ đạo phương án xử lý.
Quảng Bình là tỉnh đầu tiên công bố danh sách viên chức sử dụng “chứng chỉ tiếng Anh Cambridge International” giả mạo.
Viện trưởng viện nghiên cứu liên kiết tổ chức học, thi, cấp chứng chỉ giả mạo
Theo Cổng thông Bộ Công an, tháng 6/2024, Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ truy tố đối với 6 người về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc cấp Chứng chỉ tiếng Anh giả mạo.
Trong đó, Lê Văn Vàng (SN 1981; trú huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) tự nghĩ ra tên tổ chức Cambridge International, với mục đích ban đầu để tổ chức các khóa học bồi dưỡng tiếng Anh.
Lợi dụng nhu cầu của nhiều người trình độ tiếng Anh hạn chế nhưng lại đang cần có chứng chỉ để đảm bảo hoàn thiện hồ sơ thi tuyển đầu vào tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nhà nước, Vàng liên kết với Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam, do Lương Việt Anh (SN 1987; trú quận Long Biên, TP. Hà Nội) làm Viện trưởng, tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ với danh nghĩa Cambridge International.
Từ tháng 9/2022 – 18/6/2023, nhóm này đã sử dụng danh nghĩa Tổ chức Cambridge International – là tổ chức không có thật – chấp thuận cho Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) bằng hình thức thi online và cấp Chứng chỉ mang tên tổ chức Cambridge International, nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Nhóm này mua lại 2 trang web: http://cambridgetest.online; http://cbriglobal.info, thuê tên miền và thuê người xây dựng chương trình thi online trên trang web với 4 kỹ năng kiểm tra đánh giá (chấm điểm tự động) năng lực ngoại ngữ , gồm 4 kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Riêng kỹ năng nói, thí sinh ghi âm bài kiểm tra nói và gửi vào địa chỉ thư điện tử hocvalam7979@gmail.com do Lương Việt Anh tạo lập và sử dụng để chấm điểm, tương tự như giao diện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, để tạo sự tin tưởng của thí sinh. Lương Việt Anh cung cấp cho thí sinh dịch vụ tra cứu kết quả thi tại trang web http://cbriglobal.info.
Từ ngày 25/9/2022 cho đến khi bị phát hiện, nhóm này khai nhận đã cấp khoảng 4.200 chứng chỉ tiếng Anh mang tên Cambridge International với giá 2,3-18 triệu đồng/chứng chỉ (tùy loại).
Nguyễn Sơn