Số liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy, khoản vay nợ của Trung Quốc từ các nhà đầu tư nước ngoài (thông qua các khoản đầu tư trực tiếp) đã giảm 8,1 tỷ USD trong quý 3. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Trung Quốc đã giảm gần 13 tỷ USD trong 9 tháng kể từ đầu năm đến nay.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng điều này chủ yếu là do sự chồng chất của nhiều yếu tố, như căng thẳng địa chính trị, sự bi quan của ngoại giới về nền kinh tế Trung Quốc, và sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các công ty Trung Quốc trong các ngành công nghiệp như ô tô.
Ngày 8/11, dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy, trong quý 3, nợ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán đã giảm 8,1 tỷ USD. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này đã giảm gần 13 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.
Về vấn đề này, ngày 11/11 Bloomberg chỉ ra rằng các công ty nước ngoài đã rút nhiều vốn hơn trong quý 3. Điều này cho thấy, một số nhà đầu tư đang bi quan về nền kinh tế Trung Quốc, bất chấp việc Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp kích thích để ổn định tăng trưởng.
Báo cáo cho biết, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm trong 3 năm qua, chủ yếu là do căng thẳng địa chính trị, sự bi quan về nền kinh tế Trung Quốc và sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty nội địa Trung Quốc trong các ngành công nghiệp như ô tô.
Nếu xu hướng này kéo dài đến cuối năm, đây sẽ là lần đầu tiên FDI ròng của Trung Quốc âm kể từ năm 1990.
Trong năm nay, các công ty đã thu hẹp lại một số hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất ô tô Nissan và Volkswagen và công ty Konica Minolta.
Ngoài ra, hồi tháng 7, Nippon Steel cho biết, hãng sẽ rút khỏi liên doanh tại Trung Quốc. Cuối tháng 8, IBM thông báo, sẽ đóng cửa hoàn toàn bộ phận nghiên cứu và phát triển R&D tại Trung Quốc, ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên.
Theo báo cáo, sau khi Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, viễn cảnh chiến tranh thương mại mở rộng, và mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi có thể hạn chế hơn nữa hoạt động đầu tư.
Ông Allan Gabor, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết căng thẳng địa chính trị là mối quan tâm lớn nhất đối với các thành viên của tổ chức này. “Điều này gây khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư quy mô lớn, tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy các thành viên thực hiện đầu tư vừa và nhỏ.”
Ngược lại, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh với 34 tỷ USD trong quý III, nâng tổng mức đầu tư trong năm lên 143 tỷ USD – mức cao thứ 3 trong lịch sử cho cùng kỳ.
Xu hướng này có khả năng tiếp tục và mở rộng, nhất là khi ngày càng nhiều quốc gia áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, như thép. Mỹ cũng đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.
Bình Minh