Một tuần sau khi Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra về việc bán sản phẩm bất hợp pháp của nền tảng TMĐT (thương mại điện tử) Temu – Trung Quốc, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng châu Âu đã yêu cầu Temu chấn chỉnh, nếu không sẽ phải đối mặt với án phạt.
Mạng lưới hợp tác bảo vệ người tiêu dùng châu Âu (CPC) ngày 8/11 đã yêu cầu nền tảng TMĐT Temu chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, cảnh báo nền tảng sẽ bị phạt nếu để tình hình tái diễn.
“Mạng lưới Hợp tác Bảo vệ Người tiêu dùng (CPC)” là một tổ chức hợp tác bao gồm các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của 27 nước thành viên EU cộng thêm Na Uy và Iceland.
Theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), một tuần trước (31/10) Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra về việc liệu Temu có vi phạm và bán sản phẩm bất hợp pháp hay không.
CPC chỉ ra hoạt động kinh doanh của Temu đã vi phạm các quy định bảo vệ người tiêu dùng của nhiều nước. Các vi phạm bao gồm:
– Giảm giá lừa dối: Tạo ấn tượng rằng sản phẩm được giảm giá nhưng thực tế không phải vậy.
– Gây áp lực người bán: Dùng chiêu trò như kiểu khuyến khích người mua bằng tuyên bố “lượng hàng sắp hết” hay như vấn đề thời hạn mua hàng để thúc đẩy người tiêu dùng sớm hoàn tất đơn hàng.
– Trò chơi bắt buộc: Sau khi mở APP lập tức có bánh xe quay thưởng, từ đó người tiêu dùng bị dụ dỗ mua hàng với lý do trúng phiếu giảm giá.
– Thông tin bị thiếu và sai lệch: Hiển thị thông tin không đầy đủ và không chính xác về quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong việc trả hàng và hoàn tiền.
– Đánh giá giả mạo: Temu không cung cấp đầy đủ thông tin để đảm bảo tính xác thực của các đánh giá mua hàng.
– Thông tin liên hệ ẩn: Người tiêu dùng không thể dễ dàng liên hệ với Temu khi có thắc mắc hoặc khiếu nại.
Temu hiện có một tháng để phản hồi các phát hiện của CPC và đưa ra cam kết về cách giải quyết các vấn đề đã xác định.
Đến nay, chính quyền Hungary, Ba Lan và Pháp đã công bố các thủ tục tố tụng chống lại Temu vì vi phạm kinh doanh.
Temu được thành lập vào năm 2022, chiến lược bán phá giá giá rẻ và các vấn đề về chất lượng sản phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi trên phạm vi quốc tế. Ngoài EU và các nước thành viên của EU, chính phủ Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đã công bố các cuộc điều tra về vấn đề này.
Ví dụ mới nhất là tuyên bố từ Chính phủ Việt Nam, nếu trước cuối tháng 11 sàn TMĐT Shein và Temu – Trung Quốc không đăng ký kinh doanh với Bộ Công Thương Việt Nam, thì Shein và Temu sẽ bị cấm tại Việt Nam.
Theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), ngày 31/5/2024 Temu được Liên minh châu Âu chỉ định là Nền tảng trực tuyến siêu lớn (VLOP).
Theo Dương Húc, Epoch Times