Năm nay biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc đã tăng mạnh, trong đó có nhiều vấn đề ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Theo dữ liệu do China Dissent Monitor thuộc tổ chức nhân quyền Freedom House (Mỹ), các cuộc biểu tình công khai tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hầu hết liên quan đến các vấn đề kinh tế.
Hôm thứ Năm (21/11), China Dissent Monitor đã công bố báo cáo nghiên cứu về các cuộc biểu tình ở Trung Quốc trong quý 3, cơ quan này đã ghi nhận tổng cộng 937 cuộc biểu tình công khai từ tháng 7 – 9/2024, hầu hết các cuộc biểu tình này do công nhân (41%), chủ sở hữu (28%) và cư dân nông thôn (12%) khởi xướng.
Các cuộc biểu tình còn lại trong quý 3 được thúc đẩy bởi các nhóm đa dạng như phụ huynh, học sinh, nhà đầu tư, người tiêu dùng, thành viên của các nhóm tôn giáo hoặc dân tộc thiểu số và các nhà hoạt động.
Khu vực có nhiều cuộc biểu tình nhất là Quảng Đông (18%), tiếp theo là Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hà Nam và Chiết Giang.
Biểu tình lan sang tầng lớp giàu có
Sự kiện chủ nhà biểu tình đòi quyền lợi gần đây ở Thượng Hải cho thấy nhóm biểu tình ở Trung Quốc đã mở rộng thành tầng lớp người giàu, đây là tín hiệu mới cho thấy mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc hiện nay không ngừng gia tăng.
Ngày 18/11 hơn một trăm chủ sở hữu của khu nhà số 1 Tô Hà Vịnh quận Tĩnh An – Thượng Hải, vì mãi chưa bàn giao nhà nên xuống đường diễu hành bảo vệ quyền lợi, kết quả bị cảnh sát đàn áp dữ dội.
Chia sẻ với Epoch Times, Chủ tịch Tằng Kiến Nguyên (Tseng,Chien-Yuan) của Hiệp hội Thư viện Dân chủ người Hoa tại Đài Loan cho rằng trước đây nhóm phản đối chủ yếu là người lao động bình dân, vì họ rất dễ bị người thuê lao động bóc lột; nhưng tình hình ở Trung Quốc hiện nay có đặc biệt là các tầng lớp bao gồm cả các nhà tư bản, cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc rất nghiêm trọng.
Ông Tseng nói: “Nếu người dân bị khốn khó kinh tế thì tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – sự phát triển kinh tế và chủ nghĩa dân tộc – sẽ bị suy yếu rất nhiều. Khi áp lực quốc tế kết hợp với sự phản đối trong nước, sẽ gây những tiếng nói khác nhau trong ĐCSTQ và chạm đến vấn đề tiến bộ [dân chủ] của Trung Quốc”.
Tăng ý thức tự chủ của công dân
Trong báo cáo mới nhất, trang web China Dissent Monitor đã phân tích 174 trường hợp công dân phản kháng để đấu tranh cho quyền tự trị của khu cộng đồng, những chủ sở hữu này đã phản công vì vấn đề lạm dụng quyền hạn và quản lý quá mức của công ty quản lý tài sản.
Theo hồ sơ của trang web China Dissent Monitor, số trường hợp phản đối các công ty quản lý tài sản đã tăng lên đáng kể trong quý 3.
Trang web China Dissent Monitor phân tích, mặc dù liên quan đến việc điều chỉnh phương pháp thu thập dữ liệu, xu hướng này cũng liên quan đến sự gia tăng các cuộc thảo luận trực tuyến về việc bãi bỏ các công ty quản lý tài sản trên toàn Trung Quốc.
Theo báo cáo, đầu năm nay, một đại biểu Nhân đại toàn Trung Quốc đã đề xuất sửa đổi các quy định quản lý tài sản trong kỳ họp thường niên. Sau đó cộng đồng mạng nóng lên chủ đề bãi bỏ hoàn toàn công ty quản lý tài sản [thường chỉ việc quản lý các tòa nhà và những dịch vụ liên quan].
Báo cáo chỉ ra, chính quyền ĐCSTQ coi các công ty quản lý tài sản là phòng tuyến đầu tiên đối với quản lý xã hội.
Khi chủ sở hữu cố gắng thành lập ủy ban chủ sở hữu theo cách dân chủ, giành lại quyền lực bị công ty quản lý tài sản lấy đi, họ thường gặp phải cản trở mạnh mẽ hoặc thậm chí là đàn áp của công ty hoặc chính quyền địa phương.
Gia tăng biểu tình của nhà đầu tư và người tiêu dùng
Các nhà nghiên cứu tính toán, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế của Trung Quốc tăng lên, số lượng bất đồng chính kiến trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ khi xây dựng cơ sở dữ liệu này vào tháng 6/2022.
Nhà nghiên cứu Kevin Slaten trú tại Đài Loan (nghiên cứu trưởng của China Dissent Monitor) dùng tiếng Trung lưu loát, Bloomberg trích dẫn phân tích của ông rằng “một trong những động lực chính của các cuộc biểu tình kinh tế là ảnh hưởng của ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn”.
Ông Kevin Slaten nói thêm, “Số tiền mà Chính phủ [ĐCSTQ] đầu tư để giải quyết những vấn đề này phản ánh tính cấp bách, và cảm giác cấp bách này một phần bắt nguồn từ lo lắng về các cuộc biểu tình thường xuyên ở cơ sở”.
Do chính quyền ĐCSTQ tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt thông tin liên quan, tổ chức Freedom House 2 năm trước đã mở dự án nghiên cứu thu thập, sắp xếp và phân tích có hệ thống các hoạt động biểu tình của Trung Quốc, tiến hành nghiên cứu các kiểu loại hoạt động biểu tình của 500 thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc (từ nhiều khía cạnh như phương thức, đặc điểm và nguyên nhân của các cuộc biểu tình), thường xuyên công bố báo cáo phân tích trên trang web China Dissent Monitor.
Trong quý 2/2024, trang web đã thu thập 805 cuộc biểu tình, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phần lớn là biểu tình lao động (44%), còn biểu tình của chủ sở hữu (21%).
Kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 6/2022, trang web China Dissent Monitor đã ghi nhận 7377 cuộc biểu tình.
Theo Lý Hạo Nguyệt, Epoch Times