956 vụ tham nhũng, chức vụ bị phát hiện trong năm 2024, theo Bộ trưởng Bộ Công an, tỷ lệ tăng tới 20,55% so với năm trước. Người có chức vụ “móc nối” doanh nghiệp để “lách luật” hoặc “xóa” sai phạm.
Sáng 26/11, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đại diện Chính phủ báo cáo Quốc hội công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024).
Về tình hình tội phạm về trật tự xã hội, số vụ phạm tội tăng 12,53%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội là 83,48% (cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%
Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục xảy ra trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Hơn 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật bị ngăn chặn truy cập; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm xảy ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn. Số vụ phạm tội về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm được phát hiện, xử lý ít hơn 53,46%.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thừa nhận tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Quang xác nhận vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy có giảm nhưng còn một số vi phạm phải xử lý hình sự.
Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương… Vi phạm hành chính còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực.
Theo ông Quang, năm 2025, dự báo tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Xã hội bạo lực, người có chức vụ “đi sân sau” với doanh nghiệp
Thẩm tra báo cáo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Riêng tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong năm 2024 đã phát hiện 956 vụ, tăng 20,55%.
Tuy nhiên, theo bà Nga, còn một số vấn đề tồn tại như tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại một số cơ sở kinh doanh có điều kiện; công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường chưa tương xứng với tình hình thực tế, số vụ việc được phát hiện giảm so với năm 2023.
Ngoài ra, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 46,08%; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%; tham ô tài sản tăng 45,61%; đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%. .
Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh. Bên cạnh đó, tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập thông qua mạng xã hội, sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng..
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Thí dụ, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.
Nguyễn Quân
Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Nha Trang bị khởi tố, bắt giam
Bà Nguyễn Thị Hồng Sâm bị khởi tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.
Ngày 26/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 giám đốc và 1 trưởng phòng vì có hành vi sai phạm trong công tác đấu thầu và nhận hối lộ.
Cụ thể, bị can Nguyễn Thị Hồng Sâm, Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP. Nha Trang và Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật của ban này cùng bị khởi tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ.
Hai bị can Trịnh Doãn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Lợi và Phan Thị Như Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng TL Nha Trang bị khởi tố cùng tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, bà Sâm cùng ông Cường bị cáo buộc lợi dụng chức vụ và quyền hạn, nhận tiền hối lộ của các nhà thầu tư vấn. Cả 2 bị can trên đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch.
Hành vi này đã làm lợi bất hợp pháp cho nhà thầu thi công là Công ty TNHH Dũng Lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước.
Theo công an, bà Thủy có hành vi giúp sức cho bà Sâm và ông Cường thực hiện trái quy định pháp luật về đấu thầu trong quá trình chọn nhà thầu.
Từ đó, Công ty Dũng Lợi được tạo điều kiện trúng 4 gói thầu xây dựng các công trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè phía đông, phía tây và dải phân cách đường Trần Phú. Các công trình trên đều do Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Nha Trang làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, ông Dũng bị điều tra do có hành vi gian lận trong đấu thầu, cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu của Công ty Dũng Lợi để được xét trúng thầu 4 gói thầu trên. Hành vi của ông Dũng bị xác định là để hưởng lợi bất hợp pháp, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản nhà nước.
Công an tỉnh Khánh Hòa đang mở rộng điều tra vụ án.
Công ty TNHH Dũng Lợi có trụ sở đóng tại TP. Nha Trang và trúng nhiều gói thầu chỉnh trang đô thị của thành phố này.
Trước đó, tháng 5, Công an tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu UBND TP. Nha Trang phối hợp, cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động đấu thầu thi công các công trình của Công ty TNHH Dũng Lợi, do Ban Quản lý dịch vụ công ích, Phòng Quản lý đô thị thành phố Nha Trang làm chủ đầu tư.
Đến tháng 10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh này cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử của 14 cá nhân liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Trong danh sách 14 cá nhân, có lãnh đạo Ban Quản lý dịch vụ công ích Nha Trang, Phòng Quản lý đô thị Nha Trang, người đại diện theo quy định pháp luật của Công ty TNHH Dũng Lợi.
Phạm Toàn
Nhiều cán bộ thuộc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, TAND Đắk Lắk, Thẩm phán cùng một luật sư ở Huế bị tạm giữ
Nhiều cán bộ của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, TAND tỉnh Đắk Lắk, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP. Buôn Ma Thuột cùng Thẩm phán TAND và một luật sư ở Thừa Thiên – Huế bị tạm giữ để điều tra.
2 cán bộ TAND tỉnh Đắk Lắk và 1 chấp hành viên bị tạm giữ
Ngày 26/11, báo Người Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh niên cùng một số báo Nhà nước khác dẫn nguồn tin từ TAND tỉnh Đắk Lắk xác nhận Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tạm giữ 2 cán bộ của TAND tỉnh Đắk Lắk để điều tra.
Tin không tiết lộ danh tính, chức danh cũng như hành vi vi phạm cụ thể của những cán bộ này. Tuy nhiên, 2 cán bộ của TAND tỉnh Đắk Lắk bị tạm giữ được cho là liên quan đến một vụ án ở TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, báo Người Lao Động dẫn một nguồn tin khác xác nhận thêm ông T.T.T (chấp hành viên thuộc Chi cục THADS TP. Buôn Ma Thuột) đã bị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tạm giữ để điều tra.
Trước đó, vào ngày 25/11, dư luận rộ lên việc Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao không chỉ tạm giữ một số cán bộ của Tòa án và Chi cục THADS mà tạm giữ cả một số luật sư hoạt động tại Đắk Lắk.
Tuy nhiên, theo đại diện Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, đây chỉ là thông tin ngoài luồng.
Hai cán bộ thuộc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng bị tạm giữ
Tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn một nguồn tin xác nhận ông T.N.B (cán bộ Phòng Giám đốc kiểm tra về hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tạm giữ.
Cũng theo báo Pháp Luật TP.HCM, trước đó, trong ngày 25/11, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã làm việc với nhiều người của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Cụ thể, khoảng 8h sáng, tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, nhiều xe biển xanh cùng cán bộ VKS xuất hiện làm việc.
Sau khi làm việc, đến khoảng 17h chiều cùng ngày, một cán bộ thuộc TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cùng một người khác đã bị Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đưa ra sân bay.
Thẩm phán TAND cùng một luật sư ở Thừa Thiên – Huế bị tạm giữ
Cũng trong ngày 26/11, báo VTC News cùng báo Lao Động dẫn một nguồn tin cho biết Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao vừa tạm giữ một thẩm phán TAND TP. Huế và một luật sư ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Hai người bị tạm giữ là ông Ngô Văn N. (Thẩm phán TAND TP. Huế thuộc TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế) và luật sư H. K. A. (trú TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Sai phạm cụ thể của hai người trên chưa được tiết lộ.
Hiện chưa rõ các cán bộ trên có bị bắt để điều tra vì liên quan trong cùng một vụ án hay không.
Trước đó, ngày 25/10, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Việt Cường (Phó chánh án TAND cấp cao tại TP. Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.
Ông Phạm Việt Cường (SN 1974, quê quán Thái Bình) trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng vào ngày 1/4/2023, ông Cường nhiều năm làm Chánh tòa Tòa Hình sự TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Liên quan vụ án này, trước đó ngày 13/8, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có thông báo về việc bắt bà Nguyễn Thị Nga (SN 1982, quê quán huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) -Phó trưởng phòng Phòng Giám đốc kiểm tra về dân sự lao động, kinh doanh, thương mại thuộc TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Nga bị điều tra về tội “Môi giới hối lộ”, theo Điều 365 Bộ luật Hình sự 2015.
Cũng giữa tháng 8, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố bà Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1981, quê tỉnh Quảng Bình, ngụ TP. Đà Nẵng), Trưởng Phòng Hành chính tư pháp TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Khánh Vy