Mới vài tuần trước, một lô “hàng chục” tên lửa Storm Shadow đã được gửi vào chiến trường Ukraine bởi chính quyền thủ tướng Anh Keir Starmer, người cam kết sẽ sát cánh cùng Kiev. Lý do của việc không có tuyên bố hay thông báo về lô hàng giá trị cao này là cần giữ bí mật đối với Nga, tuy nhiên, theo Bloomberg, có những nghi ngờ về động cơ muốn can thiệp đến quyết định của chính quyền của Donald Trump, người nhiều lần chỉ trích việc bơm quá nhiều tiền cho Kiev và muốn sớm kết thúc chiến tranh Ukraine.
Theo báo cáo của Bloomberg hôm Thứ Ba, dẫn nguồn tin giấu tên, thì đây được coi là chuyến hàng đầu tiên cho Kiev của Thủ tướng Starmer, người mà mới hôm Thứ Tư tuần trước vẫn tiếp tục tuyên bố sẽ “kiên trì” hỗ trợ chính quyền Kiev trong dịp họp mặt G20 diễn ra tại Brazil.
Theo Bloomberg, khi được hỏi tại sao lại không có thông báo nào về lô hàng này, thì Bộ Quốc phòng giải thích rằng là vì “làm như vậy sẽ chỉ đem lại lợi ích cho” Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời, Bộ cũng nhắc lại lập trường ủng hộ Kiev của ông Starmer là vững vàng “như thép.”
Bloomberg bình luận rằng, các hoạt động của chính quyền Biden và các đồng minh kể từ sau khi phát hiện Donald Trump đắc cử cho thấy rằng họ đang gấp rút cường hóa Ukraine trước ngày Donald Trump nhậm chức.
Có một câu hỏi thế này, dùng vũ khí như ATACMS của Mỹ hay Storm Shadow của Anh/Pháp thì có dẫn tới nguy cơ leo thang chiến tranh đột biến hay không?
Như bài tin đã đưa, Rebekah Koffler, cựu quan chức của Tình báo Quốc phòng Mỹ, trong phỏng vấn với Fox News công bố hôm Thứ Hai, đã nói rất rõ rằng trong mô phỏng chiến tranh (war game) do giới tình báo Mỹ quốc thiết lập, thì đều dẫn tới chiến tranh hạt nhân, tất cả các kịch bản mô phỏng đều như vậy. Theo bà, người Nga hiểu được tính nghiêm trọng của việc này. Người Mỹ cũng đương nhiên biết điều này. Bà nói rằng hồi tháng 9, cơ quan tình báo khi cố vấn cho Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ như vậy rồi, và đã phản đối việc cho dùng vũ khí tầm xa để bắn vào lãnh thổ Nga.
Khi được hỏi về vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine, bà nói rằng mong muốn của Ukraine là chính đáng, nhưng mà, Mỹ có thể có các lựa chọn khác nhau cho vấn đề đó, và lựa chọn leo thang chiến tranh là lựa chọn không thích đáng. Bà mong ông Trump sẽ có lời giải tốt hơn. Lưu ý rằng, bà Koffler là người chống Nga, chống Putin mạnh mẽ. Năm 2021 bà thậm chí còn viết một cuốn sách “Sách lược của Putin” trong đó bà tin rằng ông Putin ôm mộng muốn làm “Sa hoàng Vladimir” nếu ông ấy có thể phục hưng nước Nga.
Tính hiệu quả của vũ khí như ATACMS của Mỹ hay Storm Shadow của Anh/Pháp tại chiến trường Ukraine cũng là một vấn đề.
Theo Sky News mỗi quả Storm Shadow trị giá tới 2 triệu euro. Cả phía Anh và Ukraine đều chưa từng công bố rõ họ đã dùng bao nhiêu quả Storm Shadow và hiệu quả cụ thể thế nào. Nhưng gần đây nhất, vụ bắn 6 quả tên lửa ATACMS của Mỹ vào lãnh thổ Nga hôm Thứ Hai tuần trước, mỗi quả cũng gần 2 triệu USD, thì coi như là không có hiệu quả gì. Nga chặn đánh 5 quả, còn 1 quả bị hỏng, rơi xuống gây ra 1 đám cháy mà sau đó được dập lửa là xong chuyện.
Rất nhiều báo cáo của truyền thông phương Tây phân tích rằng chiến tranh tiêu hao đang diễn ra ở Ukraine vẫn là dựa và khả năng sát thương khi tranh giành đất đai, còn các vũ khí chiến thuật đắt tiền nói chung chỉ có nghĩa khi đánh vào các mục tiêu quan trọng, có giá trị cao. Do đó, có lập luận rằng quyết định tuần qua của chính quyền Biden là với mục đích leo thang chiến tranh trước khi ông Trump vào nhiệm sở, chứ không phải là vì kỳ vọng trong vòng 2 tháng thì các vũ khí ấy sẽ đem lại chiến thắng nào đó trên chiến trường.
Nhật Tân
Nga cảnh báo kịch bản phương Tây đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 26/11 đã lên tiếng cảnh báo rằng nếu phương Tây đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine thì Moskva có thể coi hành động đó tương đương với một cuộc tấn công vào Nga, tạo cơ sở cho một cuộc đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.
Được biết, một số quan chức phương Tây giấu tên đã gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đặt vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù có lo ngại rằng bước đi như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo nguồn tin, giới chức phương Tây cho rằng điều này sẽ được xem là biện pháp răn đe để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
“Các chính trị gia và nhà báo Mỹ đang thảo luận nghiêm túc về hậu quả của việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine”, ông Medvedev, người từng giữ chức Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, cho hay.
Ông Medvedev cho biết mối đe dọa chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine có thể được coi là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến hạt nhân chống lại Nga.
“Việc chuyển giao thực tế các loại vũ khí như vậy có thể được coi là sự đã rồi của một cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi, theo học thuyết hạt nhân mới được cập nhật của Nga”, ông cho biết, viện dẫn mục 19 trong tài liệu.
Ông Medvedev lập luận rằng ý tưởng về việc “cung cấp vũ khí nguyên tử cho một quốc gia đang trong cuộc chiến với cường quốc hạt nhân lớn nhất” là điều rất vô lý.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, ý tưởng đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine như biện pháp răn đe là rất cực đoan.
“Ngay cả những chính sách khiêu khích nhất nhằm leo thang căng thẳng cũng có khía cạnh cực đoan. Vì vậy, có lẽ, quan điểm này thuộc về phe cực đoan này”, ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng đây là một ý tưởng hoàn toàn vô trách nhiệm từ những người không nắm bắt được thực tế. Ông Peskov cũng chỉ ra rằng những đề xuất như vậy đang được nêu ra một cách ẩn danh.
Kiev từ lâu đã lập luận rằng Washington và các đồng minh của họ có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine vì Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Mỹ, Anh và Nga đã đưa ra các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ khỏi lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng không ít lần phàn nàn rằng Bản ghi nhớ Budapest vừa khiến Ukraine không có vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ, vừa mất an ninh. Tháng trước, ông Zelensky nói rằng để bảo đảm an ninh của chính mình, Ukraine sẽ cần phải gia nhập NATO hoặc cần có vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Nga cho rằng, cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây đã khiến bản ghi nhớ bị vi phạm.
Anh Trần